|
Một khách hàng tố Công ty Kim Phát lừa tăng giá chuyển nhượng đất ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai |
Họ làm mọi cách để đưa khách hàng vào bẫy, rồi trốn tránh trách nhiệm, thậm chí thuê giang hồ đánh khách hàng.
Nâng giá bán
Tháng 5-2016, Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát (246 Lý Thường Kiệt, P.14, quận 10, TPHCM) ký hợp đồng tư vấn, môi giới bất động sản dự án khu dân cư thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) với Công ty cổ phần xây dựng địa ốc Long Kim Phát (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai).
Theo đó, Công ty Long Kim Phát sẽ thanh toán cho Công ty Kim Phát 12% phí môi giới tính trên tổng giá bán.
Nhưng thực tế, Công ty Kim Phát lại thay đổi tên dự án, nâng giá bán nền đất và ký với khách hàng các hợp đồng thỏa thuận dân sự chồng chéo để hợp thức hóa khoản tiền chênh lệch và không xuất hóa đơn cho khách hàng.
Cả hai đợt, Công ty Kim Phát phân phối được gần 100 lô đất, mỗi lô có diện tích từ 101 - 350m2.
Giá bán ban đầu chủ đầu tư đưa ra dao động từ 427 triệu đến 1,2 tỉ đồng/lô. Nhưng thực tế qua 27 hồ sơ cho thấy công ty này thu qua hợp đồng tư vấn với giá được nâng lên từ 82 - 213 triệu đồng/lô.
Đơn cử, tháng 7-2016, ông T.T.T. (Q.3) ký hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hai lô đất có diện tích 125m2, giá 523 triệu/lô.
Tuy nhiên, cả hai lô đất đều bị công ty này nâng giá bán lên 725 triệu, thu chênh lệch 202 triệu.
Theo quy định, Công ty Kim Phát phải xuất hóa đơn đóng 10% VAT trên tổng số tiền thu được từ việc phân phối hai lô đất nói trên khoảng 31 triệu.
Ngoài ra, Kim Phát còn phải nộp 20% thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 62 triệu. Nhưng Công ty này chỉ xuất phiếu thu nội bộ để “qua mặt” cơ quan thuế.
“Khi gặp chủ đầu tư, tui mới biết hai lô đất mình mua bị nâng giá cao gấp rưỡi giá gốc, yêu cầu công ty hoàn lại khoản tiền chênh lệch nhưng không được giải quyết” - ông T. nói.
Chỉ tính số tiền tư vấn 27 lô đất phân phối cho khách hàng, Công ty Kim Phát thu về khoảng 3,5 tỉ đồng.
Theo quy định, Công ty Kim Phát phải đóng khoản thuế VAT (10% tổng số tiền thu), 20% thuế thu nhập doanh nghiệp (bằng số tiền thu được đã trừ VAT).
Cộng hai khoản Công ty Kim Phát trốn thuế khoảng 954 triệu. Đó là chưa kể các khoản thuế thu nhập cá nhân.
Theo tìm hiểu, ngoài các dự án nêu trên, Công ty Kim Phát còn tiếp thị, phân phối một số dự án lớn như dự án The Mall City, huyện Đức Hòa và dự án khu dân cư Long Kim 2, huyện Bến Lức (Long An); dự án khu đô thị mới Phước An, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)...
|
Ngày 28-5, Công ty Việt Hưng Phát tập trung khách tại công viên Tao Đàn để đưa đến dự án ở Q.9 (TP.HCM) nhưng lại đưa khách đi dự chương trình mở bán dự án ở huyện Long Thành, Đồng Nai |
Bán dự án “vẽ”
Không chỉ trốn thuế, nhiều công ty môi giới bất động sản còn phân phối những dự án chưa đủ pháp lý mua bán.
Tháng 3-2017, ông Bùi Hồng Hiền (thị xã Thuận An, Bình Dương) ký hợp đồng góp vốn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty cổ phần đầu tư Việt Hưng Phát (gọi tắt là Công ty Việt Hưng Phát, ở Q.10, TP.HCM) hai lô đất cùng diện tích 102,5m2 tại dự án khu dân cư ở xã Đồi 61, huyện Trảng Bom (Đồng Nai), giá trị hai hợp đồng 1,6 tỉ đồng.
