Lá đơn cầu cứu
Anh Phan Sĩ (SN 1988, quê Thừa Thiên - Huế, tạm trú xã Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM) trình bày, khoảng 23h30 ngày 12/8 anh chở vợ trên xe máy đi cùng nhóm bạn khoảng 6 người, trong đó có hai người bạn (một nam, một nữ) trên xe máy mang biển số 52 Y6 di chuyển theo hướng từ Phan Văn Hớn đi Cộng Hòa.
Khi đến khu vực ngã ba Phan Văn Hớn - Trường Chinh (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM), một xe tải mang biển kiểm soát 54L do tài xế Trần Văn Hay (SN 1992, 92/2 đường Trần Phong Sắc, phường 4, xã Tân An, Long An) điều khiển va chạm với xe máy bạn của Sĩ khiến chiếc xe hư hỏng nặng, hai người bạn của Sĩ bị xây xát nhẹ.
Thấy xe tải có dấu hiệu bỏ chạy, Sĩ cho xe vượt lên chặn đầu, yêu cầu tài xế xuống làm việc. Lúc này, tài xế cho xe lùi lại, anh Sĩ mới tiến tới mở cửa xe.
Tài xế vừa bước xuống thì một số người dân chứng kiến lao đến hăm dọa đòi đánh tài xế xe tải vì lý do gây tai nạn nhưng không dừng xe mà có dấu hiệu định bỏ chạy.
Đơn tố cáo của anh Phan Sĩ phản ánh bảo vệ dân phố phường Tân Thới Nhất, CSGT CA quận 12 đánh anh. |
Sau đó, qua thương lượng, tài xế xe tải đồng ý bồi thường thiệt hại vụ tai nạn một chỉ vàng đang đeo trên tay (theo lời tài xế trị giá 3 triệu đồng) cùng tiền mặt là 300.000 đồng, có sự chứng kiến của lực lượng bảo vệ dân phố và dân phòng phường Tân Thới Nhất.
Các bên thống nhất, chuẩn bị rút lui khỏi hiện trường thì một xe ô tô của CSGT CA quận 12 xuất hiện, trên xe có 3 người (hai người mặc sắc phục, một người mặc thường phục) yêu cầu giữ hiện trường.
Lúc này, anh Sĩ đứng trên vỉa hè thì một bảo vệ dân phố đến yêu cầu anh xuất trình giấy tờ, anh Sĩ không đồng ý vì cho rằng bảo vệ dân phố không có quyền kiểm tra giấy tờ. Lúc này người mặc thường phục trong nhóm CSGT bước sấn tới quát lớn: “Tao được không mày?”. Anh Sĩ hơi sợ nên bước lùi lại và nói: “Nếu anh không mặc sắc phục công an thì anh cũng không có quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân của tôi”.
Vừa dứt lời, người mặc thường phục và bảo vệ dân phố lao vào đánh anh Sĩ túi bụi và nói: “Mày chống người thi hành công vụ hả mày”. Anh Sĩ bị đánh đau nên la lớn: “Cứu, cứu. Công an đánh dân". Lúc này nhiều người dân sinh sống khu vực chạy ra xem sự việc. Thấy vậy, một CSGT mặc sắc phục trẻ nói: “Còng tay đưa nó về phường”.
Lúc này, anh Sĩ bị nhóm người đè nằm úp xuống mặt đường, sau đó bị còng tay rồi áp tải lên xe máy chở về trụ sở công an phường Tân Thới Nhất, cách đó vài trăm mét.
Anh Phan Sĩ với thương tích trên mặt (ảnh nhỏ) và hiện trường xảy ra TNGT. |
Về đến phường, anh Sĩ buộc ngồi xuống và bị còng chân lại. Anh năn nỉ xin mở còng tay vì cơ thể đau nhức nhưng không chấp nhận. Anh Sĩ cho biết: “Vài bảo vệ dân phố và dân phòng nói tôi là người cứng đầu nên tiếp tục đánh tôi bất tỉnh. Lát sau tỉnh dậy tôi thấy người mình ướt đẫm nằm trước sân công an phường. Bên cạnh tôi là một người đang cầm trên tay chiếc ca múc nước và điện thoại của tôi”.
