>>Thanh toán trực tuyến hóa đơn điện thoại để nhận iPad
>>Thanh toán không tiền mặt chiếm 14%
Công nghệ đã sẵn sàng
Trao đổi tại Banking Việt Nam 2012 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống kê tính đến tháng 4/2012, trong nước đã có 52 tổ chức đăng ký phát hành thẻ ngân hàng với hơn 300 thương hiệu. Số lượng thẻ các loại đang lưu thông đạt 44,6 triệu thẻ. Ngoài ra, Việt Nam cũng có hơn 13.700 ATM và gần 83.000 POS (điểm chấp nhận thẻ) được lắp đặt và có hơn 32.000 POS được liên thông.
Người dùng còn rụt rè ứng dụng Mobile Banking trong giao dịch.
“Bước sang năm 2012, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện theo hướng đa dạng hóa dịch vụ thanh toán với nhiều kênh và phương tiện thanh toán khác nhau, các ngân hàng liên tục tăng cường chất lượng kênh ATM và điểm chấp nhận thanh toán thẻ”, bà Nguyễn Tú Anh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ thẻ Smartlink nhận định.
Đồng quan điểm, từ kinh nghiệm thực tế tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dũng – Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM (địa bàn chiếm hơn 1/3 doanh số và thị phần hoạt động tài chính, tiền tệ của cả nước - PV) cho hay, trong năm 2011, theo thống kê từ 15 ngân hàng thương mại có hội sở chính tại TP.HCM thì đã có 111.861 khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng điện tử (gồm các dịch vụ như Internet Banking, Mobile Banking, dịch vụ thẻ…) với tổng giá trị giao dịch hơn 49.436 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung thì đó mới chỉ là những tín hiệu khả quan ban đầu của thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang tiếp tục hợp tác với bên thứ ba trong việc triển khai dịch vụ thanh toán điện tử nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng tính cạnh tranh, tính tiện ích nhằm giảm bớt thanh toán qua chứng từ giấy tờ, đồng thời tạo sự tiện lợi cho khách hàng”, ông Dũng nói.
Cách nào “hút” sử dụng thanh toán điện tử?
Nhằm đa dạng hóa dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử và chú trọng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế, từ cuối tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn hai (2011-2015) và chỉ rõ mục tiêu cần phải đạt được đến cuối năm 2015 là tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán dưới 11%, nâng tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng lên 35-40%; triển khai 250.000 POS với số lượng trên 200 triệu giao dịch/năm.
Và theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng, năm 2012 đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện dự án 5 năm (2011-2015) của ngành ngân hàng Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, hiện nay dù Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh về hạ tầng công nghệ dành cho thanh toán không dùng tiền mặt nhưng vẫn còn đối mặt với hàng loạt rào cản. Bà Nguyễn Tú Anh cho rằng giữa các ngân hàng chưa có tính liên thông cao, chưa đồng bộ về kỹ thuật và chuẩn nghiệp vụ…, và thực tế đó đang tiềm ẩn hàng loạt rủi ro gây khó khăn cho sự phát triển chung của thị trường thanh toán không dùng tiền mặt.
Trao đổi thêm với ICTnews, ông Suresh Dadlani – Giám đốc nghiệp vụ của hãng công nghệ ControlCase cho rằng nguyên nhân khiến dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã được sử dụng tại Việt Nam trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa chiếm tỷ lệ lớn trong giao dịch tiền tệ là do liên quan đến bảo mật dữ liệu và khách hàng chưa tin tưởng, chưa nhận thức được lợi ích của dịch vụ thanh toán phi tiền mặt.
Chính vì vậy, ông Suresh Dadlani nhấn mạnh các ngân hàng Việt Nam cần thực hiện có hiệu quả và duy trì các yêu cầu bảo mật dữ liệu, đảm bảo các hệ thống công cụ và công nghệ tại chỗ để giám sát chống lại những mối đe dọa mất an ninh trong quá trình truyền tải, lưu trữ và xử lý dữ liệu giao dịch.
Ngoài ra, ngân hàng Trung ương và cơ quan quản lý phải có các quy định để việc tuân thủ các quy chuẩn toàn diện như PCI DSS (tiêu chuẩn bảo mật an ninh dành cho thẻ thanh toán) cho các nhà cung cấp dịch vụ và PA DSS (tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu ứng dụng thanh toán) cho các ứng dụng thanh toán trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả những đối tượng tham gia với lưu trữ, xử lý và truyền tải những dữ liệu nhạy cảm nhằm xây dựng lòng tin sử dụng dịch vụ ở khách hàng.
Theo ictnews