|
Một tàu gỗ đang hút cát trộm trên sông Tiền, đoạn chảy qua ấp Tân Tây (xã Tân Phú, H.Châu Thành) |
Lực lượng truy bắt gồm công an xã, dân quân tự vệ và Chủ tịch UBND xã Phú Đức, đội phản ứng nhanh nhiều lần truy bắt thành công tàu hút cát trộm.
“Cuộc chiến” giữa đêm
19 giờ, lực lượng truy bắt tập hợp tại một nhà dân ở ấp Phú Định, chuẩn bị xuất phát. Hành trang ngoài gậy gộc, đèn pin, còn có... chén muối ớt và mấy gói mì tôm. “Anh em đi tới rạng sáng, có khi bắt được ghe tàu, lai dắt về xử lý tới sáng trắng mới xong. Ra sông đói có mì tôm và ngắt ngọn lục bình, hái trái bần chấm muối ăn”, ông Ngô Thanh Quý, Chủ tịch UBND xã Phú Đức, giải thích khi thấy PV tò mò về chén muối ớt.
Đợi tới 21 giờ, con nước vẫn chưa dâng tới chỗ neo ghe, mọi người bắt đầu có vẻ sốt ruột. Ngoài mé sông, dân quân tự vệ Nguyễn Minh Trung (31 tuổi) đang tìm cách đẩy ghe xuống nước. Bất chợt, tiếng động cơ vang lên như xé tan màn đêm, Trung rọi đèn ra hiệu cho các thành viên chuẩn bị lên đường. Tất cả vào vị trí, “tài công” Trung cho ghe tiến ra sông Tiền. “Mọi người ráng giữ im lặng, tắt hết đèn và núp xuống, tránh ghe tàu do thám của cát tặc phát hiện”, ông Quý khẽ nhắc.
Thấy phía trước có tàu “cát tặc” đang di chuyển, ghe tuần tra phải luồn lách vào gần sát bờ, nơi có những tán cây bần xum xuê để tránh bị phát hiện. “Tàu hút cát khi di chuyển không bật đèn, chỉ loáng thoáng giữa đêm nên ai có kinh nghiệm mới phát hiện được”, ông Quý chỉ tay qua phía bên kia bờ sông nói có tàu hút cát trộm đang chạy ngang qua.
23 giờ, ghe tuần tra đi hết khu vực xã Phú Đức, cả nhóm hội ý và quyết định tiếp tục “chuyên án”. “Nãy giờ cát tặc di chuyển qua địa bàn xã Tân Phú (H.Châu Thành), tuy không có thẩm quyền xử phạt nhưng chúng ta có thể bắt quả tang, giữ hiện trường rồi gọi lực lượng của huyện xuống xử lý”, ông Quý quyết tâm.
Ghe tiếp tục thẳng tiến. Lúc này, các thành viên bóp mì tôm ăn để có sức. Ngay sau đó, ông Quý và “tài công” Trung bất ngờ nhắc: “Có hai ghe gỗ đang chuẩn bị cắm vòi xuống hút cát”. Ai nấy như quên luôn cơn đói và mệt. Trung quay ghe tấp vào bờ để cả nhóm leo lên bờ mật phục, chờ thời cơ chín muồi sẽ vây bắt. “Tụi hút cát đều có cảnh giới, chưa kể tàu chở hàng đi ngang pha đèn, chúng ta cũng sẽ bị phát hiện. Lúc này sử dụng chiêu “vườn không nhà trống” mới có thể bắt quả tang được”, ông Quý giải thích.
1 giờ sáng, nhắm hai ghe gỗ đã cắm vòi hút cát, cả đội lập tức trở lại ghe tuần tra. Trung tăng tốc hết cỡ, đèn pin bật sáng chói... chẳng mấy chốc đã áp sát ghe hút cát. Nhanh như chớp, Quốc Bảo, Đình Trọng, Thanh Hải (thành viên trong đội - PV) nhảy lên khống chế các đối tượng. Trên mỗi ghe hút cát lúc này có 2 nam thanh niên, nhận biết không thể thoát nên phải ngưng mọi hoạt động, chấp nhận lai dắt vô bờ đợi lực lượng của H.Châu Thành đến xử lý.
Lực lượng chức năng xã Phú Đức và H.Châu Thành xử lý tàu gỗ hút cát trộm trên sông Tiền |
Chết hụt...
