Chiến thắng 1-0 trước UAE giúp tuyển Việt Nam tạo bước ngoặt trong cuộc đua lấy ngôi đầu bảng. Vị trí số 1 sau 4 trận đấu phản ánh sức mạnh và sự ổn định của thầy trò HLV Park Hang Seo. Nếu tiếp tục hạ gục Thái Lan vào thứ Ba tới (19/11), Việt Nam sẽ gần như triệt tiêu hy vọng lấy ngôi đầu của đối thủ. Dù vậy, đây là nhiệm vụ không dễ dàng.
Trả lời PV, chuyên gia Phan Anh Tú cho rằng Việt Nam đang có lợi thế, nhưng phải thi đấu hết sức khôn ngoan, thận trọng, không để rơi vào cái bẫy của đối thủ.
Việt Nam hoà Thái Lan 0-0 ở trận lượt đi. |
Ông có bất ngờ khi Thái Lan thua Malaysia?
Tôi không bất ngờ lắm. Thái Lan với Malaysia trước nay lúc thắng, lúc thua, nên kết quả này không vấn đề gì. Thái Lan không mạnh hơn hẳn Malaysia. Việt Nam cũng không vượt trội hai đối thủ này. Việt Nam, Thái Lan và Malaysia hầu như "năm ăn năm thua", nên Malaysia hạ Thái Lan ở Bukit Jalil không phải là cú sốc.
Các đội ngang nhau, nên đội nào tận dụng cơ hội tốt hơn thì thắng. Mắc sai sót nhỏ là thua, chứ không ai hơn hẳn ai.
Thái Lan phải tấn công trước Việt Nam, không còn cách nào khác?
Chính xác. Các đội bóng khi gặp Việt Nam từ trước đến giờ phải hiểu là: họ cần có sách lược đúng. Trận vừa rồi với UAE cũng thế. Đội khách không mạnh dạn, chơi thiếu dũng cảm, đá rụt rè nên nhận gánh nặng tâm lý về mình.
Trong khi đó, Việt Nam chơi rất chắc chắn. Bản thân đội bóng của HLV Park Hang Seo vốn rất chắc chắn, ổn định, tấn công biến hoá. Nếu đối thủ không phá được thế phòng ngự của Việt Nam thì khó thắng. Muốn vậy, Thái Lan phải tấn công ở cường độ vừa đủ, còn tấn công hời hợt, thưa thớt chẳng giải quyết vấn đề gì.
Thái Lan nếu muốn đá "tất tay" trước Việt Nam thì phải tấn công với đầy đủ sự tự tin, chấp nhận mạo hiểm, nếu đá quá cẩn thận, sợ phản công thì lại khó khai thác. Các HLV hơn nhau ở tính toán ở từng thời khắc một ở đầu hiệp hay cuối hiệp. Thái Lan sẽ có khoảnh khắc đá kiểu "sống mái", "được ăn cả ngã về không" để hy vọng có điểm.
Thái Lan (áo xanh) chịu nhiều áp lực. |
Đó là điều HLV Park Hang Seo chờ đợi?
Đương nhiên, bởi tuyển Việt Nam hiện tại mạnh nhất ở phòng ngự phản công. Tuy nhiên, nếu đối phương tạo phá được thế phòng ngự của Việt Nam, họ sẽ có sự hưng phấn. Nhiều khi, đó là lựa chọn "lấy công bù thủ" của đối phương. Nếu anh tấn công mạnh khiến đối phương bị rối, lung lay, anh sẽ giảm được sức mạnh của họ. Hoặc không, anh phải đá thận trọng, nghiên cứu băng hình kỹ xem tố chất, thói quen cầu thủ Việt Nam thế nào còn khắc chế.
Nếu đối phương không khiến Việt Nam rối loạn, họ rất khó đá. Điểm ấn tượng của đội bóng do HLV Park Hang Seo dẫn dắt là sự chủ động: chủ động điều tiết, chủ động dẫn dắt lối chơi. Ta chủ động như thế, đối phương rất ngại.
Tuyển Việt Nam luôn chủ động và khó lường. |
Việt Nam gặp Thái Lan 2 lần trong năm nay và chưa thủng lưới bàn nào. Ở châu Á hiện tại, Việt Nam cũng có thành tích phòng ngự chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là cơ sở để tuyển Việt Nam tự tin?
