Ông Phong và căn nhà giam giữ công nhân - Ảnh: Đỗ Trường |
Theo điều tra ban đầu của Công an Dầu Tiếng, cơ sở cưa xẻ gỗ do ông Phong làm chủ hoạt động khoảng từ năm 2010 đến nay, thường xuyên sử dụng từ 8-10 lao động, chủ yếu trong độ tuổi từ 16-18.
Hằng ngày ông Phong bắt công nhân (CN) thức dậy từ 4 giờ sáng để vệ sinh nơi ở và làm việc từ lúc 6 giờ đến 12 giờ trưa. Sau đó, CN chỉ được nghỉ trưa khoảng 1 giờ và tiếp tục làm việc cho đến 17 giờ (trường hợp tăng ca phải làm việc đến 19 giờ).
Để có được những CN vào làm việc, ông Phong móc nối với một số “cò" lao động, trả phí môi giới cao để tuyển dụng. Khi nhận người lao động từ "cò", ông Phong đưa họ vào trong một khu nhà được hàn kín bằng những khung sắt, sau đó giữ điện thoại không cho liên lạc với bên ngoài.
Quá trình làm việc tại cơ sở gỗ của ông Phong, CN bị giám sát 24/24 bằng camera, ban đêm bị nhốt vào trong nhà bằng khung sắt, không có nhà vệ sinh. Do vậy đa số CN chỉ chịu đựng một thời gian ngắn thì tìm cách bỏ trốn.
Thiếu tá Hồ Văn Dũng, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Dầu Tiếng cho biết, gần đây nhất vào ngày 26/5, CN Sơn Bồ Rót (25 tuổi, ngụ Sóc Trăng) bơi qua hồ Cần Nôm để bỏ trốn dẫn đến bị chết đuối.
Làm rõ động cơ, mục đích của việc phát tán tờ rơi
Tại buổi tiếp xúc với Công an H.Dầu Tiếng vào chiều qua, nhiều phóng viên các báo đặt vấn đề, trong quá trình xảy ra vụ việc có dấu hiệu bao che cơ sở ông Phong của Công an xã Thanh An (H.Dầu Tiếng).
Cụ thể, trên địa bàn huyện trong thời gian gần đây xuất hiện nhiều tờ rơi (được phô tô ra từ nội dung bài viết trên mạng, có ghép cùng với tấm danh thiếp phóng viên của một tờ báo đóng tại TP.HCM - PV), do một cán bộ công an xã "tung" ra có nội dung bênh vực cho ông Phong.
Thiếu tá Dũng cho biết: “Cho đến nay chúng tôi chưa thấy có dấu hiệu bao che của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ mở rộng điều tra để làm rõ động cơ, mục đích của việc phát tán tờ rơi. Làm rõ có hay không việc ông Phong thuê mướn người viết những nội dung này” - thiếu tá Dũng nói.
Theo Thanhnien