'5G mạnh hơn bom nguyên tử'

Thứ ba, 19/05/2020, 13:34
Khi Trung Quốc thử nghiệm thành công bom nguyên tử, Mỹ không bị đặt vào tình trạng báo động, nhưng khi Huawei tiên phong phát triển 5G, Nhà Trắng lo lắng.

Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua 5G. Mặc cho những ảnh hưởng của Covid-19, tính đến đầu tháng 4, đã có hơn 30 triệu smartphone 5G được tiêu thụ tại Trung Quốc, hàng nghìn trụ phát sóng mới đang được xây dựng ở đây để tiến đến mục tiêu phổ cập 5G diện rộng.

Lu Tingjie, Giáo sư Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, nói: "5G là một cuộc cách mạng, nó quan trọng như điện. Nếu dùng điện để chiếu sáng, nó sẽ chỉ ảnh hưởng trong đến cuộc sống cá nhân và gia đình. Nhưng khi điện đi vào tất cả ngành sản xuất, thì cách mạng 2.0 ra đời. Cuối cùng 5G sẽ dịch chuyển từ những trải nghiệm cá nhân sang sản xuất công nghiệp".

5G không chỉ làm thay đổi cách con người tiếp xúc với Internet mà còn đưa ngành công nghiệp vào một cuộc cách mạng mới. Ảnh: Song Chen/China Daily.

"5G mạnh hơn cả bom nguyên tử", Giáo sư Lu tiếp tục ví von. Sau nhiều chỉ trích gay gắt, Mỹ liên tục ban hành các lệnh cấm, yêu cầu các đồng minh không cho Huawei triển khai công nghệ 5G. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sức mạnh to lớn của 5G.

Theo chuyên gia đầu ngành của Trung Quốc, đứng trước làn sóng 5G, các quốc gia có hai lựa chọn. Một là tin rằng hiện tại chỉ cần 4G là đủ và hệ thống cáp quang sẽ ổn định hơn mạng không dây 5G. Hai là chạy đua về công nghệ 5G để không bị bỏ lại phía sau.

Giáo sư Lu Tingjie thẳng thắn nói "những người chỉ trích 5G thậm chí chẳng hiểu gì về nó". Ông ví dụ, một số người cho rằng chỉ cần có Wi-Fi ổn định khắp nơi thì người dùng không cần 5G nữa. Nhưng thực tế, Wi-Fi không thể đảm bảo về tính bảo mật, các nhà máy cũng không thể dùng Wi-Fi để giao tiếp, vận hành. Tương lai của 5G không chỉ thay đổi trải ngiệm người dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các mô hình kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng online và ứng dụng trực tiếp vào công nghiệp sản xuất.

Lu Tingjie cũng chỉ ra rằng công nghệ thông tin chiếm bốn trong bảy lĩnh vực trụ cột của Trung Quốc. Và 5G sẽ là xương sống của ngành công nghệ trong tương lai. Chính phủ nước này đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng và các bằng nghiên cứu, sáng chế liên quan đến khoa học công nghệ nói chung và 5G nói riêng.

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã đi trước một chút về công nghệ 5G, nhưng vai trò lãnh đạo vẫn chưa rõ ràng", Lu nói. Công nghệ cần được hỗ trợ bởi sức mạnh nghiên cứu khoa học. Một trong những thế mạnh khác của 5G là tính cạnh tranh. Những quốc gia theo sau về 3G, 4G có thể nhanh chóng vươn lên nếu xác định đúng và khai thác được sức mạnh của 5G. Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Âu đã bất chấp yêu cầu cấm vận của Mỹ để bắt tay với Huawei triển khai 5G. Bởi vì họ hiểu tương lai công nghệ sẽ do 5G quyết định. Một số quốc gia đang phát triển như Việt Nam cũng rất nhạy bén và cẩn trọng trong việc thương mại hoá 5G. Nói một cách khách, 5G có thể làm thay đổi vị thế của cả quốc gia nếu được khai thác một cách phù hợp.

Các chuyên gia phân tích thị trường cũng chỉ ra rằng, phát triển 5G không chỉ dựa vào các nhà mạng. Mặc dù các công ty viễn thông đóng vai trò chủ chốt trong việc triển khai 5G, yếu tố quyết định thành công của công nghệ này lại nằm ở khả năng thích ứng của các mô hình kinh doanh. Đó là những dịch chuyển về thương mại điện tử, điện toán đám mây, AI hoặc các mối liên kết mới giữa các ngành nghề trên môi trường Internet. Các phân tích đều phải dựa trên khía cạnh kinh tế học. Điều này không chỉ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của 5G trong 10 năm tới mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển 6G, 7G.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích