Tiếp tục bán vé online các trận của ÐT Việt Nam

Thứ bảy, 01/12/2018, 08:55
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ tiếp tục áp dụng hình thức bán vé online cho toàn bộ khán giả có nhu cầu xem các trận đấu của ÐT Việt Nam, sau lần đầu thử nghiệm mà không có sự cố lớn nào xảy ra.

Dòng người vui vẻ xếp hàng chờ đến lượt nhận vé trước trụ sở VFF sau khi mua vé online thành công.

Không có tình trạng chen lấn, xô đẩy

Hôm qua, VFF trả cho người hâm mộ vé online trận bán kết lượt về giữa ĐT Việt Nam và ĐT  Philippines trên sân Mỹ Đình ngày 6/12. Sau hai ngày, VFF đã bán khoảng 15.000 vé online. Do có đến hơn 7.000 người nhận vé qua đường chuyển phát nên sáng qua chỉ khoảng vài trăm CĐV tập trung tại cổng trụ sở VFF để nhận vé. Khác với tình trạng chen lấn, xô đẩy thường thấy ở mỗi lần phát hành vé của ĐT Việt Nam, dòng người xếp hàng ở trụ sở VFF khá trật tự, kiên nhẫn chờ đến lượt. Họ chỉ cần mang theo CMND hoặc thẻ căn cước bản gốc và bản in xác nhận lệnh là có thể nhận vé. Vì thế, lực lượng an ninh cũng không phải làm việc vất vả, dù được bố trí dày đặc.

Anh Đỗ Huy Hoàng (Hà Nội) là một trong những CĐV sở hữu những tấm vé đầu tiên trong sáng qua. Dù mỗi người được mua tối đa 4 vé, nhưng để “chắc ăn”, anh Hoàng chỉ đặt lệnh mua 2 vé và mất chừng 30 phút để hoàn thành thủ tục mua online. Nhà ở nội thành Hà Nội nhưng anh Hoàng không nhận vé qua đường bưu điện mà đến trụ sở VFF để nhận vé. “Tôi thấy việc bán online cho người hâm mộ rất tốt vì tỷ lệ mua được sẽ nhiều hơn so với cách bán vé truyền thống là xếp hàng. Không phải ai cũng có thời gian và đủ sức khoẻ xếp hàng. Theo tôi, bán online thì cơ hội của mọi người như nhau và tôi là người may mắn trong số đó”, anh Hoàng nói.

Sau lần đầu thử nghiệm bán vé online khá thành công, TTK VFF Lê Hoài Anh chia sẻ: Ngày đầu tiên là căng thẳng nhất đối với tất cả các bộ phận bán vé online bởi đây là một phương thức mới đối với mọi người. Do vậy, trong quá trình thực hiện có rất nhiều ý kiến trái chiều. Có khoảng 2,7 triệu lượt truy cập vào hệ thống bán vé của VFF. Khoảng thời gian cao điểm, có khoảng 150.000 lượt truy cập được thực hiện cùng lúc. Khi mà nhu cầu vượt qua khả năng đáp ứng rất nhiều lần, tuyệt đạt đa số mọi người không mua được vé là điều dễ hiểu. Không ít người có những phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy là quang cảnh hôm nay rất là trật tự, mọi người xếp hàng nhận vé đều hài lòng, không có chen lấn, xô đẩy. Tôi cảm thấy đây hoàn toàn là một phương thức mua vé văn minh và công bằng”, ông nói.

Ðơn vị tài trợ có lượng vé lớn

VFF cho biết bán ra khoảng 45% số vé, tức khoảng 15.000 vé (trong khi sức chứa sân trên 40.000 chỗ). Vì thế không ít người thắc mắc, số vé còn lại đang ở đâu? TTK VFF Lê Hoài Anh giải thích: “Theo hợp đồng thì chúng tôi phải có trách nhiệm bán vé cho nhà tài trợ giải. Mọi người đều biết, các nhà tài trợ là những đơn vị đóng góp tài chính cho giải đấu. Họ có quyền dùng vé đó làm phần thưởng cho các đại lý hoặc làm phần thưởng khuyến mại. Điều này cũng rất bình thường. Chính vì thế, đơn vị tài trợ chính có lượng vé lớn”.

Được biết, VFF phải in 4.000 vé mời, 3.200 vé cho CĐV Philippines, vé cho LĐBĐ Đông Nam Á (AFF), vé bán cho Hội CĐV Việt Nam, vé bán cho các nhà tài trợ của đội tuyển và AFF... “Nhìn vào số lượng vé trả quyền lợi tài trợ, rất nhiều người sẽ không hài lòng. Nhưng chúng ta cần hiểu, những đơn vị đó bỏ tài chính ra tổ chức giải nên họ có quyền lợi. Khi đăng cai bất cứ sự kiện nào của AFF, chúng ta phải ký các điều khoản trách nhiệm của nước đăng cai, trong đó có quy định số giấy mời, số vé trả quyền lợi”, ông Lê Hoài Anh chia sẻ.

Trước ý kiến nhận xét phần mềm bán vé mà đối tác cung cấp cho VFF chưa thân thiện với người dùng, ông Lê Hoài Anh nói: “Đối tác của VFF là Z.com, nhà cung cấp hosting số 1 Nhật Bản nên không có gì phải nghi ngờ về năng lực của họ. Dù vậy, do đây là lần đầu bán vé online với số lượng lớn nên sẽ có nhiều điều cần phải được đánh giá, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong lần bán vé tiếp theo”, ông Lê Hoài Anh cho biết.

Nhiều phe vé sẵn sàng mua lại vé của các CÐV vừa nhận vé với giá cao gấp 4 lần, sau đó sẽ mang ra “chợ đen” bán với giá cắt cổ. Giá một cặp vé có mệnh giá 500.000 đồng/vé, được phe vé rao bán lên đến 8 triệu đồng/cặp. Với các vé có mệnh giá thấp hơn thì sẽ bán lại với giá 1 - 6 triệu đồng/cặp. Nhiều tài khoản trên mạng xã hội cũng công khai rao bán vé với giá trên trời.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn