Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Hẳn nhiên cảm xúc rất quan trọng, là mục tiêu cần đạt được trong âm nhạc nhưng nếu nói như Hà Hồ rằng "âm nhạc không quan trọng vấn đề ngôn ngữ mà quan trọng là cảm xúc” thì cảm xúc ấy do đâu mà có, nếu không phải do nó được hình thành, tạo dựng từ ngôn ngữ, chính xác hơn, từ sự kết hợp giữa nhạc và lời trong tính hoàn chỉnh của bài hát?
Quan điểm nghệ thuật của Hà Hồ mới chỉ thấy ngọn mà không thấy gốc.
HLV Hà Hồ phát biểu trong chương trình The Voice Giọng hát Việt. Ảnh: Internet |
Sau nữa, nếu nói như Hà Hồ, đặt trường hợp cụ thể là cuộc thi này, nếu “không quan trọng vấn đề ngôn ngữ” cứ hát toàn tiếng Anh, tiếng Ý thì liệu có còn là giọng hát Việt đúng nghĩa như tên gọi - tiêu chí của cuộc thi (The Voice Giọng hát Việt)?
“Đáp trả” lại ý kiến phản hồi của khán giả?
Còn nhớ một dạo The Voice - Giọng hát Việt bị khán giả "ném đá” tơi tả vì quá lạm dụng hát tiếng Anh, thay vì chỉ nên có liều lượng nhất định. Và tính đến thời điểm thực hiện liveshow 9 này, chỉ còn mấy vòng nữa cuộc thi sẽ đi đến chung kết nhưng dường như giữa các huấn luyện viên (HLV) vẫn chưa có sự thống nhất, vẫn lăn tăn về tiêu chí chọn bài hát tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
HLV Trần Lập nhận xét về phần thi của thí sinh Kiên Giang: "Với bài hát thứ hai này (bài hát nước ngoài - PV), anh thấy rằng em còn làm tốt hơn nữa. Và em đã khẳng định được vị trí của mình với giọng ca bán cổ điển.
Và em hát cả tiếng Ý nữa, mặc dù là tiếng Ý nhiều người trong chúng ta biết ít hơn tiếng Anh đi, nhưng dù sao cái điều quan trọng trong âm nhạc, cái sự cảm nhận trong âm nhạc đôi khi nó không chỉ là ca từ mà cái sự hòa quyện trong âm nhạc giữa người chơi, người hát, và những người bè nữa và cái quan trọng là em đã tạo được một cái không khí đúng chất của bán cổ điển”.
Tiếp ngay sau nhận xét trên đây của HLV Trần Lập, MC Phan Anh đã mời Hà Hồ nhận xét. Tuy nhiên, dường như phản ứng trước việc hơi đề cao bài hát nước ngoài của HLV Trần Lập, ngay lập tức HLV Đàm Vĩnh Hưng cướp diễn đàn, cắt ngang: ”Tôi có một chút xíu, chút xíu thôi, cho nó thư giãn một tý, rất ngắn: Dù là tiếng Anh, hay tiếng Ý, tiếng Việt vẫn được thích nhiều hơn”.
Và ngay lập tức, tiếng vỗ tay dậy lên trong khán phòng cùng lúc Đàm Vĩnh Hưng quay sang người ngồi bên cạnh mình là Thu Minh, và được vị HLV này tỏ sự đồng ý bằng cách gật gù, mỉm cười.
Đến lượt mình, lồng vào những nhận xét trực tiếp về phần thi của các thí sinh, HLV Hồ Ngọc Hà đã nói rõ quan điểm của mình, nguyên văn: "Tất nhiên, điều quan trọng đối với tôi, đó là tôi đồng quan điểm với anh Trần Lập, đó chính là âm nhạc không quan trọng là vấn đề ngôn ngữ mà quan trọng là cảm xúc”.
Phải chăng đây chính là thông điệp Hà Hồ muốn đáp trả lại những ý kiến phản bác chương trình The Voice Việt một dạo quá lạm dụng bài bát tiếng Anh?
Tôi quả có chút bất ngờ rằng các HLV dường như chưa có sự thống nhất về tiêu chí chọn bài hát Việt và bài hát ngoại.
Nhầm lẫn và ngộ nhận
Chính bản thân nói là đồng quan điểm với HLV Trần Lập nhưng thực chất Hà Hồ đã không hiểu đúng ý kiến của vị HLV này.
Thực chất HLV Trần Lập nêu quan điểm rất chính xác, chừng mực:“...Điều quan trọng trong âm nhạc, sự cảm nhận trong âm nhạc đôi khi nó không chỉ là ca từ mà cái sự hòa quyện giữa âm nhạc giữa người chơi, người hát và những người bè nữa...).
