|
Giám đốc hoạt động Jeff Williams của Apple trên sân khấu giới thiệu sản phẩm mới |
Ông Kocienda chia sẻ trên kênh CNBC hôm 4.9 rằng sản phẩm kế tiếp của Apple có thể xoay quanh công nghệ thực tế tăng cường, có khả năng đẩy giá trị thị trường hãng vượt xa 1.000 tỉ USD.
“Bạn có thể lấy điện thoại của mình và hướng camera vào một thứ gì đó trên thế giới. Sau đó, điện thoại sẽ khai thác mạng, phần cứng và phần mềm, và tất cả sẽ cộng tác với nhau để cung cấp thông tin hiển thị lên màn hình người dùng”, ông Kocienda nói. Ông Kocienda là nhà phát triển bàn phím ảo trên điện thoại iPhone đầu tiên và tính năng tự động sửa lỗi.
Thực tế tăng cường (AR) là trọng tâm của nhiều hãng công nghệ, trong đó có Apple và Google của Alphabet, doanh nghiệp đang chạy đua để tung ra nhiều công cụ AR nhằm thu hút các nhà phát triển phần mềm đến với nền tảng của họ. AR cho phép người dùng xem thông tin được xếp chồng lên môi trường xung quanh họ thông qua smartphone và các thiết bị khác. Đó là công nghệ được dùng trong trò chơi di động phổ biến Pokemon Go.
Theo ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, việc Apple bước vào thực tế tăng cường có thể thúc đẩy doanh số iPhone và App Store, giúp hãng công nghệ thu đến 8 tỉ USD lợi nhuận.
Kocienda công tác tại Apple trong 15 năm, từng là kỹ sư phần mềm chính cho iPhone. Ông cho hay dù cần thời gian để đổi mới, Apple vẫn có khả năng định giá bán cho sản phẩm của mình, điều mà nhiều hãng khác không thể. Ông nhắc đến sự thành công của Apple Watch, sản phẩm ra mắt năm 2015 và có giá tầm 300-400 USD cho mẫu mới nhất.
Quý trước, Apple báo cáo doanh thu 3,74 tỉ USD từ mảng kinh doanh các sản phẩm khác, trong đó có doanh thu Apple Watch, iPod và sản phẩm gia dụng. Tuần trước, Apple thông báo ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới vào ngày 12.9, có khả năng sẽ là iPhone mới và Apple Watch mới.
Theo Thanh Niên