Theo thỏa thuận đã được ký kết giữa hai bên, BMW sẽ cung cấp động cơ diesel 1.6 và 2.0 cho xe Toyota được bán ra tại thị trường châu Âu, kể từ năm 2014.
Từ năm 2014, xe Toyota bản máy dầu bán ra tại thị trường châu Âu sẽ sử dụng động cơ của BMW.
Ngoài ra, hai hãng sẽ cộng tác phát triển thế hệ tiếp theo của pin Li-ion. Trong công nghệ này, BMW là người đi sau, nhưng hãng xe Đức đã lên kế hoạch cho một sự tham gia đặc biệt.
Didier Leroy, Chủ tịch Toyota châu Âu cho biết, hãng hy vọng thỏa thuận hợp tác có thể giúp rút ngắn thời gian phát triển các mẫu xe dành cho thị trường châu Âu. Hãng xe Nhật là người đi đầu trong công nghệ hybrid xăng-điện kể từ khi họ trình làng mẫu Prius khoảng 15 năm trước, nhưng dòng xe chạy động cơ diesel lại là một hạn chế khiến doanh số tại châu Âu của họ không được như mong đợi. Người châu Âu thường sử dụng xe máy dầu.
Ngày nay, các hãng xe có xu hướng bắt tay cùng phát triển và liên minh sản xuất nhằm chia sẻ chi phí và quy mô xây dựng. Năm 2011, Toyota và Ford cũng đã thỏa thuận hợp tác ở hệ thống hybrid cho xe tải, trong khi BMW và Peugeot Citroen cùng tạo nên một liên doanh sản xuất các bộ phận cho xe hybrid và xe điện.
Tuy nhiên, không phải lúc nào sự hợp tác cũng đạt kết quả tốt đẹp, như giữa Volkswagen và Suzuki. Hãng xe Nhật "tố" nhà sản xuất Đức không chia sẻ công nghệ động cơ như đã hứa, đồng thời yêu cầu đối tác bán lại cổ phần của Suzuki mà VW đã mua để củng cố liên minh vào năm 2009.
Theo tờ Financial Times, đây không phải thỏa thuận cung ứng động cơ đầu tiên được thực hiện giữa các hãng. Từ năm 2002 đến 2005, Toyota đã cung cấp động cơ diesel loại 1.4 cho BMW để sử dụng trên các phiên bản đời đầu của Mini hatchback. Đổi lại, sự lão luyện của Toyota trong công nghệ hybrid lại là yếu tố hấp dẫn với BMW.
Với BMW, năm 2010, họ từng ký hợp đồng với Carbon Motors (một hãng xe Mỹ) để cung cấp động cơ diesel cho dòng xe cảnh sát. Vài tháng sau, hãng xe Đức lại thỏa thuận cung cấp động cơ cho hãng xe Thụy Điển Saab. Năm 2011, BMW có thêm hợp đồng với Fisker Automotive.
Theo VnExpress