|
Một cơ sở của hệ thống Nhật Cường Mobile đóng cửa |
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc cung cấp tài liệu phục vụ công tác điều tra các vụ án liên quan tới Nhật Cường Mobile. Nội dung văn bản dựa trên cơ sở phối hợp với đơn vị liên quan tổng hợp, cung cấp theo yêu cầu từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Theo văn bản của UBND TP Hà Nội, trên cơ sở triển khai đạt yêu cầu đặt hàng của thành phố, phần mềm năm 2016 đã được Sở TT&TT ký kết hợp đồng số 68/2016/NHATCUONG-STTTT. Trong đó đã thực hiện: Cổng dịch vụ công trực tuyến; Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (7 nhóm dịch vụ công khai sinh và khai tử); Phần mềm ngành giáo dục (tuyển sinh đầu cấp, sổ liên lạc điện tử có kết nối, khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu dân cư của Công an TP Hà Nội). Sản phẩm và cơ sở dữ liệu hình thành thuộc bản quyền của thành phố, đến nay đã và đang thực hiện đúng lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống xã hội của người dân thủ đô.
Về các ứng dụng, dịch vụ theo hợp đồng 68/2016/NHATCUONG-STTTT, nhóm 7 dịch vụ công trực tuyến khai sinh, khai tử đã tiếp nhận, giải quyết hơn 661.700 hồ sơ trực tuyến và thực hiện cấp hơn 2,24 triệu bản sao (năm 2019, tỷ lệ thực hiện trực tuyến đạt 100%). Tổng số thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính theo dõi qua hệ thống hơn 9,7 tỷ đồng.
Đối với phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp và sổ liên lạc điện tử, hệ thống phần mềm sổ liên lạc điện tử được cung cấp miễn phí nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin giữa gia đình và nhà trường thường xuyên, giúp phụ huynh theo dõi được tình hình học tập của con em.
Trong công tác đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật triển khai, đường truyền dùng chung giai đoạn 2010-2015, mạng diện rộng của thành phố (WAN) được hình thành từ năm 2009 nhằm phục vụ ứng dụng giao ban trực tuyến trên địa bàn. Tính đến hết năm 2015, mạng WAN của thành phố triển khai tổng số hơn 700 kênh WAN và kênh Internet cho các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã trực thuộc.
Đến năm 2016 (giai đoạn 2016-2020), thành phố Hà Nội hoàn thành mục tiêu triển khai mạng WAN mở rộng và quy hoạch, gom toàn bộ hạ tầng cho hơn 1.300 điểm kênh WAN và Internet tại các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã trực thuộc. Đồng thời hình thành kênh dự phòng, kết nối trao đổi dữ liệu giữa 2 trung tâm dữ liệu của thành phố.
Ngoài ra, hạ tầng đường truyền còn hỗ trợ một số ứng dụng chung và triển khai mới như: khai thác cơ sở dữ liệu dân cư và duy trì cập nhật nhân khẩu; hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp; các dịch vụ công trực tuyến: ứng dụng ngành giáo dục, y tế và một số ứng dụng khác theo lộ trình xây dựng chính quyền điện tử.
Nhiều cán bộ liên quan bị khởi tố
Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Buôn lậu” và “Rửa tiền”, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software). Theo đó, cơ quan điều tra khởi tố 10 bị can về các tội trên, riêng Bùi Quang Huy - TGĐ Công ty Nhật Cường bị khởi tố cả 3 tội.
Đến ngày 29/11, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội và các đơn vị có liên quan. Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Tiến Học - nguyên Phó giám đốc Sở; Phạm Thị Kim Tuyến - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT) và Lê Duy Tuấn - GĐ kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh. Cơ quan điều tra cũng khởi tố bổ sung bị can đối với Bùi Quang Huy cùng về tội trên.
Theo Tiền Phong