Hai nhà sản xuất chip Intel và Qualcomm, công ty nghiên cứu di động InterDigital Wireless và nhà mạng Hàn Quốc LG Uplus đã hạn chế nhân viên của mình trao đổi với Huawei, theo báo cáo của Reuters. Các cuộc thảo luận là một phần trong nhiều cuộc họp quốc tế để đội ngũ kỹ sư thiết lập tiêu chuẩn cho các công nghệ truyền thông, bao gồm cả mạng 5G.
Ngày 16/5, Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen, cấm công ty kinh doanh với các công ty Mỹ mà không có sự cho phép của chính phủ. Tuy nhiên, Mỹ không cấm liên lạc giữa các công ty trong nước và Huawei. Dù vậy, một số hãng công nghệ lớn đã đưa ra hướng dẫn cho nhân viên nhằm hạn chế tương tác với công ty viễn thông Trung Quốc.
Trong cuộc họp xây dựng tiêu chuẩn 5G tổ chức tại Mỹ đầu tháng này, những bên tham gia cho biết mạng di động toàn cầu có thể trở thành nạn nhân trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Một số chuyên gia trong ngành nói rằng các hạn chế với Huawei có thể làm chậm việc triển khai 5G. "Chúng ta cần sự hợp tác giữa các bên, 5G phải là một thị trường toàn cầu", đại diện một công ty châu Âu phát biểu.
Doug Jacobson, luật sư chuyên về xuất nhập khẩu tại Mỹ, nói rằng có rất nhiều người hiểu lầm về lệnh hạn chế từ Mỹ. Theo ông, các công ty không nên cấm nhân viên liên lạc với Huawei một cách quá mức bởi Mỹ không ngăn cản việc liên lạc, chỉ cấm chuyển giao công nghệ.
Huawei đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập tiêu chuẩn kỹ thuật tại các tổ chức toàn cầu. Là một trong những nhà sản xuất thiết bị lớn nhất thế giới trong ngành điện thoại thông minh và thiết bị mạng, sự góp mặt của Huawei là rất cần thiết để đảm bảo trải nghiệm liền mạch của người dùng khi mạng 5G trở nên phổ biến.
"Huawei không chỉ là một công ty đơn thuần mà họ là người dẫn đầu về công nghệ 5G. Loại Huawei sẽ gây khó khăn cho quá trình triển khai, thậm chí phá vỡ toàn bộ các dự án. Nếu ai đó có ý tưởng về một hệ thống mạng 5G mà không có sự tham gia của Trung Quốc, tôi không chắc là có thể", Jorge Contreras, giáo sư luật tại Đại học Utah (Mỹ) nói.