Chiều 28/1, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử hai cựu thứ trưởng Công an cùng Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm" – chủ tịch hai công ty Bắc Nam 79 (Đà Nẵng), Nova Bắc Nam 79 (TP.HCM), VKS cùng các luật sư tập trung hỏi về những hành vi của năm bị cáo khiến 7 dự án nhà, đất công sản tại Đà Nẵng và TP.HCM rơi vào túi riêng của Vũ "nhôm".
Cơ quan tố tụng cáo buộc Vũ "nhôm" lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục V (Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) để đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của bảy dự án công sản ở Đà Nẵng và TP.HCM có diện tích 6.700m2 nhà và 26.800m2 đất, tổng trị giá hơn 2.500 tỷ đồng.
Phan Văn Anh Vũ bị thẩm vấn nhiều nhất trong ngày xét hỏi 28/1. Ảnh: TTXVN. |
Nhà chức trách xác định khi hai công ty bình phong được giao quyền sử dụng và tài sản tại 7 lô đất, Vũ "nhôm" đã chuyển sang mình đứng tên, người thân trong gia đình hoặc liên kết chuyển nhượng cho người khác. Mục đích này không có trong hoạt động nghiệp vụ của ngành công an mà nhằm thu lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1.160 tỷ đồng. Ở giai đoạn điều tra Vũ "nhôm" từng làm đơn xin nộp lại 7 bất động sản đó. Tuy nhiên, sau đó, anh ta đã có đơn rút lại yêu cầu.
Trước câu hỏi của luật sư về vấn đề này, Vũ "nhôm" chậm rãi xác nhận thông tin đó. Theo đó khi mới bị khởi tố, bị cáo trong tâm trạng buồn, hoang mang, tinh thần không ổn định. Vũ được cơ quan điều tra đặt vấn đề nên nộp lại toàn bộ tài sản này để được đề xuất không xử lý hình sự, không khởi tố vụ án.
"Điều mong muốn nhất là gia đình và vợ con, ngoài ra bị cáo không ham hố bất cứ tài sản gì. Bị cáo không muốn liên luỵ vợ con, gia đình nên đồng ý đề nghị trên", Vũ giải thích và cho hay khi tìm hiểu vụ án lại thấy mình không phạm tội lợi dụng chức vụ như VKS truy tố.
"Tiền mua các dự án nhà, đất là tiền của bị cáo. Việc xác định bị cáo lợi dụng các yếu tố của Bộ Công an để được nhận các dự án này là không chính xác. Bị cáo thấy mình không sai, làm đúng điều pháp luật cho phép, do vậy làm đơn xin rút lại đơn xin nộp lại 7 tài sản", cựu tình báo viên Vũ "nhôm" khai trước toà.
Dù vậy, Vũ "nhôm" lại nói "thâm tâm cũng muốn giao nộp lại hết 7 tài sản, không muốn giữ lại làm gì nhưng còn một số khó khăn như có dự án đang làm trường học, có dự án đang hợp tác với doanh nghiệp khác... Với hai dự án chưa triển khai, bị cáo sẵn sàng giao nộp lại hai tài sản này. Còn những dự án đang triển khai, nếu nộp lại sẽ rất khó, phát sinh, liên luỵ nhiều nên xin HĐXX xem xét, đánh giá cho bị cáo tiếp tục triển khai", Vũ nói .
Bị cáo còn cho rằng cuộc đời mình có 10 phần thì 8 phần làm đúng, 2 phần làm chưa đúng. Để dẫn chứng, anh ta kể đã hỗ trợ phương tiện cho Công an TP.HCM, Đà Nẵng; hỗ trợ tiền trang bị camera cho thành phố Đà Nẵng...
Khi chủ toạ Trương Việt Toàn nhắc lại điều vừa nghe về việc nếu giao nộp tài sản thì không bị khởi tố vụ án và hỏi "có chính xác không", bị cáo Vũ lại cho hay có thể câu từ chưa chính xác vì vào thời điểm mới bị bắt tinh thần không ổn định. "Cơ quan điều tra nói 7 tài sản là tài sản do vi phạm mà có nên bị cáo đồng ý giao nộp ngay. Nhưng khi cơ quan tiến hành điều tra làm rõ từng vấn đề thì bị cáo thấy mình không vi phạm", Vũ "nhôm" nói.
Liền sau đó, chủ toạ Trương Việt Toàn đọc đơn tự nguyện giao nộp tài sản do Vũ viết ngày 21/4/2018, trong khi việc tống đạt quyết định khởi tố bị can là ngày 7/2/2018.
Vì sao công ty bình phong của ngành công an lại do Vũ "nhôm" lo vốn?