Ý kiến này thực chất đã đề cao vai trò của ca từ là quan trọng trong âm nhạc, sự cảm nhận trong âm nhạc, thậm chí ngay cả những lúc ca từ "lẫn”vào trong một kết hợp đa hình thức - dù trường hợp như vậy chỉ là hạn hữu, "đôi khi" mà thôi, thì ngay trong cả trường hợp như vậy, ca từ vẫn không đánh mất vai trò của mình mà lúc đó nó (ca từ) kết hợp với”sự hòa quyện giữa âm nhạc, giữa người chơi, người hát và người bè nữa”.
“...Âm nhạc không quan trọng vấn đề ca ngôn ngữ mà quan trọng là cảm xúc...”.Quả nhiên ranh giới giữa cái đúng sai đôi khi rất mong manh. Từ chỗ không hiểu được nội dung phát biểu của HLV Trần Lập, quá mù ra mưa, Hà Hồ đã đẩy vấn đề thành quan điểm cực đoan, nhầm lẫn.
Hiểu sai về nguồn gốc của cảm xúc trong âm nhạc
Cảm xúc trong âm nhạc nói riêng và cảm xúc với nghĩa đen của từ này không phải ngẫu nhiên sinh ra. Nói riêng trong lĩnh vực âm nhạc (đây xin không bàn về thể loại nhạc không lời mà thực chất cũng là một dạng ngôn ngữ, dạng lời đặc biệt), nếu không có ca từ, tức là không có một thông điệp - thông tin ngữ nghĩa nào thì đâu có thể thành bài hát, nói chi đến cảm xúc.
Vậy lý giải vì sao ca sĩ vẫn hát tiếng nước ngoài thậm chí ngay cả khi người đó chả biết thứ ngôn ngữ đó? Đó chỉ là, hay chủ yếu là, đơn giản chỉ là sự bắt chước.
Và, lúc đó họ (ca sĩ) làm công việc theo chức năng của một người thợ lành nghề (master) chứ không thực chất là nghệ sĩ (actor), dù trên thực tế cũng không loại trừ cá biệt có người trong số đó đạt được trình độ điêu luyện.
Giả sử cùng bài hát nước ngoài đó, nhưng thí sinh chưa hề được nghe người khác hát và chính họ không biết thứ tiếng nước ngoài đó thì họ không thể hát được lời, nói chi đến cảm xúc.
Cảm xúc, cảm hứng trong âm nhạc xuất phát từ đâu?
Trong đời sống có thể có lúc chúng ta bắt gặp khái niệm”ngôn ngữ vô cảm”để chỉ một dạng cảm xúc không bình thường theo nghĩa là không nhân văn trong những trường hợp cụ thể.
“Ngôn ngữ vô cảm” thực chất,theo nghĩa đen của từ này chỉ có thể xẩy ra trong trường hợp khi chúng ta không hiểu được ngữ nghĩa của chúng. Hiện tượng này chúng ta có thể bắt gặp ngay cả chính trong tiếng mẹ đẻ chứ không chỉ đối với tiếng nước ngoài xa lạ.
Rào đón như vậy để tôi muốn khẳng định rằng thói thường ngôn ngữ luôn luôn là ngôn ngữ nhận thức, ngôn ngữ cảm xúc. Không có ngôn ngữ vô nghĩa, vô cảm bởi vì ngôn ngữ phản ánh đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người.
Xin được phân tích điều này qua một số ví dụ
Khi nghe đến từ “chanh” tự nhiên chúng ta đã tứa nước miếng rồi. Cảm xúc này như là một phản xạ có điều kiện và nếu xét về phương diện ngôn ngữ rõ ràng khái niệm (từ) có tác động đến phản xạ của chúng ta.
Chanh (tiếng Việt) = limonada (tiếng Nga, Bun...) = lemonade (tiếng Anh).
Cùng khái niệm "chanh” khi được biểu hiện theo những dạng ký tự khác nhau thì chỉ những người hiểu được khái niệm đó mới có phản xạ, xúc cảm (hiện tượng tứa nước miếng), trong khi đó những người khác - nếu không hiểu tiếng nói và ký tự đó, tuyệt nhiên không có phản ứng gì.
Tương tự, ca sĩ có cảm nhận được ngôn ngữ mới có thể hát có cảm xúc, không hiểu lời ca, lấy đâu ra cảm xúc.
Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường...
(Tiếng Việt - Thơ Lưu Quang Vũ )
Tiếng Việt với người Việt là vậy, không đơn giản là những ký tự khô khan mà là sự cảm nhận, cảm xúc,là cuộc sống.
Nói riêng trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc, các bài hát được phổ nhạc từ thơ chả phải chính cảm xúc âm nhạc bắt nguồn từ ngôn ngữ thơ ca đó sao.
“Lời nói đọi máu”. Thiết nghĩ chúng ta là ai,người bình thường hay là nghệ sĩ, cũng không nên coi nhẹ ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng mẹ đẻ.
Ơi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình...
(Tiếng Việt - Thơ Lưu Quang Vũ )
Theo Danviet