Nhiều ý kiến tập trung vào ý nếu như chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020 và tầm nhìn cho năm 2030 mà ngay từ bây giờ không coi trọng công tác đào tạo trẻ thì khó khả thi.
Mở đầu cho buổi hội thảo, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu nói: “Những năm trong chiến tranh chúng ta biết lấy sức mạnh toàn dân, tinh thần dân tộc để tạo nên một nền bóng đá mạnh. Hồi đấy bóng đá chúng ta mạnh thật, còn bây giờ thì nát như tương vậy. Nếu lập ra tầm nhìn thì hãy có văn bản đánh giá thực trạng của bóng đá hiện nay và những người làm bóng đá phải có cái tâm thật sự cho bóng đá Việt Nam…”.
Ông Bửu còn nhấn mạnh đến chữ TIỀN giờ đã chi phối bóng đá Việt Nam rất nhiều, khác với trước đây là cái TÂM và chữ TÌNH. Ông Bửu trăn trở hiện nay có vị lãnh đạo nào đã quan tâm đến sức khỏe người dân? Hay những giá trị truyền thống như đội Cảng Sài Gòn đã bị xóa sổ một cách lạnh lùng. Ông phân tích: “Nó không đơn giản là một cái tên in đậm dấu ấn của giai cấp công nhân mà nó còn mang tính lịch sử vì Cảng Sài Gòn gắn với Bến Nhà Rồng, là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước…
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu góp ý cho dự thảo. Ảnh: XUÂN HUY
Góp ý cho dự thảo, Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Duy Long cho rằng LĐBĐ VN phải là nơi định hướng công tác đào tạo trẻ. Liên đoàn nên có thái độ dứt khoát về vấn đề cầu thủ ngoại nhập tịch để qua đó các ông chủ CLB không còn ỷ lại nguồn cầu thủ này mà yên tâm lo chú trọng công tác đào tạo trẻ. Còn nếu như hiện nay việc nhập tịch một cầu thủ ngoại quá dễ dẫn đến việc ỷ lại, không đào tạo trẻ thì sẽ rất nguy hiểm”. Ông Long còn cho biết thêm rất may là những cầu thủ ngoại nhập tịch họ chỉ vì tiền mà không để ý đến chuyện khác. Chứ nếu như họ bảo tôi đã là một công dân của Việt Nam, tôi đá bóng còn hay hơn khối cầu thủ trong đội tuyển Việt Nam mà sao không gọi tôi vào đội tuyển quốc gia… thì LĐBĐ VN ứng xử ra sao đây. Ông Long còn nói thêm: “Ngay cả những giải U-15, U-17, U-19 hay U-21 chúng ta có vua phá lưới, có cầu thủ xuất sắc nhất giải nhưng tan giải có còn ai quan tâm đến các cháu ra sao, điều kiện phát triển như thế nào…”.
Thực tế bóng đá Việt Nam hiện nay còn những mảng không phải ngoài tầm tay nhưng chẳng ai quan tâm, đó là lực lượng HLV bóng đá trẻ. Đã có ví dụ về thực trạng buồn đó là hàng ngũ HLV chuyên phát hiện đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam gần như không có. Ngược lại, các HLV tuyến trên bị “phốt”, bị “đì” thế là cho xuống làm tuyến trẻ. Thậm chí có những HLV thô lỗ, cộc cằn, hay chửi tục lại được giao công tác đào tạo trẻ thì làm sao thế hệ trẻ mọc thẳng được…
Một số ý kiến đáng chú ý Bà NGUYỄN XUÂN THÁI, nguyên Ủy viên LĐBĐ VN, từng là Trưởng đoàn bóng đá Cảng Sài Gòn: “Các anh trong LĐBĐ VN nên có chính kiến của mình, đừng sợ mắc lỗi, mắc lỗi thì hãy sửa chữa. Nếu không được thì cứ mạnh dạn từ chức. Nếu cái tâm trong sáng vì bóng đá Việt Nam thì không có gì phải hỗ thẹn cả. Bây giờ đi đâu tôi không nói mình từng là người của LĐBĐ VN vì hổ thẹn lắm. Các anh không còn chính kiến, không còn mạnh dạn, không còn là chính mình nữa”. Ông TRẦN VĂN MUI, nguyên Phó Chủ tịch LĐBĐ VN: “Chiến lược nào đi chăng nữa thì phải phát triển từ gốc, tức công tác đào tạo trẻ phải phát triển chiều rộng lẫn chiều sâu thì mới mong đội tuyển quốc gia mạnh được”. Ông DƯƠNG VŨ LÂM, Trưởng ban Trọng tài Quốc gia: “Chúng ta hiện nay đang lẫn lộn giữa hai yếu tố nhà nước và tư nhân. Nếu vẫn còn lẫn lộn thế này nữa thì không thể làm được. Khi nói đến bóng đá trẻ, bóng đá học đường là phải có sự vào cuộc của Bộ GD&ĐT nhưng khi làm việc với họ thì họ “tiền đâu?” rồi đẩy lại rằng “đó là nhiệm vụ của LĐBĐ VN”. LĐBĐ VN đâu phải là một… siêu bộ. Bên cạnh đó, sau 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp mà chúng ta chưa tổ chức hội thảo đánh giá lại thì làm sao đúng hướng và điều chỉnh tốt được”. Ông VŨ TIẾN THÀNH, nguyên HLV Phó đội tuyển quốc gia: “Cần phải chuẩn hóa các văn bản và luật định để bóng đá không “loạn” như thời gian qua và để các CLB có hành lang pháp lý thực hiện việc phát triển chuyên nghiệp nghiêm túc thay vì là lách luật…”. TP ghi |
Theo Phapluattp.