Các hãng công nghệ Việt Nam đang đứng ngoài cuộc đua AI?

Thứ sáu, 04/10/2019, 13:35
Cuộc tranh luận giữa Jack Ma và Elon Musk tại World Artificial Intelligence (Diễn đàn Trí tuệ Nhân tạo Thế giới) hồi đầu tháng trước đã khiến mạng xã hội Việt Nam quan tâm hơn về chủ đề này trong thời gian vừa qua.

AI đang trở thành chìa khóa để Việt Nam bắt kịp nhịp phát triển của các quốc gia khác

Ở một đất nước có dân số trẻ và am hiểu công nghệ như Việt Nam thì trí tuệ nhân tạo (AI) được thảo luận khắp mọi nơi, từ các bài phát biểu của nhiều sở, ban ngành, cho tới các tuyên bố của doanh nghiệp về sản phẩm hoặc dịch vụ AI của họ.

Theo TechinAsia, toàn bộ nền công nghệ Việt Nam đang phát triển vũ bão nhưng sự phát triển trí tuệ nhân tạo ở quốc gia hình chữ S vẫn chỉ ở giai đoạn manh nha. Các công ty bản địa và các dự án khởi nghiệp vẫn đang chạy đua để bắt kịp các đối thủ ở nước ngoài. Đỗ Văn Hải, một chuyên gia xử lý giọng nói tại Trung tâm không gian mạng của Viettel (Viettel Cyberspace Center) cho biết, “đây là cơ hội để chúng ta hiểu rõ khách hàng của mình hơn và khai thác dữ liệu mà chúng ta có và Google thì không”. Anh cho biết Viettel - một trong số các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất tại Việt Nam, đang nỗ lực để xây dựng AI trong các ứng dụng nhận diện và xử lý giọng nói.

Xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt vẫn là thách thức lớn

Thành lập vào năm 2015 và được Viettel giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển các ứng dụng về dữ liệu lớn (big data), AI, khai thác dữ liệu và kiểm tra các thuật toán học sâu, hiện tại Viettel Cyberspace Center đã thành lập bộ phận chuyên về AI để tập trung xử lý giọng nói nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng của chính Viettel và khai thác tiềm năng dữ liệu viễn thông mà họ đang sở hữu.

Dịch vụ nhận diện giọng nói của Viettel được coi là đứng hàng đầu tại Việt Nam, anh Hải cho biết thuật toán xử lý tiếng Việt của Viettel hiện tốt hơn so với Google. Ban đầu, nhóm của anh được thành lập để phân tích dữ liệu từ trung tâm dịch vụ khách hàng của Viettel, nơi thường nhận khoảng 500.000 cuộc gọi mỗi ngày và hiện có khoảng 2/3 dân số Việt Nam đăng ký sử dụng dịch vụ của Viettel.

Trước đây, nội dung các cuộc gọi điện thoại của khách hàng tới Viettel đã được các nhà lãnh đạo hàng đầu của họ kiểm tra ngẫu nhiên để tiến tới phát triển việc tiếp nhận các khiếu nại của khách hàng thân thiện và hiểu rõ khách hàng hơn. Những tiến bộ đạt được trong nhận diện giọng nói và khai thác dữ liệu trong vài năm qua đã cho phép Viettel giám sát nửa triệu cuộc gọi từ khách hàng - các bản ghi âm cuộc gọi nếu cần - để phát hiện các phát sinh không mong muốn.

Trên phạm vi toàn cầu, các trợ lý ảo vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn các tổng đài viên. Tuy nhiên, nhóm của anh Hải đã nhìn thấy tiềm năng trong việc chuyển các dịch vụ nhận diện giọng nói sang các nền tảng khác. Các ứng dụng của Viettel đã được một số trang tin trực tuyến sử dụng để tích hợp chức năng chuyển văn bản thành giọng nói và cũng được các cơ quan nhà nước chấp nhận để sử dụng ghi chép văn bản từ các cuộc họp. Trong tương lai, các ứng dụng khác cũng như trình thông báo ảo hay lồng tiếng phim tự động bằng tiếng Việt cũng có thể sẽ sớm được triển khai.

