Khi HLV Park phải đánh "cờ mù"

Thứ sáu, 10/04/2020, 13:45
Không phải đến khi Covid-19 xảy ra khiến các giải đấu đình trệ, mà từ trước đó cơ chế ở V-League đã khiến HLV Park Hang-seo gặp khó trong việc tìm nhân tố mới cho đội tuyển Việt Nam.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, HLV Park cho biết đang phải tìm sơ đồ chiến thuật mới, trong bối cảnh lối chơi quen thuộc hơn hai năm qua có dấu hiệu bị bắt bài. Nhưng do bóng đá Việt Nam hầu như không hoạt động suốt bốn tháng qua, việc ông ngồi trong phòng kín để xếp chiến thuật cho... các trận đấu chỉ diễn ra ít nhất là sau năm tháng nữa, chẳng khác gì đang đánh "cờ mù". Hệ thống thi đấu nào cũng phải dựa vào con người có trong tay. Chắc gì trong năm tháng tới, những người mà ông đang toan tính vẫn giữ được phong độ? Còn những người tốt nhất lúc đó liệu có phù hợp với những tính toán chiến thuật mà HLV người Hàn Quốc đang chuẩn bị hay không?

HLV Park Hang-seo bên sa bàn chiến thuật trong phòng làm việc của ông ở trụ sở VFF.

Nhưng sau hơn hai năm sang Việt Nam, HLV Park biết ông cũng không có nhiều lựa chọn, nhất là yếu tố con người. Ví dụ rõ nhất là ở vị trí tiền đạo mũi nhọn. Giữa "lão tướng" Anh Đức và bộ đôi Tiến Linh - Đức Chinh cách nhau đến cả con Giáp, chênh lệch tuổi tác bằng cả một thế hệ, tức là không hề có sự tiếp nối nào suốt bao nhiêu năm qua. Sẽ rất khó có chuyện chỉ vài tháng ngắn ngủi của V-League 2020, sẽ xuất hiện một chân sút giàu kinh nghiệm để gánh vác vai trò của Anh Đức để lại. Ông buộc phải chuyển sang phương án B: xây dựng hệ thống thi đấu mới, một mặt có thể khiến đối thủ bất ngờ, mặt khác cũng sẽ giúp ông tìm được nhân tố mới.

Câu chuyện về sự tỏa sáng của tiền đạo Nguyễn Xuân Nam tại CLB TP HCM là một ví dụ. Thành công của chân sút 26 tuổi là điều thú vị, nhưng cũng là một dấu hỏi cho bóng đá Việt Nam. Tài năng của Xuân Nam không quá đặc biệt, bản thân anh đã ít nhất ba mùa "hít thở" không khí V-League nhưng vẫn không thành công, phải trôi dạt xuống giải hạng Nhất. Mọi thứ chỉ trở nên khác biệt khi anh được đá ở CLB TP HCM do đồng hương của ông Park - HLV Chung Hae-seong dẫn dắt. Và Xuân Nam cũng chỉ tỏa sáng khi vào sân từ ghế dự bị, trong khoảng thời gian 15 phút cuối.

Một lần thì có thể là may mắn. Hai lần có thể là do phong độ cầu thủ. Nhưng đến ba lần thì chắc chắn đó là kết quả của chiến thuật thi đấu. Nói cách khác, sự tỏa sáng của Xuân Nam nằm trong tính toán của HLV Chung Hae-seong với vai trò "dự bị chiến thuật". Năm bàn thắng trong ba trận đấu của anh đều diễn ra nhanh, đơn giản và đã được những đồng đội khác, trong đó có Công Phượng, di chuyển kéo đối thủ vốn đã thấm mệt, để tạo khoảng trống cho Xuân Nam. Nếu để Xuân Nam đá ngay từ đầu, anh rất có thể chỉ là một cầu thủ bình thường. Nhưng mọi thứ hoàn toàn khác khi anh là "mảnh ghép chiến thuật". Xuân Nam là kiểu cầu thủ được "sinh ra" từ những hoàn cảnh cụ thể.

Người hâm mộ vẫn hay thắc mắc, tại sao bóng đá Việt Nam không thể sản sinh tiền đạo giỏi trong 10 năm qua? Nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất, là do ngoại binh. Chính ông Park nói rằng 80% các CLB sử dụng tiền đạo ngoại, khiến các chân sút nội không có cơ hội thi đấu. Nhưng nếu nhìn về giai đoạn 2002-2010, số lượng ngoại binh của V-League không ít, nhưng bóng đá Việt Nam vẫn tạo ra những chân sút đẳng cấp như Văn Quyến, Công Vinh, Thanh Bình, Quang Hải, Việt Thắng, Ngọc Thanh... Thời đó, Anh Đức hầu như "không có cửa" ở đội tuyển quốc gia, dù cùng độ tuổi.

