Ví điện tử PayAsian vẫn “hứa hẹn” sau khi bị cảnh báo có dấu hiệu lừa đảo
Thứ tư, 06/11/2019, 17:04
Dư luận thời gian qua đã phản ánh người dùng ví điện tử không phép PayAsian hoạt động tại Việt Nam có nguy cơ bị “tiền mất tật mang”. Mới đây, Cổng thông tin Bộ Công an cũng đã chính thức phát đi cảnh báo về những dấu hiệu lừa đảo của ví điện tử này.
Cảnh báo từ cơ quan công an. (Ảnh: bocongan.gov.vn).
Có dấu hiệu lừa đảo
Theo cảnh báo của cơ quan công an, PayAsian xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2019 và được quảng cáo là ứng dụng ví thanh toán điện tử, có chức năng thanh toán trực tuyến mọi loại tiền tệ của các quốc gia trên thế giới.
Qua công tác xác minh và nắm tình hình của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), vào khoảng đầu năm 2019, một nhóm người do ông Nguyễn Mạnh Hùng (trú tại phường 3, quận 11, TP.HCM) là người đại diện pháp luật, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần PayAsian thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo quảng cáo, lôi kéo người tham gia đầu tư vào ví điện tử PayAsian.
Các buổi thuyết trình giới thiệu ví điện tử này có sự tham gia của các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng nhằm tạo uy tín và thu hút hàng nghìn nhà đầu tư tham gia. Theo lời quảng cáo, chỉ cần đầu tư mua đồng tiền ảo có tên là Paya ở trong ví, vài năm sau, người đầu tư sẽ nhận lãi lớn và đã có không ít người đặt niềm tin, gửi tiền tham gia vào ví thanh toán điện tử PayAsian.
Hình thức hoạt động của ví điện tử PayAsian được quảng cáo là sử dụng đồng tiền thanh toán có tên Paya, với tổng số lượng phát hành là 21 tỷ đồng Paya và quảng cáo sau 6 tháng sẽ tăng lên gấp 10, thậm chí là 20 lần hoặc nhiều hơn thế. Nhà đầu tư khi tham gia vào hệ thống sẽ được tiền thưởng giống như mô hình đa cấp kim tự tháp.
Qua xác minh trụ sở Công ty cổ phần PayAsian tại 137 Hoàng Văn Thụ (phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM), Ngân hàng Nhà nước hiện chưa cấp phép cho ví điện tử PayAsian, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương cũng chưa cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty cổ phần PayAsian.
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, ví điện tử PayAsian hiện chưa được cơ quan chức năng cấp phép, số tiền nạp vào ví điện tử PayAsian không thể sử dụng; các nhà đầu tư muốn rút tiền chỉ có cách bán Paya ảo cho nhà đầu tư khác trong nội bộ, tồn tại rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Hoạt động của Công ty cổ phần PayAsian có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan công an thông báo để người dân cảnh giác tránh bị đối tượng xấu lợi dụng. Những ai đã nạp tiền vào ví điện tử PayAsian có thể đến cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo hoặc cung cấp thông tin.
PayAsian “phản hồi”
Ngay sau cảnh báo của cơ quan công an được phát đi về dấu hiệu lừa đảo của ví điện tử PayAsian, một email “phản hồi” từ “bộ phận phụ trách truyền thông của PayAsian” được gửi tới người dùng.
Trên ứng dụng ví điện tử không phép PayAsian, một số mặt hàng được niêm yết giá bằng đồng tiền ảo Paya (ảnh chụp màn hình).
Theo nội dung, PayAsian cho biết sẽ ra mắt một cổng thanh toán - sàn giao dịch quốc tế Payasian.io vào ngày 29/11/2019 và hứa hẹn với “chiến lược mới, cộng đồng Payasian châu Á chắc chắn sẽ bùng nổ vào năm 2020 với xu hướng thanh toán không biên giới của Payasian”.
Nhìn chung, nội dung “phản hồi” không hề nhằm giải tỏa được thắc mắc, nghi vấn từ dư luận người dùng mà chủ yếu quảng cáo về kế hoạch phát triển đầy “màu hồng” của ví điện tử này càng khiến cho dư luận người dùng thêm nghi ngờ.
Một email khác cũng được gửi tới người dùng từ Hero Vu - Đồng sáng lập kiêm CEO của Payasian - còn vẽ ra một tương lai “trong 1 hoặc 2 năm tới khi cộng đồng Payasian phát triển trên 49 quốc gia châu Á và khi hệ sinh thái của Ecoworld lan rộng đến mọi khu vực châu Á, các nhà đầu tư Payasian sẽ trở thành triệu phú đôla”(?).