Chủ động nhảy vào cuộc đua hoặc là... chết

Những công ty nhỏ hơn tại Việt Nam cũng đang có những bước phát triển mới ở đấu trường AI. Trịnh Tuấn thành lập NextSmarty vào năm 2016, đây là công ty sử dụng AI và thuật toán học sâu để xây dựng các dịch vụ đề xuất, nhắm mục tiêu phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn không có nhiều tài nguyên và dữ liệu để phát triển các thuật toán của riêng họ như Amazon hay Netflix.

Năm 2017, Tuấn cũng là đồng tác giả một bài viết chi tiết cách mà giải pháp của anh tạo ra các đề xuất theo thời gian thực ngay cả khi người dùng không tạo sẵn hồ sơ hoặc khi nền tảng không có đủ dữ liệu (các giao dịch trong quá khứ của người dùng). Nói một cách đơn giản, Tuấn và đội ngũ của anh đã phát triển một phương pháp để tận dụng các cú nhấp chuột của người dùng mà không cần nhiều dữ liệu đầu vào.

Anh nhớ lại ý tưởng này lần đầu được khởi xướng khi đang làm việc với vị trí một kỹ sư về học sâu (deep learning) tại thung lũng Silicon (Mỹ). Tuấn chia sẻ, “bạn luôn có thể tìm thấy thứ gì đó trên Google hay Amazon, nhưng một trang web ít phổ biến thì sao? Bạn có thể dễ dàng rời nó đi sau hai hoặc ba lần nhấp chuột. Đây cũng là thứ khiến các trang web nhỏ đau đầu vì không có đủ dữ liệu về tương tác người dùng trong quá khứ và các khách hàng trung thành trở nên hiếm hoi hơn.

Khách hàng đầu tiên của NextSmarty là một trang web thương mại điện tử chuyên về trang sức xa xỉ nước ngoài, theo Tuấn lúc đó trang web này đang phải vật lộn để tăng doanh số vì các phương pháp đề xuất hỗ trợ AI thông thường không hiệu quả do không có đủ dữ liệu tương tác người dùng để nạp vào hệ thống AI, do không có khách hàng ghé thăm và mua sắm thường xuyên".

Tuấn cho biết, thuật toán của NextSmarty đã giúp trang web trang sức này tăng tới 50% doanh số sau một tháng, mở ra cơ hội mới cho công ty khởi nghiệp của chính anh. Gần đây, công ty anh đã nhận được tài trợ từ các nhà đầu tư Mỹ và Hàn Quốc, nhằm trong nhóm 500 startup triển vọng, để tập trung vào nhóm các khách hàng thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á.

Tuấn nhận định, “tôi nghĩ rằng chìa khóa ở đây là cách chúng ta có thể thích nghi và tận dụng các công nghệ AI dựa trên dữ liệu mà chúng ta có để hiểu hành vi của người dùng và ý định của họ, bất kể quy mô dữ liệu đầu vào ở mức nào”.

Xây dựng bản sắc kỹ thuật số

Nhận diện khuôn mặt là một chủ đề nóng khi chúng ta thảo luận về AI, ở một đất nước mà hầu hết người dân đều dùng tiền mặt và các phương thức thanh toán không tiền mặt mới chỉ được tin dùng dè dặt, việc thuyết phục người dùng thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt không phải là một điều dễ dàng.

Nhưng có một người đàn ông đang thực hiện sứ mệnh xây dựng tương lai thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, nơi mọi người có thể thanh toán bằng chính “nụ cười” của họ. Đầu tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội, Ngân hàng cổ phần thương mại An Bình tại Việt Nam (ABBank) đã ra mắt Wee@ABBank, ứng dụng cho phép người dùng tùy chọn sử dụng khuôn mặt của họ làm định danh cho các giao dịch thanh toán di động. Người đứng đằng sau nó là doanh nhân Christian Nguyễn, anh cũng chính là người sáng lập của Wee Digital, một công ty khởi nghiệp nổi tiếng ở TP.HCM, nhằm mục đích chuyển đổi trải nghiệm ngoại tuyến của người tiêu dùng Việt Nam bằng cách sử dụng công nghệ bảo mật sinh trắc học và phân tích dữ liệu sâu (deep data).

