“Hụt hơi” vì xăng tăng giá

Thứ hai, 01/04/2013, 15:12
Ngay sau khi Liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh mức giá xăng tăng kỷ lục lên 24.580 đồng/lít, hàng loạt các loại hàng hóa, đặc biệt là những thực phẩm gắn với đời sống dân sinh đã "đội giá" tăng theo.

Thực phẩm leo thang

Ngày 30 và 31/3, khảo sát của PV tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dịch Vọng, Cầu Giấy, Thành Công, Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà, Phùng Khoang, Ngã Tư Sở, Hoàng Văn Thái… cho thấy nhiều mặt hàng đã đắt lên sau khi giá xăng tăng. Đặc biệt, hàng thực phẩm tươi sống lại tiếp tục cuộc leo thang, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người dân.
 
 
Xăng đang đẩy hàng loạt mặt hàng tăng giá.

Rau xanh dù đang ở thời điểm “giá rẻ như cho” do thời tiết thuận lợi nhưng 3 ngày nay cũng đã đột ngột tăng giá. Cụ thể, rau cải làn tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/kg; khoai tây tăng từ 12.000 đồng/kg lên 14.000 đồng/kg; xà lách tăng từ 10.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; cải thảo tăng từ 7.000 lên 13.000 đồng/kg; súp lơ xanh tăng từ 5.000 đồng/cây lên 7.000- 8.000 đồng/cây...

Đặc biệt, các loại rau củ phải vận chuyển từ miền Nam ra thị trường phía Bắc có giá tăng chóng mặt: Chẳng hạn như: các loại ớt cay tăng từ 30.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg; ớt ngọt từ 40.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg; hành tây từ 10.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg...

Bên cạnh đó, giá thịt gà cũng tăng lên đáng kể. Thịt gà ta đã tăng từ 130.000 lên 140.000 đồng/kg, gà công nghiệp tăng thêm 5.000 đồng/kg; các loại thịt vịt, ngan đều được điều chỉnh giá tăng theo thị trường ở mức từ 5.000 -10.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, so với mấy ngày trước, thịt lợn cũng nhích giá bán, như thịt thăn tăng từ 90.000 - 95.000 đồng/kg lên 95.000- 100.000 đồng/kg; ba chỉ, nạc vai được bán với giá giao động từ 85.000 - 90.000 đồng/kg; sườn thăn tăng hơn 10.000 đồng/kg và có giá bán khoảng 110.000 - 120.000 đồng/kg…

Bà Nguyễn Thị Mai, chủ quầy thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) lý giải: "Giá hàng nào chả phụ thuộc vào giá xăng. Xăng tăng, chi phí vận chuyển cũng cao lên, hàng hóa nhỉnh lên là điều dễ hiểu". Điệp khúc “giá tăng theo xăng” vẫn được các tiểu thương quen lý giải mỗi khi nâng giá bán.

Dân kêu, chuyên gia bất bình

Chị Hoàng Thị Liên, trú tại ngách 337/84 Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội than thở: "Đã mệt mỏi vì kinh tế khó khăn giờ lại thêm giá xăng tăng khiến tôi phát oải hơn. Cảm giác chẳng khác gì mình bị đuối nước đang cố bò lên bờ lại có đợt sóng ùa đến kéo ra xa hơn vậy".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phàn nàn: “Xăng dầu thế giới đang giảm mạnh, dư luận cũng đề nghị giảm mà giá xăng Việt Nam bỗng nhiên tăng khiến tôi rất ngạc nhiên.

"Giá xăng, dầu tăng cao  buộc ngành vận tải phải điều chỉnh lại giá cước. Đây là điều không muốn nhưng vẫn phải làm, vì nếu không tăng cước thì sẽ lỗ và không thể tồn tại được. Giá cước tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí lưu thông hàng hóa và sẽ kéo theo nhiều mặt hàng phải tăng giá, làm bấn loạn thị trường, sức mua trở nên cạn kiệt hơn".

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, cách điều hành giá xăng dầu tăng trong khi giá thế giới giảm là đi ngược lại quy luật chung của thị trường, nhất là khi xăng tại Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu. Trước đó thì giá thế giới tăng cao kỷ lục, xăng dầu trong nước lại kìm giá khiến nhiều cây xăng buộc phải đóng cửa và có hiện tượng găm hàng. Đây là cách điều hành đi ngược lại với quy luật chung của thế giới. Việc tăng giá bất ngờ trong bối cảnh sức mua đang cạn kiệt, hàng tồn kho còn nhiều sẽ gây nhiều hệ lụy.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: "Việc tăng giá xăng lần này gây ra những nghi vấn trong dư luận. Cách đây ít ngày có thông tin Quỹ bình ổn giá đã trích ra cao hơn mức lỗ thực và các DN kinh doanh xăng đầu mối siêu lãi. Việc tăng giá xăng sẽ khiến lạm phát tăng và gây khó khăn lớn cho đời sống người dân, doanh nghiệp. Điều này đang gây tranh cãi và tôi rất mong các cơ quan có giải trình công khai".
 

Thắc mắc về giá rau từ miền Nam ra tăng quá cao, chúng tôi được anh Vũ Văn Bằng, chủ quầy rau củ tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dịch Vọng giải thích: "Không phải do hiếm hàng tôi tăng giá mà bắt đầu từ hôm nay, chị sẽ không được mua rau, củ miền Nam giá rẻ nữa. Xăng tăng giá, cước phí tăng nhiều, chủ buôn không chuyển hàng ra nữa. Nếu muốn chuyển hàng thì phải chấp nhận giá cao. Tôi lấy cao thì phải bán tăng thôi".

 
Theo Giadinh

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn