Cục Cảnh sát hình sự đang thụ lý điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội Facebook.
Trong vụ án này, 4 đối tượng người nước ngoài là James Moore (Ogee), Ika, Lanlod và Sim Sothol đã câu kết với bị can Phạm Thị Sa, 33 tuổi, trú tại TP HCM tạo nên những cái “bẫy tình, tiền” rất ngọt ngào nhưng có kết cục quá đắng đối với một số cô gái Việt Nam.
Giả Trợ lý Tổng thống Malaysia để lừa tiền tỷ của “người yêu Facebook”
Khi sự nghiệp đã khá thành đạt thì Nguyễn Thị H., trú tại Hà Nội đã bước sang cái tuổi không còn nhiều sự lựa chọn cho hôn nhân. Ở tuổi chị, bạn bè hầu hết đều đã có gia đình, con cái đủ đầy.
Tự nhiên, H. sống thu hẹp hơn. Những lúc rảnh và buồn, chị lang thang lên mạng Facebook. Rồi một ngày, một người đàn ông có tâm sự buồn kết bạn qua Facebook với chị. Anh ấy giới thiệu là Frankie Ganyongzin, Trợ lý Tổng thống Malaysia, một “đại gia” trên đất bạn.
F. Ganyongzin kể rằng, vợ và con anh ta đã mất trong một tai nạn máy bay. Bản thân lại đang bệnh trọng, chỉ mong có một người bạn gái, dù ở phương xa để tâm sự, để yêu thương cho đến hết quãng đời còn lại.
Những tâm sự đẫm yêu thương trên mạng ảo đã khiến chị H. trở nên rung động. Chị bắt đầu tin và ngẩn ngơ chờ đợi những bức thư, lời tâm sự của F.Ganyongzin. Một ngày, chị H. nhận được thư của F.Ganyongzin, nội dung thư khiến chị thực sự xúc động.
F.Ganyongzin viết: “Dù chưa gặp nhưng anh vô cùng yêu em. Anh không còn sống được bao lâu nữa nên dù em chưa yêu anh nhưng anh vẫn yêu em và anh muốn gửi cho em tất cả những gì anh đang có…”.
“Tất cả những gì anh đang có” là khoản tiền 2 triệu USD F.Ganyongzin đã bí mật cho vào một món hàng để gửi về cho H. Anh ta nói rằng, H. phải giữ bí mật, kể cả khi phía hải quan hỏi cũng không được nói gì vì theo quy định không được gửi tiền kèm theo hàng…
Khi đang lâng lâng với món quà của “người yêu” từ phương xa đang gửi tới, chị H. nhận được điện thoại của một phụ nữ, tự xưng là cán bộ hải quan, yêu cầu chị H. gửi phí nhận hàng là hơn 30 triệu đồng vào tài khoản (người này tự cho), để được nhận món quà từ Malaysia do F.Ganyongzin gửi về.
James Moore và Okoye Uchenna- hai “người tình Facebook” chuyên lừa tiền của những phụ nữ Việt Nam nhẹ dạ. |
Đúng lộ trình như “người yêu” dặn nên chị H. không nghi ngờ gì, gửi tiền phí hải quan vào tài khoản họ cho. Nhưng ngay sau khi chị H. chuyển tiền, nữ cán bộ hải quan nói trên thông báo, đã phát hiện số tiền 2 triệu USD giấu trong gói hàng nên yêu cầu chị H. phải gửi thêm khoảng 120 triệu đồng để lo lót cho gói hàng đi “trót lọt”.
Nữ cán bộ này nhấn mạnh, nếu chị H. không gửi số tiền này thì họ sẽ trả lại chị số tiền đã đóng phí hải quan trước và tịch thu món quà có tiền USD để sung quỹ Nhà nước (các đối tượng đã tính toán, nếu chị H. không đồng ý đóng tiếp và đòi lại tiền thì chúng sẽ tắt máy, cắt liên lạc luôn-PV).
Như bị dẫn vào mê hồn trận, chị H. tiếp tục gửi một đợt tiền nữa cho các đối tượng, đẩy tổng số tiền nộp là hơn 2 tỷ đồng. Đến lúc này, chị vẫn chưa thấy tăm hơi của món quà đâu. Chị không nộp nốt số tiền theo yêu cầu của các đối tượng nữa và liên lạc với người tình phương xa. Nhưng hỡi ôi, cả người tình và các cán bộ hải quan đã lập tức… không liên lạc được.
Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã bắt giữ Phạm Thị Sa (người đóng vai cán bộ hải quan) và làm rõ việc Sa câu kết với 4 đối tượng người nước ngoài: James Moore (Ogee), Ika, Lanlod và Sim Sothol sử dụng màn kịch yêu đương, gửi quà để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các bị hại.
Đến nay, cơ quan điều tra đã làm rõ được 2 bị hại (chị H. và 1 bị hại tại TP HCM) đã bị các đối tượng lừa đảo trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo điều tra viên cho biết, con số bị hại chắc chắn chưa thể dừng lại vì qua kiểm tra tài khoản của các đối tượng, liên tiếp thấy có người gửi tiền vào (đa số là phụ nữ).
Vì thế, cơ quan điều tra đề nghị ai là bị hại của nhóm đối tượng trên, liên hệ với Phòng 8, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, số 14, ngõ 55, đường Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội hoặc liên hệ với đồng chí Lê Vinh Tùng qua số điện thoại: 06942445, 0902189869.
Cảnh giác với người bỗng dưng mang đến cho mình một đống tiền
Thực ra, phương thức lừa đảo như trên của các đối tượng không phải là mới mẻ. Giữa năm 2013, Công an TP Cần Thơ phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự cũng đã bắt giữ 2 đối tượng Okoye Uchenna, thường gọi là Emeka, 38 tuổi, đang cư trú tại chung cư Phú Mỹ Thuận, Phú Xuân (Nhà Bè, TP HCM) và Võ Thị Xuân Hồng, 53 tuổi, trú tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa (Đồng Nai) dựng lên các màn yêu đương, gửi quà như trên để lừa tiền của 15 phụ nữ Việt Nam. Sau đó, Uchenna đã bị tuyên phạt 15 năm tù giam, Võ Thị Xuân Hồng bị 10 năm tù giam.
Ngay đầu năm 2015, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ được đối tượng người Nigeria Oshanugor James Anyasi khi anh ta đang trong hành trình từ Dohar (Qatar) sang Phnôm Pênh (Campuchia) và quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. James và đồng bọn cũng đã tạo ra màn kịch “lừa” kiểu trên với gần chục người phụ nữ ở Việt Nam.
Theo Thượng tá Lê Tiến Bình, Phó Trưởng Phòng 8, Cục Cảnh sát hình sự, nếu có sự hiểu biết thực sự, các cô gái sẽ phát hiện ra cạm bẫy của các đối tượng. Bởi chỉ cần hỏi các cơ quan chức năng, họ sẽ biết được rằng, không bao giờ có thể gửi tiền kèm theo hàng chuyển phát nhanh. Khi qua các cửa khẩu có sự kiểm soát của hải quan, chắc chắn máy móc sẽ soi được số tiền bên trong kia…
Còn theo một lãnh đạo của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nếu tìm hiểu về công nghệ, các cô sẽ biết được rằng, tất cả kịch bản trên đều có thể do các đối tượng tạo nên bằng công nghệ cao.
Để phòng ngừa các trường hợp bị lừa như vậy, trước hết cần phải tuyên truyền rộng rãi phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng cho người dân được biết. Bên cạnh việc đưa bài học cảnh giác lên các phương tiện thông tin đại chúng, Cục Cảnh sát hình sự cũng đã thông báo đến lực lượng Cảnh sát hình sự Công an các địa phương để tuyên truyền đến người dân.
Theo CAND