Vào tháng 3, Wee Digital đã nhận gói tài trợ ở vòng tài trợ đầu tiên từ VinaCapital Ventures. Lớn lên ở Pháp, Christian Nguyễn trở về Việt Nam hơn một thập kỷ trước. Anh cho biết ý tưởng này đã đến với anh sau khi có những trải nghiệm tồi tệ khi sử dụng dịch vụ tại một chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Thông qua Weekly Digital, Nguyễn có tham vọng biến nhận diện khuôn mặt trở thành giải pháp thuận tiện, mượt mà và đủ an toàn cho người tiêu dùng, qua đó giúp họ thanh toán không cần dùng tiền mặt, thẻ và thậm chí cả ví điện tử trên điện thoại để thực hiện các giao dịch hoặc trải nghiệm ngoại tuyến khác.
Mặc dù vẫn là một công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu, nhưng Wee Digital đã ký hợp đồng với tập đoàn VinGroup của Việt Nam để áp dụng công nghệ của mình tại một số khu nghỉ dưỡng của VinGroup, cho phép sử dụng quét khuôn mặt để cung cấp quyền truy cập vào các dịch vụ nghỉ dưỡng. Wee Digital đang dành thời gian và nguồn lực để phát triển công nghệ cũng như thuyết phục các doanh nghiệp và tổ chức tham gia vào tầm nhìn của họ.
Christian Nguyễn chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây với KrAsia, “bí quyết ở đây là chuyển dịch nhanh vào thị trường của chính bạn trước khi các nhà cung cấp nước ngoài nhảy vào. Để có thể tác động tới cuộc sống của người tiêu dùng trong vài ba năm tới, bạn sẽ phải có sự khởi đầu từ bây giờ”.

Vẫn còn một chặng đường dài phía trước

Mặc dù AI đã tạo ra ảnh hưởng đối với nhiều ngành công nghiệp tại Việt Nam, hầu hết các công ty khởi nghiệp AI được ứng dụng vẫn đang ở giai đoạn manh nha. Theo báo cáo Vietnam AI Landscape Report 2018 do RubikAI công bố trên Nexus Frontier Tech, có tới 59% công ty AI tại Việt Nam đã hoạt động được tới hai năm và chỉ 34% trong số đó đã huy động được hơn 200.000 USD từ các nguồn đầu tư bên ngoài. Các nhà nghiên cứu của RubikAI cũng phát hiện ra sự thiếu hụt tài năng đang là hạn chế lớn nhất đối với hệ sinh thái AI tại Việt Nam.
Phát triển AI đang là hướng đi mà nhiều tổ chức mong muốn đạt được
Hajime Hontta, một đối tác của G&H Ventures có trụ sở tại Hà Nội - một quỹ tập trung vào các công ty khởi nghiệp AI giai đoạn đầu cho biết, Việt Nam có thể có nhiều tài năng về máy học và khoa học dữ liệu, nhưng rất khó để tìm được các tài năng kinh doanh để đưa các giải pháp này ra thị trường thực tiễn.
Chính phủ Việt Nam cũng đã nắm bắt về AI và nó trở thành một từ khóa thường xuyên được nhắc tới trong các cuộc họp, họ công nhận nó sẽ là trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tại Hội nghị thượng đỉnh AI do Việt Nam tổ chức vào tháng 8 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, AI không còn là câu chuyện khoa học cao siêu nữa mà đang có vai trò quan trọng trong nền kinh tế xã hội để Việt Nam phát triển mạnh hơn, vì không còn lựa chọn nào khác.
Điều đáng nói là hiện Việt Nam không có chiến lược AI cụ thể từ trên xuống, vai trò của các cơ quan nhà nước cũng bị giới hạn trong việc khuyến khích sự phát triển của AI, đẩy các nghiên cứu thực tiễn và triển khai các giải pháp mới vào khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, một số người trong cuộc đã cảnh báo rằng điều này có thể khiến các cá nhân và doanh nghiệp vô đạo đức lợi dụng (và lạm dụng) thuật ngữ AI như là một công cụ để khuếch trương thương hiệu, khiến tham vọng công nghiệp 4.0 của đất nước bị lệch khỏi quỹ đạo.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích