Những sai phạm của chủ đầu tư trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và không hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước đang gián tiếp làm cho những người dân mua nhà tại dự án Đại Thanh chưa được cấp sổ đỏ.
Ông Nguyễn Thái Thụy, cư dân tại dãy biệt thự liền kề 6, khu đô thị Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho Zing.vn biết ông và nhiều người dân khác tại khu đô thị vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Ông Thụy kể ông mua lô đất liền kề trên trực tiếp từ Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) vào đầu năm 2014, đại diện hợp đồng là ông Lê Thanh Thản.
Giá chuyển nhượng cho lô đất diện tích 74,45 m2 khi đó là 29 triệu đồng/m2. Tổng giá trị chuyển nhượng lô đất là hơn 2,1 tỷ đồng.
Kể từ khi về ở, gia đình ông Thụy và toàn bộ người dân mua đất/biệt thự liền kề đều chưa được cấp sổ đỏ. Đáng nói, một số người dân mua đất từ sớm nhưng chưa xây nhà. Đến khoảng đầu năm 2017 đến nay thì họ không được phép xây dựng nữa.
Hầu hết biệt thự liền kề tại dự án Đại Thanh đều chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh: Hiếu Công. |
“Một số người dân xây nhà nhưng chính quyền địa phương không cấp phép, nếu đang làm thì yêu cầu ngừng thi công. Đáng chú ý, một số căn đang xây dựng cũng bị buộc phải tháo dỡ", ông Thụy cho biết thêm.
Ông Hồ Hải, một người dân khác tại khu biệt thự liền kề Đại Thanh, cũng cho biết gia đình ông thuộc diện may mắn khi xây được nhà dù chưa được cấp sổ đỏ. Theo đó, ông Hải phản ánh nhiều người dân đã mua đất từ chủ đầu tư, nhưng không thể xây dựng được nhà do chính quyền địa phương không cho phép.
Ông Hải cho biết thêm chính những sai phạm của chủ đầu tư trong việc chuyển đổi mục đích của dự án, chưa hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước nên bị lọt vào tầm ngắm của cơ quan chức năng. Theo đó, chính quyền địa phương vẫn chưa cấp sổ đỏ cho các lô đất liền kề của dự án. Sai phạm của chủ đầu tư đang gián tiếp làm cho người dân bị ảnh hưởng theo.
Trong kết luận thanh tra đầu tháng 3, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm tại dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (do ông Lê Thanh Thản làm giám đốc) là chủ đầu tư.
Theo kết luận, khu đất xây dựng dự án Đại Thanh có nguồn gốc là đất của Nhà nước cho Công ty gốm xây dựng Đại Thanh thuê từ năm 2000. Thời gian thuê 20 năm, tổng diện tích gần 128.000 m2.
Ngày 30/10/2009, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Thanh (Công ty gốm xây dựng Đại Thanh đổi tên) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát.
Đến ngày 26/7/2011, Công ty Hải Phát chuyển nhượng toàn bộ số vốn góp cho Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên để tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, tháng 1/2010, dự án Đại Thanh được UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho triển khai là dự án phát triển nhà ở. Tuy chưa hoàn thành các trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật nhưng từ năm 2012, dự án này đã được khởi công. Tại thời điểm thanh tra năm 2015, chủ đầu tư đã hoàn thiện 6 khối nhà chung cư, các căn hộ liền kề, các biệt thự và đã bán hết cho người mua.
Theo một số người dân, chủ đầu tư đã cố gắng chia nhỏ nhiều diện tích đất để phân lô, bán kiếm lời. Ảnh: Hiếu Công. |
Theo Thanh tra Chính phủ, đến hết tháng 3/2013, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Thanh chưa kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng dự án. Đến cuối tháng 12/2013, Công ty Hải Phát mới kê khai xác định số thuế phải nộp gần 1,4 tỷ đồng.
Đại Thanh đã không nộp tiền thuê đất, nợ tiền thuê đất và tiền phạt chậm nộp đến ngày 19/12/2013 tổng số tiền trên 35 tỷ đồng. Ngày 21/8/2013, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (kế thừa trách nhiệm các bên tham gia dự án) nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước 30 tỷ đồng. Số tiền trên đang giữ tại tài khoản tạm giữ của Chi cục Thuế huyện Thanh Trì.
Theo Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đã buông lỏng trong quản lý đất đai, xây dựng, dẫn đến doanh nghiệp có nhiều sai phạm. Còn đối với các vi phạm của các bên tham gia dự án, Thanh tra đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, xem xét dấu hiệu vi phạm hình sự tại dự án này.
Cư dân khu Đại Thanh cho hay quy hoạch khu đô thị so với ban đầu đã bị thay đổi nhiều theo hướng giảm bớt các công trình tiện ích chung của người dân.
Ông Thụy cho biết ban đầu chỉ có quy hoạch đến dãy biệt thự liền kề 6. Tuy nhiên hiện nay, các lô đất đã được chia nhỏ, bán thêm cho nhiều khách hàng và lên đến dãy liền kề 10. Ngoài ra, một số công trình chung của người dân như công viên cây xanh, khu vui chơi cho trẻ em đều bị phân lô, bán lại.
Ông Hải thì chia sẻ thêm thông tin khu vực được quy hoạch làm chợ cho người dân cũng bị chuyển công năng thành bãi đỗ xe cho tư nhân.
“Quy hoạch cả khu đã thay đổi rất nhiều kể từ khi chúng tôi chuyển về ở. Nhiều công trình công cộng không được xây dựng như cam kết ban đầu của chủ đầu tư”, ông Hải nói.
Việc mua đi bán lại những lô đất nền hiện nay là tương đối khó khăn. Ảnh: Hiếu Công. |
Khi được hỏi về việc chuyển nhượng các lô đất khi chưa được cấp sổ đỏ, ông Thụy cho biết là tương đối khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề chỉ khó khăn tại các lô đất chưa xây dựng. Nếu mua những lô đất này thì rất khó xây dựng vào thời điểm này, nên không ai mua.
Nếu mua những lô đất đã được xây dựng hoàn thiện thì có phần dễ dàng hơn. Một số người dân “rỉ tai nhau” việc chủ đầu tư sẽ hợp thức hóa sai phạm và người dân sẽ được cấp sổ đỏ bình thường.
Zing.vn đã liên hệ với Mường Thanh để tìm hiểu thêm về vấn đề. Tuy nhiên, một vị lãnh đạo giấu tên cho biết hiện chưa có bình luận về vấn đề này.
Theo Zing