Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời ở tuổi 93

Chủ nhật, 27/01/2013, 17:02
Nhạc sĩ Phạm Duy đã trút hơi thở cuối cùng vào 14h30 trưa nay 27/1 ở tuổi 93, tại nhà riêng trên đường Lê Đại Hành (Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh), chỉ hơn một tháng sau ngày con trai cả, ca sĩ Duy Quang qua đời tại Mỹ. Ông đã không đợi được mùa xuân cuối cùng của cuộc đời mình.

Chị Châu, vợ của nhạc sĩ Duy Cường, xác nhận với ThanhNien Online nhạc sĩ Phạm Duy đã qua đời vào trưa nay (27/1) tại TP HCM. Tuy nhiên, do gia đình tang gia bối rối nên chưa kịp chia sẻ nhiều.

Nhạc sĩ Phạm Duy

Thời gian vừa qua, nhạc sĩ Phạm Duy đã ốm mệt, chủ yếu thời gian ông nằm trên giường bệnh. Cái chết của ca sĩ Duy Quang - con trai đầu - càng làm ông yếu hơn.

Vào cuối tháng 12/2012, vào một ngày ca sĩ Ánh Tuyết ghé thăm ông, ông nói, mất đi người con, mà là người gắn bó với mình nhiều nhất, từ cuộc sống đến âm nhạc, ông buồn lắm. Mặc dù đã được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng nhạc sĩ đã không qua khỏi.

Nhạc sĩ Phạm Duy mất tại bệnh viện 115, TP HCM sau 3 ngày nhập viện cấp cứu. Hiện người nhà ông đang làm thủ tục để chuyển thi hài người nhạc sĩ tài hoa về nhà nhà riêng trên đường Lê Đại Hành (Quận 11, lo việc an táng. Chăm sóc ông những ngày cuối đời có con trai Duy Cường luôn túc trực cùng với một vài người thân. Phút lâm chung, ông cũng ra đi trong vòng tay người thân, gia đình và bạn bè.

Từ Pháp liên lạc về, Đức Tuấn khóc: "Tôi coi Phạm Duy như một người ông. Ông ra đi mà tôi không có bên cạnh. Thật buồn". Anh cũng chia sẻ cảm xúc trên facebook: "Nghìn trùng xa cách, Ông đã đi rồi..... Con xa quá không gặp được Ông lần cuối. Xin kính chúc nhạc sĩ Phạm  Duy yên giấc. Một cuộc phiêu lưu mới Ông đang bắt đầu. Con sẽ hát mãi những bài hát của Ông cho một thế hệ mới".

Tuổi cao sức yếu, thời gian qua Phạm Duy vài lần ra vào viện cấp cứu rồi lại ra viện khi sức khỏe có dấu hiệu phục hồi. Khoảng 2 tuần trước khi qua đời, ông còn có thể đi dạo được. Những người gần gũi ông giai đoạn cuối đời đều nhận xét, ông luôn thể hiện sự lạc quan, yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống như chính âm nhạc của mình. Khoảng một tuần trước khi qua đời, ông còn trao đổi thư từ qua email với ca sĩ Ánh Tuyết để góp ý cho chị về việc thực hiện những album nhạc của ông mà nữ danh ca đã ấp ủ kế hoạch từ lâu.

 
Cuối tháng 12/2012, nữ ca sĩ Ánh Tuyết thực hiện đêm nhạc Phạm Duy để quyên tiền ủng hộ người nhạc sĩ tài hoa mà chị yêu quý khi ông đang nằm cấp cứu. Sau đêm diễn, Ánh Tuyết mang số tiền nhỏ đến biếu ông.

Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5/10/1921 tại phố Hàng Cót, Hà Nội. Ông là con trai của nhà văn Phạm Duy Tốn, không chọn theo nghiệp của cha, ông chọn cho mình con đường âm nhạc để lập thân và đã sống một đời với bao nhiêu thăng trầm, vui buồn, khổ đau và hạnh phúc với nó.

Ông là một nhạc sĩ, ca sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam với lượng sáng tác đồ sộ, nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam.

Sau năm 1975, Phạm Duy sang sinh sống tại Hoa Kỳ. Đến tháng 5/2005 ông chính thức trở về Việt Nam định cư. Nhiều ca khúc của ông cũng dần được cấp phép phổ biến trở lại như Mùa thu chết, Giọt mưa trên lá, Tạ ơn đời, Tiễn em, Đi đâu cho thiếp theo cùng…

Cha của nhạc sĩ Phạm Duy là nhà văn Phạm Duy Tốn. Vợ của ông là ca sĩ Thái Hằng nhưng bà đã qua đời vào năm 1999. Các con của ông cũng là những ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như con trưởng là ca sĩ Duy Quang (vừa qua đời vào tháng 12/2012), ca sĩ Thái Hiền, Thái Thảo, nhạc sĩ hòa âm Duy Cường...

Năm 1942, khi 21 tuổi, ông có sáng tác đầu tay "Cô hái mơ". Năm 1944, ông thành ca sĩ hát tân nhạc trong gánh hát cải lương Đức Huy – Charlot Miều. Gánh hát này đưa ông đi rất nhiều miền trên đất nước, từ Bắc chí Nam, khiến ông mở mang tầm mắt, ngoài ra tự nhiên cũng trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong việc phổ biến tân nhạc đến các vùng.

Thời kỳ hát rong, Phạm Duy được gặp gỡ nhiều tên tuổi lớn như thi sĩ Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Lê Thương, Lê Xuân Ái, Văn Đông... và nhất là nhạc sĩ Văn Cao, người sau này trở thành bạn thân thiết.

Trong hàng ngàn tác phẩm, các sáng tác tiêu biểu của nhạc sĩ Phạm Duy có thể kể đến: Bà mẹ Gio Linh, Mười hai lời ru, Chiến sĩ vô danh. Tình ca, Về miền Trung, Tình hoài hương, Bà mẹ quê, Em bé quê. Hẹn hò, Cỏ hồng, Ngày đó chúng mình, Cây đàn bỏ quên, Phượng yêu, Kiếp nào có yêu nhau, Đừng xa nhau, Mưa rơi, Đường em đi, Tôi còn yêu tôi cứ yêu, Trả lại em yêu, Giết người trong mộng... Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, còn nhiều bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy đang tiếp tục được xem xét cấp phép.

Theo Thanh Niên/Dân Việt/VNE

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn