Phát sóng tập đầu tiên vào đầu tháng 7 năm 2012, chưa một chương trình truyền hình thực tế nào có được sức hút khủng khiếp như thế với khán giả và truyền thông. The Voice ra đời cùng thời điểm Sao mai điểm hẹn, cuộc thi ca hát đã già cỗi đang vào vòng chung kết và Vietnam Idol mùa thứ 4 rục rịch phát sóng.
Dù là một chương trình mới toanh thế nhưng sức hút của The Voice đã đánh bật hai đối thủ trên khi thậm chí có khá nhiều hy vọng được đặt vào chương trình này có thể làm nên một cuộc cách mạng trong sân chơi tìm kiếm tài năng ca hát ở Việt Nam.
Thế nhưng chưa đi được hết vòng Đối đầu, The Voice đã lộ rõ bản chất “đầu voi đuôi chuột”. Các giọng hát được bơm thổi lên quá mức khi bản thu live trên sân khấu được thay thế bằng bản thu âm được chỉnh sửa ấn tượng.
Bùi Anh Tuấn chàng hoàng tử của đội Hà Ngọc Hà. |
Thêm vào đó, scandal Phương Uyên dàn xếp kết quả đã giáng một cú mạnh vào những hào quang mà The Voice đang có lúc bấy giờ. Đến nay, chẳng ai còn quan tâm đến chuyện Phương Uyên dàn xếp hay không vì kết quả đã rõ.
Thế nhưng có vẻ như “vết nhơ” mang tên Phương Uyên ở The Voice để lại di chứng khá nặng nề. Cuộc thi ngày càng mất đi sức hấp dẫn mà nó từng có. Vì đâu nên nỗi ư?
The Voice chết bởi chính lòng tham của nhà sản xuất chương trình. Họ đã quá tham trong việc kiếm tiền quảng cáo nên bôi chương trình ra thành nhiều tập hơn format gốc.
Chính việc bôi chương trình ra khiến người xem dần cảm thấy mất hứng thú bởi không phải tập nào cũng có thí sinh hát hay. Hơn nữa bất cứ cuộc thi nào cũng sẽ về đến đích và chỉ có những người xứng đáng nhất mới được đi tiếp. Vậy nên không ai có thể chịu nổi tình trạng đợi chờ quá lâu để nghe những giọng ca nhàng nhàng hát ở các tuần khác nhau.
Thêm vào có thể do chính định hướng của nhà sản xuất nên The Voice đang đi vào cái chết mang tên “một màu”. Đến trước vòng bán kết, người ta đã quá ngán một Hương Tràm mãi là công chúa pop ballad. Một hoàng tử pop Bùi Anh Tuấn hay một rocker Đinh Hương.
Chặng đường suốt gần 4 tháng trời, các thí sinh chỉ xuất hiện với duy nhất một hình ảnh quen thuộc. Khán giả chờ đợi nhiều hơn sự bứt phá từ họ. Bởi nếu chỉ có bấy nhiêu những gì họ trình diễn thì cũng thường lắm.
Đồng Lan, giọng ca cá tính duy nhất còn sót lại ở The Voice. |
Tất nhiên không thể đổ lỗi hết cho các thí sinh. Bởi ở The Voice có cả một hệ thống định hướng thí sinh bao gồm: Giám đốc âm nhạc, huấn luyện viên, cố vấn. Thế nhưng xem ra hệ thống này đã gặp trục trặc khi không thể khớp nối với nhau cho ăn dơ.
Xét về âm nhạc tính trong The Voice, rõ ràng cuộc thi này đang có một cái chênh khá lớn với Vietnam Idol. Dù rằng thí sinh của The Voice có thể ăn được thí sinh của Idol về thực lực giọng hát.
Giám đốc âm nhạc và các huấn luyện viên ở The Voice đã lạm dụng quá tay việc hát tiếng Anh khiến cuộc thi không thể trở thành Giọng hát Việt. Mà nên nhớ, người Việt mà hát tiếng Anh tất nhiên sẽ dở.