Bóng đá nào thì con người ấy. Chúng ta không tìm ra tiền đạo, có thể vì bóng đá Việt Nam không có... nhu cầu ghi bàn. Một giải vô địch quốc gia đề cao bóng đá cống hiến, giải trí sẽ có nhiều đội bóng chọn phong cách tấn công làm nền tảng chiến thắng, theo logic thì xác suất phát hiện được nhiều chân sút sẽ cao hơn (kiểu như bóng đá Nam Mỹ). Một giải vô địch mà nhiều đội bóng xây dựng cá tính riêng về lối chơi, đề cao vai trò của chiến thuật để tạo bản sắc riêng, thì thường sẽ xuất hiện nhiều cầu thủ đa năng có tư duy chiến thuật xuất sắc (như bóng đá Italy, Tây Ban Nha).

Trước khi V-League ra đời, chỉ cần nói tên một vài đội bóng, người hâm mộ có thể hình dung được cách chơi của họ. Thậm chí, nhờ bản sắc ấy, các CLB này có những CĐV riêng dù không cùng vùng miền, địa phương. Cùng đóng quân trên địa bàn TP.HCM, nhưng cầu thủ Cảng Sài Gòn thường thấp, nhỏ, chơi thiên về kỹ thuật, khéo léo. Còn đội Công an TP.HCM lại sở hữu nhiều cầu thủ cá tính mạnh, to cao hơn hẳn, và cũng vượt trội Cảng ở vị trí tiền đạo.

Lê Huỳnh Đức là một trong nhiều chân sút tốt mà bóng đá Việt Nam thời 1990 và 2000 từng sản sinh. (Ảnh: Thể thao & Văn Hóa).

Cách chọn con người ấy xuất phát từ chiến thuật nền tảng của mỗi đội bóng. Lò Nghệ An nổi tiếng với phong cách "bóng đi, người ở lại". Dù không được số đông công chúng ưa thích, xét về chuyên môn, bản sắc ấy cũng tạo ra sức mạnh riêng cho một trong những đội vô địch Việt Nam nhiều nhất. Nhờ vậy, bóng đá Việt Nam mới có những tài danh đại diện cho phong cách phòng ngự như Nguyễn Hữu Thắng, Huy Hoàng, Dương Hồng Sơn, Nguyễn Thế Anh, Minh Đức, Quế Ngọc Hải...

Nhưng kể từ sau Gạch Đồng Tâm với lối chơi "phòng thủ - phản công nhanh" sắc sảo dưới thời Henrique Calisto, khi nói về V-League ngày nay, yếu tố chiến thuật khá nhạt nhòa. Không CLB nào đạt sự ổn định mang tính bản sắc như trước đây, ngoài SLNA. Lựa chọn quen thuộc của các đội là tập trung chuyền bóng cho ngoại binh ở tuyến trên, trong mọi hoàn cảnh. Nghe rất đơn giản, nhưng đó lại là lựa chọn hiệu quả. Hai chức vô địch V-League của Đà Nẵng đều gắn liền với cái tên Đỗ Merlo và "bài": bóng cứ lật vào cấm địa, phần còn lại để Merlo lo. Chính vì lý do này, khi Đỗ Merlo trở lại thi đấu dù đã lớn tuổi, HLV Lê Huỳnh Đức vẫn chọn tiền đạo nhập tịch này, thay vì trao cơ hội thực sự cho Hà Đức Chinh.

"Công thức Đỗ Merlo" ấy là xu thế ở V-League 10 năm qua. Thay vì nghĩ ra chiến thuật riêng, đa số CLB dồn tiền mua ngoại binh ở tuyến trên, xem như giải quyết 50% vấn đề lối chơi. Kiếm được ngoại binh rồi, việc còn lại là dồn người cho tuyến sau, đá phòng thủ và chỉ tấn công bằng các đường chuyền dài. Với các HLV, đó cũng là cách làm việc an toàn, dễ giữ ghế. Ngoài Hà Nội, hiện tại ở V-League, không đội bóng nào đủ khả năng áp đặt lối chơi tấn công. Một giải vô địch quốc gia mà 75% đội bóng đều không chơi tấn công, làm sao tìm được những nội binh xuất sắc trên hàng công?

Đỗ Merlo (áo cam - trái) là hiện thân cho hiệu quả ngắn hạn của chiến thuật phất bóng cho ngoại binh trên tuyến đầu ở V-League hơn 10 năm qua.

Sự nghèo nàn về chiến thuật, thụ động đến mức cẩu thả của các HLV hiện nay khiến cho các đội bóng tại V-League na ná về lối chơi. Các đội từ đó cũng không còn giới thiệu được những nhân tố nổi trội, đánh mất đi vai trò then chốt của họ trong việc phát triển bóng đá nước nhà. Những phát hiện về mặt con người chủ yếu lại đến từ các chuyên gia nước ngoài, như Calisto, Park Hang-seo, Chung Hae-seong..., bởi họ là những HLV chịu khó nâng cấp tư duy của bản thân. Ngay lứa U19 dự World Cup, dù có sẵn tài năng, HLV Hoàng Anh Tuấn cũng cần được ghi công. Ông là nhà cầm quân Việt Nam hiếm hoi tự bỏ tiền đi du học ở châu Âu.

Theo VNE

Các tin cũ hơn