Thực hiện quyết tâm dẹp nạn trộm cát, lực lượng của xã Phú Đức đã phải đối diện nhiều hiểm nguy. Ông Ngô Thanh Quý vẫn nhớ như in lần bắt cát tặc hơn một năm trước, 3 dân quân tự vệ may mắn thoát chết. Lúc đó hơn 2 giờ sáng, đang trên ghe tiếp cận sà lan hút cát, ông Quý như chết đứng khi nghe điện thoại từ số lạ: “Tụi em rớt hết xuống sông và... còn sống, hiện đang tá túc nhà dân”. Cát tặc khi ấy hoành hành và rất manh động, số lượng nhiều tới mức bắt... không hết. “Tui phân công cứ 3 người lên 1 sà lan để áp tải vào bờ. Phương tiện trộm cát quá nhiều nên phải bỏ bớt chứ không đủ người áp tải”, ông Quý nhớ lại.
Dân quân Nguyễn Minh Trung là một trong 3 người thoát nạn đêm hôm đó. Đến giờ phút này, Trung vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ chuyện cũ. “Trời tối đen. Con sông rộng cả cây số nên chỉ có trời thương mới sống sót”, Trung bần thần rồi kể sau khi lên sà lan, đối tượng tên Đa (quê Tiền Giang) ban đầu giả vờ hợp tác, nào ngờ khi cả 3 dân quân không để ý thì bị Đa đẩy hết xuống sông. Bị bất ngờ, Trung lúc đầu khá hoảng sợ nhưng kịp bừng tỉnh, thả trôi theo dòng nước, nhắm vào gần bờ mới dùng sức bơi. “Lúc đó không bình tĩnh chắc tôi khó sống vì sông chảy xiết lắm. Thấy cành bần nghiêng sát mặt nước, tôi cố bơi vào bám chặt. Sau đó lần mò trèo lên bờ rồi tìm nhà dân, mượn điện thoại báo cho đồng đội”, Trung nhớ như in.
Ngoài Trung còn có Nguyễn Đình Trọng (21 tuổi) và Nguyễn Thanh Hải (20 tuổi) cùng thoát nạn đêm đó. Họ là dân sông nước nên thuần thục bơi lội. Suốt chuyến đi tuần tra cùng lực lượng xã Phú Đức, tôi được chứng kiến sự xông xáo của 2 anh chàng tuổi đôi mươi này. Đình Trọng “khoe” mình bị rớt sông mấy lần nhưng chưa khi nào chùn bước. “Gia đình hay tin tôi bị xô sông cũng lo lắm. Trời tối, có khi nhảy qua tàu trộm cát rớt chới với dưới nước vì... hụt chân, đủ thứ rủi ro hết!”, Trọng chia sẻ.
“Thấy tụi nó suýt chết, tui tính cho ở nhà để thay người khác nhưng đâu đứa nào chịu. Lương ba cọc ba đồng nhưng thấy bà con bức xúc, ai cũng xung phong, chịu khó chịu cực đủ thứ cùng nhau dẹp nạn cát tặc”, ông Quý tự hào về những người trẻ.
Dân sẵn sàng “tiếp lửa”
Để tránh tai mắt của tàu hút cát, trước mỗi chuyến tuần tra, đội phản ứng nhanh xã Phú Đức thường ém quân ở nhiều vị trí khác nhau. Đó có thể là những căn nhà giữa vườn chôm chôm, dừa, sầu riêng... mà bất cứ bà con nào cũng sẵn lòng cho nương nhờ. Chưa hết, người dân còn sẵn sàng “tiếp lửa” cho đội tuần tra với những bình trà, ly cà phê pha sẵn hoặc trái cây trong vườn. Nhờ vậy, các thành viên của đội luôn đủ sức đương đầu với những đối tượng hút cát manh động.
Chủ thuê hút cát “bao” bị bắt
Những người hút cát trộm chúng tôi tiếp xúc đều còn rất trẻ và chỉ là đi làm thuê cho chủ. Nguyên (28 tuổi, quê H.Bình Đại, Bến Tre) kể mỗi chuyến hút cát thành công sẽ được chủ trả 300.000 đồng. Chập tối, Nguyên từ Tiền Giang điều khiển tàu qua Bến Tre để hút cát. Nếu bị bắt sẽ gọi cho chủ mang tiền qua nộp phạt và số lần Nguyên bị bắt nhiều tới mức không nhớ hết.
“Có nhiều việc, tại sao mãi đi hút cát gây sạt lở?”, tôi hỏi. “Năm 12 tuổi tui đã theo sà lan hút cát và làm tới giờ. Tui toàn hút giữa sông chứ đâu hút sát bờ mà sạt lở. Hơn nữa, chủ họ lo hết mọi thứ nên bị bắt chỉ mất tiền công 300.000 đồng chứ mấy”, Nguyên trả lời.
Tiếp xúc thêm với Sang (21 tuổi), Bảo (19 tuổi, đều quê Tiền Giang)... tôi cảm nhận rồi đây họ sẽ tiếp tục việc hút cát trộm và cuộc chiến chống “cát tặc” vẫn chưa có hồi kết!
|
Theo Thanh Niên