Vào ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký gia hạn lệnh cấm vận mua bán công nghệ đối với Huawei thêm 1 năm. Như vậy, các công ty Mỹ sẽ không được sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei cho tới năm 2021.
Lệnh cấm này vận dụng Đạo luật quyền lực kinh tế quốc tế khẩn cấp, cho phép tổng thống Mỹ có quyền ra quyết định điều chỉnh về thương mại để đối phó với một tình huống khẩn cấp gây nguy hại cho nước Mỹ. Theo Reuters, việc ông Trump ban hành quyết định này lần đầu vào năm 2019 hoàn toàn nhắm tới các công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE.
Lệnh ban đầu không chỉ rõ một công ty Trung Quốc nào là mối nguy hại đối với Mỹ. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei và 70 chi nhánh vào "danh sách thực thể", khiến các công ty Mỹ không thể giao dịch với Huawei.
Bộ Thương mại Mỹ nhiều khả năng sẽ gia hạn lệnh cấm Huawei giao dịch công nghệ hết hạn vào ngày 15/5. Tháng 5/2019, sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm này, Huawei đã bị một loạt đối tác quay lưng. Tới nay, họ vẫn chưa được sử dụng Android với dịch vụ Google trên các smartphone mới.
Mặc dù lệnh cấm có hiệu lực từ năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đã cấp một loạt giấy phép tạm thời để cho các hãng viễn thông Trung Quốc hoạt động bình thường tới tháng 4 vừa qua. Cơ quan này cũng hỏi ý kiến cộng đồng về việc gia hạn lệnh cấm, đồng thời cân nhắc thiệt hại nếu tiếp tục cấm hai hãng này.
Hiệp hội thương mại viễn thông CTIA thì cho rằng Bộ Thương mại Mỹ nên cấp giấy phép dài hạn, vì giờ không phải là thời điểm hợp lý để gây khó cho các nhà cung cấp viễn thông nhằm đảm bảo mạng lưới viễn thông toàn cầu.
Sau khi đưa Huawei vào danh sách thực thể tháng 5/2019 với lý do an ninh quốc gia, Bộ Thương mại Mỹ đã cấp giấy phép cho Huawei mua một số hàng hóa Mỹ để có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ tới các khách hàng, chủ yếu là mạng viễn thông nhỏ, hoạt động tại vùng nông thôn Mỹ.
Vào tháng 11/2019, Ủy Ban Viễn Thông Mỹ liệt Huawei và ZTE vào các đối tượng nguy hại với an ninh quốc gia, qua đó loại bỏ Huawei và ZTE khỏi quỹ hỗ trợ mua thiết bị và dịch vụ viễn thông có trị giá 8,5 triệu USD đối với các nhà mạng nhỏ.