Người này trả lại anh Sĩ chiếc điện thoại và bảo: "Về đi mày, cho mày về đó”. Anh Sĩ thều thào nói: “Mấy ông đánh tôi, toàn thân đau nhức, tôi không thể ngồi dậy được”. Tức thì có hai người khiêng anh Sĩ lên xe máy chở đi, lúc này anh Sĩ mê mệt nên không hay biết gì đến khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trước cổng trường Nguyễn Ảnh Thủ, giữa đường lộ, không có ai bên cạnh.
"Sau đó cũng có vài người chạy xe máy đến hỏi thăm sự việc nhưng không chở đi mà hứa sẽ đến cơ quan chức năng báo tin" - anh Sĩ kể lại.
Khoảng 20 phút sau, lực lượng CSCĐ tuần tra, đóng chốt gần khu vực đó biết tin nên điều xe ô tô đến và chở anh Sĩ đến một phòng khám đa khoa cấp cứu. “Lúc này, toàn thân tôi co giật, sức khỏe yếu, thở không nổi, cơ thể đau nhức, sau đó các bác sĩ phòng khám cho xe cấp cứu chở tôi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy”, anh Sĩ thuật lại.
Công an: "Không biết, không rõ"
Ngày 15/8, Thiếu tá Trần Văn Cảnh - Phó trưởng công an phường Tân Thới Nhất, cho biết: "Lúc đó khoảng 2h sáng 14/8, chúng tôi có nhận tin báo xảy ra vụ va chạm giao thông, sau đó có đánh nhau nên công an phường, bảo vệ dân phố có đến hiện trường".
Thiếu tá Cảnh thừa nhận công an có chở một người về nhưng do thấy anh này say xỉn quá nên không thể làm việc gì được, kể cả nắm thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ cư ngụ… Còn các vết đánh trên người này, anh Cảnh không biết.
Khi phóng viên đề cập, vụ việc không chỉ là va chạm giao thông mà có xảy ra đánh nhau, gây mất an ninh trật tự thì Thiếu tá Cảnh luôn nói “không biết”, “không rõ”, "không nắm được”.
Anh Sĩ chỉ nơi anh bị vứt nằm giữa đường lộ. |
Khi chúng tôi hỏi: “Ai là người đánh nhau?”, “lúc đưa người bị đánh về công an có lấy họ tên xe tải, xe máy, những người liên quan không?”,… thì được Thiếu tá Cảnh cho rằng đây là vụ va chạm giao thông nên giao cho CSGT quận xử lý.
Đại diện công an quận 12 khẳng định, lúc xảy ra tai nạn giao thông, nhận tin báo, lực lượng CSGT chỉ cử hai cán bộ là Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thanh Tùng xuống hiện trường xử lý, còn người mặc thường phục thì không biết là ai, không hề có người thứ 3.
Nhưng theo người dân chứng kiến và lực lượng bảo vệ dân phố, ngoài hai CSGT mặc sắc phục ngành thì có một người mặc thường phục, áo thun đen, dáng đậm người. Chính người này yêu cầu kiểm tra giấy tờ anh Sĩ nhưng anh Sĩ không đồng ý đưa ra, sau đó tham gia đánh anh Sĩ. "Có thể người này là lực lượng thanh niên xung kích theo hỗ trợ CSGT" - một dân quân chứng kiến cho biết.
Về vấn đề có hay không anh Sĩ bị lực lượng chức năng tiến hành còng tay đưa về công an phường, theo như lời bảo vệ dân phố là anh Phạm Mạnh Hùng thì "thấy anh ta có thái độ chống đối nên chúng tôi khống chế và có dùng một đoạn dây dù bản nhỏ để cột tay đưa về công an phường giải quyết, chứ hoàn toàn chúng tôi không sử dụng còng số 8".
Ngược lại câu trả lời của ông Hùng, những người chứng kiến và nạn nhân đều khẳng định, công an, bảo vệ dân phố, dân phòng, dân quân... dùng còng số 8 để còng tay ngược tay anh Sĩ về sau, áp giải đưa về trụ sở công an phường gần đó.
Liên quan đến vụ việc, anh Sĩ cho biết thêm, lúc mình bị đánh, bạn anh Sĩ có dùng điện thoại quay phim nhưng đã bị một CSGT giật lấy máy và xóa đi dữ liệu.
Theo VTCnews