Vấn đề khác được nhiều thành viên trong HĐXX thẩm vấn chiều 28/1 là việc góp vốn vào công ty Bắc Nam 79. Theo cáo trạng, công ty này do Vũ lập ra, làm chủ tịch HĐQT, kinh doanh tại Đà Nẵng với số vốn 700 tỷ đồng. Khi Vũ được tuyển làm nhân viên tình báo, công ty này trở thành bình phong của Tổng cục V.
Bị cáo Bùi Văn Thành (cựu thứ trưởng Bộ Công an, bên trái) và luật sư bảo vệ quyền lợi. |
Nhà chức trách khẳng định, Tổng cục V không đầu tư hay góp vốn hay điều hành, quyết định mọi hoạt động của công ty này. Tuy nhiên, bị cáo Phan Hữu Tuấn (cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục V) lại khai trên danh nghĩa cơ quan này góp 20% vốn, tình báo Công an Đà Nẵng có 10%.
Chiều 28/1, bị cáo Vũ khẳng định toàn bộ tiền vốn góp vào công ty này do mình và gia đình lo. "Vậy tại sao khi đăng ký kinh doanh lại có tỷ lệ phần trăm vốn góp khác?", đại diện VKS hỏi. Vũ nói để trả lời "xin HĐXX hỏi anh Phan Hữu Tuấn".
Vũ khai khi ông Tuấn giao mình làm kinh tế có gợi ý "Bắc Nam 79 chiếm 70% rồi Tổng cục V Bộ Công an 20% và Tình báo của Công an TP.Đà Nẵng 10%", nhưng thực tế không phải vậy mà hoàn toàn tiền của bị cáo.
Vũ còn khẳng định chỉ được Tổng cục V, trực tiếp là ông Tuấn giao nhiệm vụ làm kinh tế, phát triển tiềm lực ngành, ngoài ra không được giao bất cứ nhiệm vụ nào về nghiệp vụ. Việc giao nhiệm vụ không có văn bản.
Trả lời sau đó, bị cáo Tuấn khẳng định có kế hoạch tuyển chọn cũng như giao nhiệm vụ cho Vũ rõ ràng, có định hướng phát triển công ty bình phong thành công ty có thương hiệu, có tiềm lực kinh tế. Lúc công ty chưa có đủ sức hoạt động nghiệp vụ thì xây dựng thương hiệu trước, khi lớn mạnh mới dùng công ty làm bình phong.
"Động cơ, mục đích mà các bị cáo trực tiếp ký nháy các văn bản đề nghị các đơn vị hỗ trợ công ty bình phong?", luật sư hỏi bị cáo Tuấn. Cựu trung tướng này nói không có mục đích tư lợi gì bởi "thời điểm đó hăm hở làm, hoàn toàn vì chuyên môn nghiệp vụ".
Về vấn đề góp vốn vào công ty bình phong Bắc Nam 79, bị cáo Nguyễn Hữu Bách (cựu phó cục trưởng Cục B61, Tổng cục V) lý giải đây là công ty bình phong được Bộ Công an sử dụng nên muốn có sự tham gia trên danh nghĩa để có thể sử dụng chính thức các công ty đó.
Trong diễn biến khác, chiều cùng ngày, bị cáo Bùi Văn Thành (cựu thứ trưởng Bộ Công an) đã nhận trách nhiệm như cáo trạng truy tố song đề nghị HĐXX xem xét nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án này và một số chi tiết được nêu trong cáo trạng để xử lý theo đường lối nhân đạo của Đảng, nhà nước.
Theo cáo buộc, Vũ "nhôm" đã lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục V để đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của 7 dự án nhà, đất công sản có diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông ở các vị trí đắc địa tại Đà Nẵng và TP.HCM không qua đấu giá, trái quy định pháp luật. Sau khi hai công ty bình phong được giao quyền sử dụng và tài sản tại những lô đất trên, Vũ "nhôm" đã chuyển sang mình đứng tên, người thân trong gia đình hoặc liên kết chuyển nhượng cho người khác, gây thiệt hại cho Nhà nước 1.160 tỷ đồng.Cơ quan tố tụng kết luận, hành vi nêu trên của Vũ "nhôm" đã phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3 điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt 10-15 năm tù. Là người ký các văn bản, đề nghị UBND TP.HCM, Đà Nẵng cho công ty bình phong của Vũ "nhôm" được nhận quyền sử dụng 7 khu đất có tổng diện tích 6.700m2 nhà và 26.800m2 đất, trị giá hơn 2.500 tỷ đồng, các ông Bùi Văn Thành (cựu thứ trưởng Bộ Công an), Trần Việt Tân (cựu thứ trưởng Bộ Công an), Phan Hữu Tuấn (cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, tức Tổng cục V, Bộ Công an), Nguyễn Hữu Bách (cựu phó cục trưởng) bị truy tố về hai tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. |
Theo VNE