Trong cuộc họp báo hôm qua (18/5), Tổng chưởng lý William Barr và Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết đã mở hai chiếc iPhone của Mohammed Saeed Alshamrani - người có liên kết với tổ chức khủng bố Al-Qaeda và đã bị tiêu diệt trong vụ xả súng Pensacola - mà không cần đến sự giúp đỡ từ Apple. Cả hai cũng bày tỏ sự thất vọng khi nhà sản xuất iPhone đã không hợp tác với các cơ quan điều tra từ đầu.
"Việc mã hóa các thiết bị của tay súng đã cản trở nghiêm trọng cuộc điều tra", Barr nói. "Cảm ơn công việc tuyệt vời của FBI. Không nhờ đến Apple, chúng tôi vẫn có thể mở khóa điện thoại của Alshamrani".
Tổng chưởng lý William Barr (bên phải) và giám đốc FBI Christopher Wray (bên trái). Ảnh: ABC News. |
Theo ông Barr, các thông tin tìm thấy trên hai chiếc iPhone của Alshamrani là "vô giá". Tuy nhiên, ông cho rằng nếu không có sự khéo léo của FBI, thời gian nghiên cứu dài và cộng thêm may mắn, có thể mọi thứ vẫn chưa được khám phá.
Vị Tổng chưởng lý này cũng cho rằng, đã đến lúc cần áp dụng các chế tài pháp luật đối với những công ty như Apple. "Điểm mấu chốt ở đây là, an ninh quốc gia của chúng ta không thể nằm trong tay các tập đoàn lớn, những người đặt lợi ích tài chính hơn là quyền truy cập hợp pháp và an toàn công cộng. Đã đến lúc cần có một giải pháp lập pháp", ông Barr nhấn mạnh.
Trước đó, khi được FBI yêu cầu mở khóa iPhone của Alshamrani, Apple từ chối. Tuy nhiên, công ty này cho biết đã cung cấp cho nhà điều tra các dữ liệu iCloud của tay súng cũng như những hỗ trợ kỹ thuật khác. Tuy vậy, điều này chưa đủ để vượt qua hàng rào mã hóa của iPhone.
Wray cũng chỉ trích Apple khiến FBI lãng phí thời gian và tài nguyên, nhân lực của cơ quan này trong việc mở khóa iPhone. "Sự chậm trễ có thể khiến nghi phạm hoặc đồng phạm tiềm năng xóa mọi bằng chứng và ngăn FBI truy lại dấu vết", Wray nói. "Quyết định của Apple có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm với an toàn công cộng và an ninh quốc gia. Theo đánh giá của tôi, điều này không thể chấp nhận được".
Người đứng đầu FBI nói rằng, ông "hiểu" Apple muốn cung cấp và tôn trọng quyền riêng tư cho khách hàng của mình, nhưng không phải bằng mọi giá. Theo ông, công ty nên duy trì các tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu ở mức cao nhất, nhưng cũng cần cho phép truy cập dữ liệu cần thiết nếu nó được ủy quyền bởi cơ quan thực thi pháp luật.
Vài năm gần đây, FBI liên tục đề nghị được tăng quyền hạn trong việc truy cập vào các dữ liệu cục bộ trên smartphone của người dùng. Cơ quan này cũng từng đề nghị Apple mở khóa chiếc iPhone 5C của nghi phạm trong vụ xả súng San Bernardino khiến 14 người thiệt mạng vào 2015, nhưng bị từ chối.
Theo The Verge, đề nghị mở khóa iPhone là một yêu cầu khó với Apple. Công ty này vốn vẫn thường xuyên cung cấp các dữ liệu từ iCloud cho cơ quan hành pháp theo yêu cầu của tòa án. Tuy nhiên, với việc mở khóa màn hình để truy cập các dữ liệu cục bộ, họ phải can thiệp vào cơ chế bảo mật của iOS. Điều này không chỉ khó về mặt kỹ thuật, mà còn có thể ảnh hưởng đến uy tín của Apple trong việc bảo vệ thông tin khách hàng.
Vụ Alshamrani xả súng xảy ra ngày 6/12/2019 tại một tòa nhà giảng đường của căn cứ hải quân Pensacola ở bang Florida, khiến ba thủy thủ Mỹ thiệt mạng và 8 người khác bị thương, trong đó có hai cảnh sát. Alshamrani sau đó bị cảnh sát bắn chết trong cuộc đấu súng. Vụ tấn công khiến Mỹ đình chỉ toàn bộ khóa đào tạo cho binh sĩ nước ngoài để rà soát lại các biện pháp phòng ngừa an ninh.
Theo VNE