iPhone không dùng chip Qualcomm, thảm họa cho Apple

Thứ tư, 08/11/2017, 08:20
Quyết định không dùng chip Qualcomm của Apple sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai iPhone và thị phần iOS về lâu về dài.    

Từ trước tới nay, Qualcomm vẫn luôn là tên tuổi dẫn đầu mảng chip cho thiết bị thông minh cao cấp. Thế nên việc thay Qualcomm bằng Intel hoặc MediaTek có vẻ là bước đi sai lầm nếu Apple muốn tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình.

Điều đó không có nghĩa thứ hạng Intel hoặc MediaTek ở mức thấp. Thực tế, Intel luôn được đánh giá cao bởi tính sáng tạo và khả năng cải tiến kỹ thuật liên tục.

Thế nhưng, trong mảng thiết bị di động, Intel hay MediaTek vẫn phải bám đuổi gã khổng lồ Qualcomm. Nhiều năm qua, Qualcomm đã xác lập ngôi vương khiến đối thủ phải mệt nhoài chạy theo.

Sản phẩm chip modem do Qualcomm làm ra luôn đạt chuẩn cao nhất, đáp ứng nhu cầu các đối tác khó tính như Apple. Trong khi đó, chip modem do các hãng khác làm ra cũng rất ổn, nhưng chưa chắc khiến Apple thỏa mãn.

Quyết định thay thế Qualcomm sẽ ngay lập tức tạo ra các thách thức không chỉ cho Apple. Liệu các nhà sản xuất như Intel hay MediaTek có đáp ứng được chuẩn phần cứng và kiểm thử khắt khe mà Apple đặt ra để tăng sức cạnh tranh cho iPhone kế tiếp không?

Ngoài ra, phần cứng của các nhà sản xuất này (chất lượng chưa thể sánh bằng Qualcomm) có mang lại trải nghiệm người dùng hoàn hảo mà tín đồ Apple kỳ vọng hay không? Đặc biệt khi giá iPhone ngày càng tăng và nhiều lựa chọn thay thế từ Samsung và Google, HTC.

Apple và Qualcomm đang vướng vào cuộc chiến pháp lý.

Đổi mới công nghệ không phải ưu tiên hàng đầu

Về mặt kỹ thuật, ai đó có thể nêu quan điểm rằng Apple đã cố làm chậm tốc độ đổi mới ngành công nghệ di động các năm gần đây.

Quan điểm này đi ngược thông điệp mà Apple luôn rao giảng. Thế nhưng, khi nhìn vào công nghệ đi kèm iPhone, bạn sẽ ngẫm ra nhiều thứ hay ho.

Để đánh giá một thương hiệu nào đó, hãy nhìn vào những thứ họ làm, chứ đừng nghe họ nói.

Ví dụ rõ ràng nhất là chiếc iPhone X. Tuy được bán với giá khởi điểm 1.000 USD nhưng mẫu smartphone này không được trang bị khả năng kết nối tốc độ cao Gigabit LTE.

Tại sao lại vậy, trong khi Gigabit LTE là công nghệ phổ biến có thể tìm thấy trên tất cả mẫu thiết bị cao cấp của các đối thủ Apple. Gigabit LTE cho tốc độ kết nối di động siêu tốc mà bất cứ người dùng nào mong muốn.

Tại sao Apple lại bỏ qua Gigabit LTE?

Có thể Apple phải phụ thuộc vào các đối tác sản xuất modem Gigabit LTE, nên làm vậy sẽ giúp Apple đấu thầu công khai để thiết bị này cạnh tranh hơn, không chỉ về giá mà còn về công nghệ. Apple để các nhà cung cấp cạnh tranh với nhau, hãng sẽ thu về sản phẩm có giá trị tốt hơn.

Tuy nhiên, mảng thiết bị modem cho smartphone lại rất khác. Qualcomm vẫn "đỉnh" nhất trong lĩnh vực này. Modem của Qualcomm vượt trội về hiệu năng so với các đối thủ khác.

Khi so sánh hiệu năng của iPhone 7/7 Plus dùng và không dùng modem của Qualcomm, người ta sẽ thấy ngay sự khác biệt. Những chiếc iPhone 7/7 Plus không dùng modem Qualcomm thường gặp vấn đề về tốc độ và kết nối không dây.

Apple muốn dứt bỏ sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp linh kiện.

