Nhân viên các công ty công nghệ dễ dàng làm việc độc lập, không yêu cầu phải tiếp xúc hàng ngày. (Ảnh: Fortune).
PV lược dịch bài viết của tác giả David Streitfeld từ The New York Times.
Mặc dù Tổng thống Trump đã kêu gọi mở cửa nước Mỹ trở lại, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục thực hiện chính sách giãn cách xã hội, đặc biệt là những công ty công nghệ.
Ngày 8/5, Google và Facebook thông báo đại đa số nhân viên có thể làm việc tại nhà tới năm 2021. Amazon xác nhận những nhân viên thuộc khối văn phòng sẽ tiếp tục làm việc từ xa thêm 5 tháng nữa.
Phản ứng này được cho là vì những lo lắng về mặt sức khoẻ khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Số bệnh nhân nhiễm virus corona đã giảm mạnh ở New York, nhưng đang bùng phát ở nhiều khu vực khác. Ước tính mỗi ngày nước Mỹ có thêm 20.000 trường hợp mắc bệnh mới, tổng số ca lây nhiễm đã vượt trên 1,2 triệu người.
Tiết kiệm thời gian hơn, năng suất tương tự
Bắt đầu cho nhân viên làm việc từ xa từ tháng 3, nhiều công ty xác định đây là chính sách lâu dài chứ không đơn giản là biện pháp an toàn trong mùa dịch.
"Làm việc tại nhà sẽ tốt hơn cho cả công ty và nhân viên, khi họ sẽ không phải mất 2h mỗi ngày để di chuyển tới nơi làm việc", Joan Burke, CEO của công ty công nghệ DocuSign nói.
Bang California tiếp tục tình trạng cách ly xã hội tới ngày 31/5, nhưng DocuSign đã thông báo nhân viên sẽ tiếp tục làm việc tại nhà tới tháng 9 hoặc trễ hơn.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, có 8% nhân viên văn phòng làm việc tại nhà ít nhất một ngày trong tuần, 2% làm việc tại nhà toàn thời gian. Tỷ lệ đã tăng rất nhiều trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra.
Công ty nghiên cứu và tư vấn Gartner cho biết khách hàng của họ là những công ty có quy mô lớn, nhân viên Gartner thường làm việc với đối tác qua email, điện thoại, ít gặp mặt.
Vì tính chất công việc không cần trao đổi trực tiếp, công ty dự kiến sẽ để một nửa nhân sự làm việc bán thời gian tại nhà trong thời gian tới.
Sở hữu phần mềm liên lạc tiên tiến, tính chất công việc không yêu cầu sự tiếp xúc hàng ngày là yếu tố giúp những công ty công nghệ đang dẫn đầu trong xu hướng làm việc từ xa. Điều mà những ngành hàng, dịch vụ cần giao tiếp với khách hàng như tiệm xăm, quán bar, tiệm làm tóc không làm được.
Hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều hạn chế
Zillow là một công ty giao dịch bất động sản trực tuyến có trụ sở tại Seattle. Ngày 24/4, lãnh đạo Zillow thông báo toàn bộ 5.000 nhân viên của họ có thể làm việc tại nhà tới năm 2021.
Trước đại dịch Covid-19, toàn bộ nhân viên của Zillow làm việc với khung giờ hành chính, khoảng 2% nhân viên làm việc toàn thời gian từ xa và khoảng 4% nhân viên làm việc bán thời gian tại nhà.
"Vì năng suất không hề giảm, chúng tôi đã có cái nhìn khác hoàn toàn về làm việc từ xa", Dan Spaulding, CEO của Zillow chia sẻ.
Spaulding đồng tình với ý kiến làm việc tại nhà có mặt hạn chế, ví dụ như các buổi họp trực tuyến trên Zoom. Có những cuộc gọi hoàn hảo, nhưng cũng có những lần trục trặc cản trở việc phối hợp của các nhân viên.
Liên lạc, họp trực tuyến thỉnh thoảng cản trở sự phối hợp của các nhân viên. (Ảnh: Panopto).
Trong một báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia năm 2015 về các phương pháp đổi mới và khởi nghiệp, kết quả cho thấy xu hướng làm việc tại nhà sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
"Làm việc tại nhà sẽ còn phát triển, nhưng khó để nhân viên giữ được động lực và tinh thần sáng tạo suốt 5 ngày/tuần", Nicholas Bloom, Giáo sư Kinh tế đại học Standford, Giám đốc dự án nghiên cứu trên cho biết.
Ứng dụng nhắn tin và làm việc nhóm Slack đạt được thành tích kinh doanh khả quan trong thời điểm đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty cho biết vẫn chưa xác định được thời gian đi làm trở lại của 2.000 nhân viên.
"Rất khó để vận hành công ty có 50% nhân viên ở văn phòng và 50% nhân viên làm việc tại nhà, nhưng sẽ dễ dàng để quản lý toàn bộ nhân viên làm việc từ xa", Robby Kwok, Phó chủ tịch Slack cho biết.
Tập trung đông người tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, người đại diện Slack cho biết sẽ giúp người lao động an toàn bằng cách giữ họ ở nhà, sớm nhất là tới tháng 9.
"Để nhân viên quay lại làm việc sau khi hết dịch hoàn toàn là nghĩa vụ của công ty với cộng đồng", Kwok nhận định.