Đã dở lại càng dở hơn khi các thí sinh bị ép hát tiếng Anh hết vòng này qua vòng khác khiến công chúng cảm thấy vô cùng khó chịu. Hàng loạt những thí sinh có trình độ phát âm tiếng Anh vô cùng tệ như Tiêu Châu Như Quỳnh, Xuân Nghi, Thiều Bảo Trang,… phải nhận những chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng.
Thêm vào đó việc phá vỡ format của The Voice Vietnam đã khiến cho cuộc thi trở nên thiếu hấp dẫn. Điển hình như việc quy định số lượng tin nhắn theo đội khiến cho người ta có cảm giác như nhà sản xuất đang chơi trò chia đều chiếc bánh cho các huấn luyện viên.
Việc chia tỷ lệ bình chọn theo đội đã khiến cho tính cạnh tranh giữa các thí sinh bị khu biệt, chỉ còn là cạnh tranh trong đội. Và cũng khiến cho các huấn luyện viên ung dung hơn. Bởi kiểu gì họ cũng có thí sinh đi đến đêm chung kết. Trong khi đó ở The Voice Mỹ mùa thứ hai vừa kết thúc. Adam Levine và Christina Aguilera đã mất sạch học trò trước khi vào đến Top 4.
Một trong những nguyên nhân mất điểm nữa của The Voice Vietnam cho đến lúc này là có quá nhiều ồn ào. Mà khán giả cũng đến lúc chán với ồn ào xung quanh cuộc thi. Thêm vào đó việc showoff quá mức của các huấn luyện viên cũng làm công chúng đi từ thái cực vui vẻ sang khó chịu.
Càng về cuối các huấn luyện viên của The Voice càng mất điểm. |
Khi mới bắt đầu, công chúng đã bị thuyết phục bởi phong cách mới, không nặng nề, đậm tính giải trí của các huấn luyện viên The Voice Vietnam. Nhưng càng về cuối chặng đường, những cảm tình trước đó đã bay biến mất. Chen vào đó là sự bực bội khi các huấn luyện viên đang biến sân chơi The Voice làm sân khấu tấu hài.
Ngoại trừ Thu Minh là huấn luyện viên duy nhất có những nhận xét khá thẳng thắn và góp ý về chuyên môn cho thí sinh. Ba huấn luyện viên còn lại mắc quá nhiều scandal nói hớ trên chiếc ghế nóng của mình. Hồ Ngọc Hà, lúc đầu được tiếng là duyên dáng và ăn nói khéo léo. Nhưng khéo quá hoá mất khôn. Đến thời điểm hiện tại không ít ý cho rằng sự khéo léo đến “giả tạo” của Hồ Ngọc Hà khiến người xem bực mình.
Đàm Vĩnh Hưng, ông hoàng nhạc Việt, đã biến sân khấu The Voice thành nơi quảng cáo cho những dự án âm nhạc hoàng tráng mà anh và công ty của anh có thể mang đến cho thí sinh. Chưa biết rồi đây Đàm Vĩnh Hưng sẽ làm được những gì cho thí sinh của mình. Nhưng quảng cáo quá, hứa hẹn quá đều bị phản tác dụng.
Trần Lập, huấn luyện viên yếm thế nhất ở The Voice cũng khiến công chúng sửng sốt với những phát ngôn sốc của mình về showbiz và cuộc thi. Không chỉ gây ức chế cho khán giả bằng lối nhận xét chung chung và ra chiều khó tính. Trần Lập còn mất điểm khá nhiều bởi những phát ngôn ra “vẻ nghiêm trọng” trên cương vị huấn luyện viên của The Voice Vietnam.
Ở thời điểm này nhớ về những hào quang quá khứ khi The Voice Vietnam mới lên sóng tập đầu tiên vào tháng 7/2012, có lẽ không ít khán giả đã thấy ngao ngán. Để xảy ra cơ sự này, chẳng trách được ai. Có chăng chính The Voice Vietnam phải trách sao mình đã quá tham để nên nông nỗi “hỏng hết cơ đồ”.
Theo VTCNews