Chiều 17/12, bà Kolmakova Ekaterina Valerievna (vợ Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch AVG) cùng những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được TAND Hà Nội yêu cầu trình bày tại phiên xử vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Người phụ nữ nói tốt tiếng Việt, mang theo tập tài liệu và xin HĐXX được trình bày một vài điều về ông Phạm Nhật Vũ cũng như vụ án. Lúc này, cựu Chủ tịch AVG vắng mặt do gặp vấn đề sức khỏe.
Mở lời trình bày, bà Valerievna cho rằng ông Vũ là người duy nhất trong lịch sử các vụ án ở Việt Nam đã chủ động khắc phục toàn bộ hậu quả thiệt hại với số tiền lớn như vậy.
Khi sự việc xảy ra, bà chứng kiến ông Vũ không trốn tránh mà ở lại chịu trách nhiệm dù ông có nhiều cơ hội ở lại nước ngoài. Nhiều người cũng đã khuyên ông Vũ rời Việt Nam.
“Anh tâm sự rằng phải khắc phục để chứng minh mình không lấy tiền của người dân, của Nhà nước”, bà Valerievna nói và đồng ý cùng chồng giải quyết khó khăn.
Người phụ nữ chia sẻ chồng bà đã thành thật, ăn năn và động viên gia đình, vợ con phải khắc phục hậu quả. “Để trả lại tài sản, chồng tôi đã vay mượn rất nhiều”, bà nói.
Sau gần một năm gom tiền và đi vay mượn, ông Phạm Nhật Vũ đã trả lại toàn bộ số tiền gần 9.000 tỷ đồng đã nhận từ MobiFone. Đến nay, họ đang mang khoản nợ gần 1.000 tỷ.
"Thái độ, suy nghĩ dẫn đến việc làm đó có xứng đáng để được hưởng khoan hồng đặc biệt hay không?”, vợ bị cáo Vũ đặt câu hỏi.
Sau ít phút trình bày, bà Valerievna dịu giọng, hai bàn tay đan chéo nhau dựa vào mặt bàn. Bà nói Phạm Nhật Vũ là sợi dây duy nhất gắn kết bà với cuộc sống hiện tại.
Cho rằng bị cáo Vũ đã tích cực khắc phục hậu quả và thành khẩn khai báo, bà Valerievna mong muốn HĐXX cho bị cáo hưởng khoan hồng đặc biệt.
Cũng trong phiên tòa chiều nay, vợ của nhiều bị cáo liên quan đến vụ án cũng xuất hiện tại tòa.
Vợ ông Trương Minh Tuấn cho biết chồng bà không đưa 200.000 USD đã nhận của Phạm Nhật Vũ cho gia đình. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã nộp thêm 2 tỷ đồng cho cơ quan chức năng để giúp ông Tuấn khắc phục hậu quả. Trước đó, ông Tuấn cũng đã nộp 2,1 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại.
Vợ ông Tuấn mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho cựu bộ trưởng.
Trình bày sau đó, anh trai của ông Lê Nam Trà cũng cho biết gia đình đã nộp hơn 56 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do bị cáo gây ra. HĐXX thông báo số tiền ông Trà nhận hối lộ là 2,5 triệu USD. Tiền gia đình bị cáo đã nộp lớn hơn khoản chiếm đoạt.
Người thân cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone xin tòa xem xét trả lại số tiền thừa.
Bị cáo Phạm Nhật Vũ được cảnh sát dìu vào phòng xử án. (Ảnh: TTXVN). |
Cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố ông Phạm Nhật Vũ về tội Đưa hối lộ, quy định tại khoản 4, Điều 364 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù 12-20 năm.
Thương vụ thành công theo đúng mong muốn và có lợi nên Phạm Nhật Vũ đã đưa cho ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD; đưa ông Trương Minh Tuấn 200.000 USD; Lê Nam Trà 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải 500.000 USD.
VKS đánh giá quá trình điều tra, Phạm Nhật Vũ và các bị can bị truy tố tội Nhận hối lộ đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi.
Riêng ông Vũ, dù không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của MobiFone do hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra, trước khi vụ án khởi tố, cựu Chủ tịch AVG đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại gần 9.000 tỷ.
Ngoài ra, bị can Vũ cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi của 13 bị can còn lại nên VKS không đề nghị xử lý ông Phạm Nhật Vũ về hành vi này.
Quá trình điều tra hành vi đưa và nhận hối lộ, ông Vũ còn có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú, nhận thức rõ và ăn năn, hối lỗi về hành vi đưa hối lộ, tích cực khai báo giúp cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra.
Ông Vũ cũng có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngày 29/6, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo 6 tỉnh, thành phố có đơn đề nghị xét cho bị can Vũ được hưởng chính sách khoan hồng.
Với những căn cứ nêu trên, VKS đề nghị áp dụng đầy đủ, triệt để các tình tiết giảm nhẹ đối với bị can Phạm Nhật Vũ theo quy định.
Theo Zing