Vào ngày 6/5, Facebook đã công bố danh sách 20 thành viên đầu tiên của Hội đồng giám sát nội dung. Đây là cơ quan quan độc lập có khả năng đảo ngược các quyết định của công ty và CEO Mark Zuckerberg về những nội dung cá nhân xuất hiện trên Facebook và mạng xã hội Instagram.
Những khủng hoảng liên tiếp cùng nhiều lần "vạ miệng" của Mark Zuckerberg khiến Facebook phải kiểm soát những phát ngôn của CEO này trên mạng xã hội. Ảnh: Reuters. |
Trước những lời chỉ trích về khả năng kiểm duyệt nội dung đăng tải trên mạng xã hội, nhất là sau khi tờ New York Times đăng báo cáo chi tiết về giai đoạn xử lý khủng hoảng can thiệp bầu cử năm 2018, Facebook tuyên bố sẽ thành lập một cơ quan độc lập nhằm siết chặt hoạt động của mình vào tháng 11/2018.
Hội đồng giám sát sẽ tiếp nhận các trường hợp thông qua hệ thống quản lý được liên kết với nền tảng riêng của Facebook. Sau đó, họ sẽ thảo luận và đưa ra các quyết định về việc nội dung đó có được phép tồn tại hay không. Ngoài ra, hội đồng còn có nhiệm vụ kiểm soát những đơn kháng cáo từ người dùng Facebook và Instagram, dường như là một trách nhiệm không hề dễ dàng với khối lượng công việc khổng lồ.
Những thành viên trong hội đồng này rất đa dạng, bao gồm luật sư, nhà báo, những người ủng hộ nhân quyền và các học giả. Có thể kể đến cựu tổng biên tập tờ GuardianAlan Rusbridger, cựu thẩm phán Toà án Nhân quyền Châu Âu András Sajó...
“Cho đến lúc này, Mark Zukerberg và đội ngũ Facebook chịu trách nhiệm trước những quyết định về kiểm duyệt nội dung. Tuy nhiên, Facebook sẽ dần thay đổi điều đó", Helle Thorning-Schmidt - cựu Thủ tướng Đan Mạch, một trong bốn đồng chủ tịch Hội đồng giám sát cho biết.
Đồng thời, Hội đồng giám sát cũng cam kết minh bạch các báo cáo hàng năm và theo sát những gì Facebook thực hiện.
Bê bối can thiệp bầu cử, lộ dữ liệu khiến Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm 2016. Ảnh: AFP |
“Sẽ rất xấu hổ nếu Facebook không hành động hết mình vì điều này" - Đồng chủ tịch Hội đồng Thorning-Schmidt chia sẻ
Động thái này có thể giúp Facebook tránh các cáo buộc thiên vị các quan điểm chính trị.
“Mục tiêu của chúng tôi là giúp Facebook không trở thành một nơi để chia rẽ quan điểm và lôi kéo phe phái, mà sẽ là một mạng xã hội bình đẳng với tất cả người dùng” - Michael McConnell, đồng chủ tịch hội đồng trả lời các phóng viên.
Ngân sách dự kiến của hội đồng này là 130 triệu USD. Facebook cam kết số tiền sẽ giúp hội đồng có thể hoạt động trong vòng ít nhất 6 năm.
Theo ZingNews