Bài toán của Apple có vẻ đơn giản: thà rằng kiểm soát chặt chuỗi cung ứng còn hơn theo đuổi tốc độ đổi mới smartphone.

Dưới thời Steve Jobs, Apple luôn theo đuổi sáng tạo và đổi mới công nghệ. Nhưng tới thời Tim Cook, chuỗi cung ứng có giá trị lớn hơn.

Hậu quả của sự chuyển đổi này chính là khi công nghệ di động chuyển sang 5G chỉ trong 12-24 tháng tới, Apple vẫn lẹt đẹt với công nghệ cũ.

Công nghệ cũ ở đây là cũ sau 1-2 thế hệ modem so với Samsung, Google, HTC và Huawei. Nếu Apple loại bỏ Qualcomm, chắc phải tới iPhone 11 mới có kết nối Gigabit LTE. Thậm chí, phải tới iPhone 12 mới có 5G.

Ở đây đặt ra nhiều câu hỏi đáng quan tâm. Với sự phát triển nhanh chóng của video, thực tế ảo, thậm chí là kết nối IoT di động, việc cố tạo ra hiệu suất ngang bằng với modem kém hơn sẽ không được người dùng đánh giá cao.

Nó còn gây khó khăn cho nhà mạng. Với modem lỗi thời, Apple sẽ tạo áp lực nhiều hơn cho hạ tầng mạng, rồi cả nhà phát triển ứng dụng khi phần mềm chạy giật lắc chỉ vì hãng này không chịu dùng chuẩn kết nối hiện đại.

Về mặt kinh doanh, đây là bước đi chiến thuật đầy mạnh bạo của Apple. Hãng này đang có tranh chấp pháp lý với Qualcomm.

Bằng cách loại bỏ Qualcomm, Apple hy vọng sẽ khiến giá cổ phiếu đối thủ giảm xuống, thậm chí làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào Qualcomm. Chỉ còn ít ngày nữa, Qualcomm sẽ công bố kết quả kinh doanh.

Apple muốn tạo áp lực lên Qualcomm khiến hãng này nhụt chí và phải làm theo yêu cầu của Apple. Tuy nhiên, đây có thể là chiến thuật “gậy ông đập lưng ông”.

Gậy ông đập lưng ông

Việc Apple công bố quá sớm ý định loại bỏ Qualcomm sẽ tạo lợi thế cho gã khổng lồ về chip và viễn thông. Hãng có thể chuyển nguồn lực sang các nhà sản xuất smartphone lớn khác (đối thủ của Apple), và giúp họ ngày càng bỏ xa táo khuyết về tốc độ kết nối.

Danh tiếng của Qualcomm với ngành di động đã quá rõ. Qualcomm từng trình diễn thành công cuộc gọi trên mạng 5G nên nguy cơ với Apple ngày càng hiện hữu.

Bằng cách đẩy Qualcomm vào tay đối thủ, Apple không chỉ tự mình hạn chế khả năng cạnh tranh mà còn khơi mào cho thời kỳ giảm sút mới.

Ngoài ra, việc Apple giao trọng trách thiết kế thương mại và kiểm thử chip thế hệ mới cho nhà sản xuất chip thứ ba trong thời gian ngắn sẽ vô cùng rủi ro.

Liệu các nhà cung cấp linh kiện mới có đủ sức đáp ứng yêu cầu của Apple?

Theo lộ trình, chiếc iPhone mới sẽ ra mắt trong một năm tới. Đặt kỳ vọng vào nhà sản xuất chip mới sẵn sàng cho thời điểm này là canh bạc vô cùng nguy hiểm.

Nếu các nhà sản xuất linh kiện của Apple không thể xây dựng và thương mại hóa công nghệ cho mẫu iPhone tiếp theo thì sao? Liệu Apple có quay lại với Qualcomm hay tiếp tục sử dụng modem cấp thấp cho điện thoại của mình?

Apple tuyên bố hãng sẽ dần dứt khỏi Qualcomm. Nghe có vẻ lâu nhưng hậu quả lại ở ngay trước mắt, đặc biệt với tương lai iPhone.

Có thể đây sẽ là đòn giáng mạnh vào doanh số iPhone năm 2019, đồng thời tác động tiêu cực tới thị phần iOS về lâu dài.

Có vẻ ngay từ đầu, nạn nhân của cuộc tranh chấp chính là Apple chứ không phải Qualcomm.

Theo Zing

Các tin cũ hơn