Chỉ còn cách đừng xem bóng đá Việt

Thứ ba, 27/03/2012, 16:45
Ban kỷ luật của VFF đã đưa ra mức án kỷ lục với cầu thủ Hoàng Danh Ngọc của Ninh Bình vì tội chửi tục. Theo đó Danh Ngọc sẽ bị treo giò 45 ngày và nộp phạt 20 triệu đồng, án phạt bắt đầu có hiệu lực từ lượt trận ngày 25.3.


Thật ra chuyện chửi bậy trên sân không phải là điều quá mới nếu không nói là cũ rích. Chính việc trên sân luôn văng vẳng tiếng “Đan Mạch” nên không ít người đã dùng cụm từ “quần đùi áo số” để diễn tả cho việc “ít văn hoá” trong thể thao.

 

Danh Ngọc (áo xanh) vẫn có cơ hội vào đội tuyển Việt Nam, dù anh đã nhận đến ba
án phạt liên quan tới tư cách cầu thủ từ VFF. Ảnh: Quốc An

Còn nhớ khi nhà văn hoá Thanh Niên tổ chức giao lưu với các cầu thủ nổi tiếng, một bạn trẻ đã cắc cớ đặt câu hỏi với Huỳnh Đức, sau khi trên màn hình chiếu lại những cảnh Đức tiếc nuối khi ghi bàn bất thành: “Lúc không ghi được bàn hoặc bị chơi xấu, em thấy anh nói hai từ gì đó, anh có thể cho mọi người biết anh nói gì được không?”

Huỳnh Đức bị “đứng hình” một lúc rồi với sự nhanh trí của mình, anh đã trả lời: “Anh nói: Tiếc quá”. Cả hội trường cười vang bởi nhìn khẩu hình của Đức ai cũng biết anh đã chửi bậy chứ chẳng “văn học” đến thế.

Trong nỗ lực làm đẹp hình ảnh của thể thao, các nhà làm luật, những người tổ chức thể thao luôn cố gắng làm cho các sân thi đấu thể thao có nhiều nét văn hoá hơn. Môn bóng ném đi đầu trong việc chống chửi bậy bởi khoảng cách từ khán giả tới sân bóng quá gần. Một vận động viên chỉ cần chửi bậy, ngay lập tức trọng tài sẽ truất quyền thi đấu hai phút.

Thế nhưng, sân bóng ném con con, mỗi bên thi đấu bảy người nên tổ trọng tài còn giám sát được, sân bóng đá quá mênh mông, trọng tài không thể nghe hết và nếu có nghe thường cũng chẳng cảnh cáo gì dù được ghi rõ ràng trong điều 40 trong quy định về kỷ luật do VFF ban hành.

Việc chửi bậy trên sân thường được coi là bình thường bởi đó là cách thể hiện sự “mạnh mẽ” của mình, và họ có chửi thì khán giả cũng khó lòng mà nghe được bởi khán đài khá xa lại quá rộn ràng. Đó cũng là lý do mà cầu thủ Hoàng Danh Ngọc khi được hỏi đã khá thật thà khi nói: “Chuyện chửi bậy trên sân là bình thường mà anh, ai chả thế”.

Danh Ngọc thấy bình thường cũng phải thôi! Trước đây người hâm mộ đã từng thấy hình ảnh Công Vinh chỉ thẳng tay vào mặt trọng tài Võ Quang Vinh mà mắng, rồi Ngọc Tùng doạ giết luôn trọng tài Nguyễn Văn Kiên. Thậm chí cầu thủ Thành Lương còn được “nể” vì có cách động viên đồng đội rất quái, khi đội bạn sang bắt tay trước trận đấu, họ nói “hi” hoặc “good luck” thì Lương mỉm cười đầy thân thiện và đáp lại bằng câu “ĐM mày” trong sự ngơ ngác của đối phương.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi dần khi truyền hình ngày càng phát triển, cùng với nhiều máy được đặt ở các góc quay nhằm ghi lại các tình huống gây tranh cãi, nhiều micro được đặt ở khắp sân giúp khán giả xem truyền hình có được cảm giác thật hơn. Mặt trái của sân bóng cũng được phơi bày, người xem cả nước có dịp được “thưởng thức đặc sản” khi nghe vang vang tiếng chửi bậy trên khán đài và nhìn cận cảnh, nghe tận tai cầu thủ “chửi bậy như hát hay”.

Lần này Hoàng Danh Ngọc bị phạt nặng, nhiều cầu thủ cho rằng vì Ngọc dám chửi thẳng mặt trọng tài, vì truyền hình ghi lại quá đầy đủ mà thôi. Họ dẫn chứng là trước khi Danh Ngọc bị kỷ luật và sau khi Danh Ngọc nhận án phạt, trên các sân bóng vẫn đầy tiếng chửi bậy.

Có lần, cựu trọng tài Dương Văn Hiền đã tâm sự rằng ông đã phải năn nỉ vợ, con đừng đến sân xem bóng đá để khỏi thấy cảnh mình bị cầu thủ đáng tuổi con mình lao tới mắng mỏ, để họ khỏi nghe thấy tiếng chửi cả họ nhà mình oang oang.

Giờ đây có lẽ các trọng tài và những người hâm mộ lo lắng vì sự thiếu văn hoá kia còn phải cấm người nhà xem bóng đá Việt Nam cả trên truyền hình, cho đến khi nào VFF và VPF siết chặt hơn kỷ luật trên sân bóng, thay vì bất lực để rồi than thở công khai như bầu Đức: “Nhiều cầu thủ càng lớn càng... mất dạy”.


Theo SGTT

Các tin cũ hơn