Trong 2 trận đó, chúng ta có nhiều đường tấn công rất tốt. Song, bên cạnh đó, Thái Lan không đá quá tồi. Trận Việt Nam gặp Thái Lan ở Thammasat, hai đội đá ngang ngửa, cơ hội khai thác nhau không nhiều. Hai đội dè chừng nhau vì đều sợ nhau. Việt Nam sợ Thái Lan ban bật, còn Thái Lan sợ Việt Nam phản công.
Hơn thua nhau ở tính toán chiến lược và nhân sự. Nếu Thái Lan mạnh dạn phá hàng thủ Việt Nam, họ phải đá tốc độ cao, dùng trung phong có sức mạnh, chiều cao tốt. Như Nhật Bản, Iran, Iraq, họ thắng Việt Nam nhờ hàng tiền đạo có đủ tốc độ và sức mạnh.
Như UAE hôm vừa rồi, họ thiếu tiền đạo, đá thiếu dũng cảm. HLV Bert van Marwijk sử dụng cầu thủ số 10 (Omar Abdulrahman) sai lầm, không dùng như cầu thủ "chìa khoá" mà đẩy lên đá trung phong, khiến anh ta không có đường chuyền nào ra hồn.
Trận đấu tới, hãy xem HLV Akira Nishino xoay sở thế nào. Việt Nam mà cứ đá chắc chắn, chủ động thì Thái Lan rất khó xuyên phá.
HLV Park Hang Seo giúp Việt Nam xây hàng thủ thép. |
HLV Nishino đang chịu nhiều áp lực. Ông ấy là HLV giỏi, nhưng dường như chưa đủ thời gian tạo dấu ấn?
HLV giỏi cũng phải có bài học, có thất bại, chứ làm gì ai thắng từ đầu đến cuối. HLV Park Hang Seo cũng thế thôi. Ông ấy cũng có yếu tố may mắn chứ chẳng phải không. Dưới thời Nishino, Thái Lan tiến bộ nhiều, chơi gắn kết, có ý tưởng hơn. Mỗi sai lầm như vậy, các HLV Nhật Bản sẽ có bài học do họ làm việc rất khoa học, có tính kỷ luật cao.
Dưới thời Nishino, Thái Lan sẽ chỉ chắc chắn, sắc bén lên thôi. Ở trận này, tôi chờ xem ông ấy có nước cờ gì. Những pha phối hợp nhỏ, kiểm soát bóng của Thái Lan khá bén và hay. Tuy nhiên, hậu vệ Thái Lan lại xoay sở chậm so với tiền đạo Việt Nam. Đó là bất lợi của họ.
Mục tiêu của Việt Nam trận tới là không thua, và một kết quả hoà cũng là chấp nhận được?
Các đội khác ở bảng G đều thua ít nhất một trận. Còn mỗi Việt Nam là chưa thua, nên tội gì chúng ta phải để thua. 3 trận cuối, Việt Nam đá 2 trận sân khách, 1 trận sân nhà, kiểu gì cũng có 3 hoặc 4 điểm, đứng cao hơn Malaysia và UAE. Do các đối thủ đều đã thua nên việc so sánh điểm số, hiệu số của chúng ta rất thuận lợi.
Chúng ta phải đá thận trọng. Sở trường của ta vẫn là thận trọng trong phòng ngự, biến hoá trong tấn công, phản công. Bản chất đội hình của Việt Nam là như thế rồi. Khi tấn công, Việt Nam cũng rất thận trọng.
Việt Nam rất mạnh trong phản công. |
Lấy ví dụ ở trận UAE. Có thời điểm đội này chơi phòng ngự phản công, Việt Nam cũng dâng lên, nhưng khi ấy không đội nào tạo ra cơ hội đáng kể. Mình không doạ được họ, họ cũng không doạ được mình. Chỉ từ khoảnh khắc đối phương nhận thẻ đỏ thì mới khác biệt, thế trận đi theo chiều hướng có lợi.
HLV Van Marwijk có đối sách bình thường quá, ông ấy chỉ muốn hoà, phút cuối mới lao lên. UAE khi ấy thấm mệt, quá quen với thế trận đá chậm rồi nên không đẩy cao tốc độ được.
Thế trận của Việt Nam và Thái Lan hôm tới sẽ theo từng thời khắc một, có lúc đội này công, đội kia thủ và ngược lại. Thái Lan phải chơi "tất tay" nhưng chỉ ở một số thời điểm, không phải liên tục. Khả năng hai đội hoà nhau là rất cao. Kết quả hoà cũng là rất tốt, là khôn ngoan với Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo VTC