Giọng hát Việt - nhạt vì ban huấn luyện?

Thứ ba, 18/12/2012, 08:54
Có vẻ buồn cười khi BTC Giọng hát Việt phải quảng cáo trước rằng liveshow 10 sẽ “đậm chất Việt”. Nhưng như thế không có nghĩa rằng chương trình vốn đậm “chất Tây”. Chỉ sợ rằng rút cuộc chẳng cái gì đậm cả.
huong tram
Giọng hát Việt may mà còn có Hương Tràm!

Có 7-12 bài hát tiếng Việt được chọn thi, chưa kể 2 bài nhạc ngoại lời Việt. Phải nói rằng hát tiếng Việt dễ trở thành một “thế bí” của vài thí sinh, khi họ đã quen hát tiếng nước ngoài.

Như vậy không có nghĩa hát tiếng nước ngoài cũng là thế mạnh của họ. Chẳng qua hát tiếng Anh, Pháp, Ý (nhất là những bài không quen thuộc) thì người Việt sẽ không nghe kỹ được đâm ra sẽ ít để ý lỗi sai. Thậm chí BGK cũng chẳng biết đâu mà hướng dẫn với nhận định, vì không phải ai hát tiếng Anh cũng đạt một mức chuẩn.

Vai trò BGK có vẻ bị lu mờ khi các thành viên đồng thời là HLV. Họ không chê thí sinh của mình là một nhẽ, mà họ cũng phải giữ ý để khỏi phật ý đồng nghiệp.

Từng có lần Thu Minh đang nhận xét Bùi Anh Tuấn thì Hồ Ngọc Hà xen vào gần như năn nỉ Thu Minh đừng nói nữa. Những màn nhận xét ít khi thẳng thắn, thiếu chuyên môn lại mang tính giao đãi của HLV thoạt đầu gọi là còn cười được, càng về sau càng chứng tỏ sự nhạt.

“Sư tử” Kim Loan gây bất ngờ khi mở đầu bằng Đất nước lời ru. Không phải giọng chị không hợp mà chị chưa quen với cách hát mang âm hưởng dân ca nên đôi khi hơi chênh phô chút.

Nói chung phần trình diễn của Kim Loan khá ổn. Phong thái tự nhiên chủ nghĩa của Kim Loan được các giám kháo xem như một dấu ấn để ghi điểm nhưng sẽ bất lợi nếu chị định gây dựng sự nghiệp ca sĩ.

Nhiều khi các giám khảo cứ ra sức o bế rồi tìm mỹ từ để ca ngợi thí sinh nhưng rồi cũng chẳng để làm gì khi họ ít có khả năng hoạt động chuyên nghiệp.

Kiên Giang sau khi bất ngờ nhận được lượng bình chọn chót vót, tiếp tục được các giám khảo ca ngợi hết lời. Điều đáng lưu ý là Kiên Giang áp dụng cái “không khí bán cổ điển” vào tiếng Việt khá vụng về.

Trớ trêu anh lại là gương mặt duy nhất đại diện cho chất nhạc bán cổ điển ở top 8. Đội của Trần Lập vốn bị mất những nhân tố nổi bật từ sớm, nay còn lại 2 giọng ca có thể nói là ít triển vọng về lâu dài.

Trúc Nhân tiếp tục có phần trình diễn kiểu “điếc không sợ súng” với Giọt mưa thu. Trừ một số trường hợp rất đặc biệt (và phải qua đào luyện) còn giọng nam mà hát giả thanh dễ gây phản cảm.

Nhưng giám khảo Thu Minh có vẻ rất tò mò về các chiêu trò của Trúc Nhân. Thực ra chị cũng chẳng còn thí sinh nào hơn để mà giữ lại sau khi Dương Trần Nghĩa ra đi.

Hương Tràm tiếp tục khẳng định vị trí gần như độc tôn với những lựa chọn khôn ngoan trong liveshow 10.

Cô hát Hạ trắng với tất cả sự phong phú đáp ứng các kiểu thẩm mỹ liên quan đến nhạc Trịnh. Cho dù cách xử lý của Tràm có gây tranh cãi thì cô cũng đã mở rộng được “thị phần” khán giả của mình.

Thoạt đầu, khán giả khá háo hức vì Giọng hát Việt tập trung được khá nhiều giọng hát hay.

Nhưng cho đến lúc này, không nhiều thí sinh ngang tài ngang sức còn được giữ lại, khiến ít gay cấn đi khá nhiều. Nhưng cũng chỉ còn 3 liveshow nữa là chương trình giải trí đình đám và nhiều điều tiếng của năm kết thúc.

Các HLV được trang web của chương trình giới thiệu là “bốn nghệ sĩ/ ca sĩ cực kỳ nổi tiếng và thành công”. BGK thực tế đáp ứng tiêu chí này đến đâu chưa biết nhưng có vẻ như sự thành công và nổi tiếng của họ chưa đủ để cho họ trụ lại trên ghế giám khảo mà không gây nhàm chán.

Sau scandal của Phương Uyên thì hành động thiếu kiểm soát (hôn sư) của Đàm Vĩnh Hưng hẳn cũng làm khán giả thêm nản mỗi khi thấy anh đóng vai trò cầm cân nảy mực. Những ý kiến không đồng tình với thành phần giám khảo của chương trình thêm một lần có lý.

 

Theo DanViet

Các tin cũ hơn