Ông Hiền chuyển cho Công ty Việt Hưng Phát tổng cộng 720 triệu nhưng công ty không chuyển hồ sơ pháp lý dự án cho ông.
Ông Hiền liên tục lên công ty đòi hồ sơ, phía công ty môi giới chỉ cho nhân viên ra tiếp và từ chối lập biên bản buổi làm việc.
Một tháng lên xuống, nóng ruột, đến ngày 25-5 ông Hiền cùng con trai và hai người em họ lên công ty yêu cầu làm việc, chờ ở quán cà phê đối diện thì bị một nhóm người lao vào đánh tới tấp.
Đến khi có công an đến, bắn súng chỉ thiên, nhóm đánh người mới bỏ chạy.
Ông Phạm Văn Dự - trưởng Công an phường 14 (Q.10) - cho biết do nhóm của Công ty Việt Hưng Phát đánh người có sử dụng dụng cụ hỗ trợ nên công an phường chuyển hồ sơ vụ việc lên công an quận điều tra xử lý.
Từ năm 2016, Công an phường 14 nhận được nhiều đơn khiếu nại cho rằng Công ty Việt Hưng Phát có hành vi lừa đảo khi phân phối đất tại các dự án. Ngoài ra, khách hàng của công ty này còn tụ tập tại trụ sở công ty để đòi quyền lợi.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Lê Hương Sơn (Công ty Lê Hương Sơn, trụ sở tại Đồng Nai) làm chủ đầu tư tại xã Đồi 61.
Cho đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai chưa có quyết định giao đất cho chủ đầu tư. Công ty Lê Hương Sơn đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đang xin ý kiến của Bộ Xây dựng về vị trí được chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Dù đang giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng ngày 16-12-2016 Công ty Lê Hương Sơn đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nền tại dự án cho Công ty Việt Hưng Phát.
Sau đó, Công ty Việt Hưng Phát mở bán, ký hợp đồng góp vốn chuyển nhượng với khách hàng.
Tương tự, sáng 28-5, Công ty Việt Hưng Phát tập trung khách tại công viên Tao Đàn (Q.1) để đưa đến tham dự chương trình mở bán dự án ở quận 9.
Trên đường đi, nhân viên cho biết dự án ở quận 9 gặp trục trặc, hoãn việc mở bán, khách hàng sẽ được chuyển xuống dự án Dragon (Long Thành, Đồng Nai).
Đến giờ mở bán, đội ngũ nhân viên môi giới hùng hậu liên tục thay nhau nói về các tiện ích, tiện nghi xung quanh dự án.
Trên sân khấu, MC thông báo số lô được đặt cọc. Phía dưới, nhân viên liên tục “xướng” lên sân khấu, thay nhau “đánh” vào lòng tham khách hàng.
Bị cuốn vào buổi mở bán bởi lời tung hứng liên hồi của nhân viên môi giới, nhiều khách hàng đã “xuống tiền”.
Nhưng khi được hỏi về giấy tờ pháp lý dự án, nhân viên môi giới mở một trang web bản đồ giải thích: “Dự án được phân lô thửa nên mới được cập nhật lên trang web, anh chị yên tâm về pháp lý, mua sẽ có sổ ngay à”.
Cài “chim mồi” để dụ khách Các công ty môi giới bất động sản có rất nhiều chiêu trò dụ khách. Đặc biệt trong các buổi mở bán luôn có lực lượng “chim mồi” trà trộn, tay cầm tiền và nhảy vào bàn tư vấn đặt liên tục hai, ba lô. Tháng 2-2017, ông Đ.T.T.K. (Q.3) được Công ty KP đưa đi xem dự án khu dân cư tại huyện Đức Hòa (Long An). Đến khi ông K. lên ký hợp đồng, nhân viên môi giới cho hay nền đất này có người khác mua nên yêu cầu ông đổi lô khác. Tiền cọc đã đóng, ông K. đành chấp nhận ký. Được thể, nhân viên môi giới “mồi chài” ông K. nhận chuyển nhượng thêm một lô với chiết khấu cao. Lúc đầu ông K. không đồng ý, nhân viên lập tức cho biết một tháng sau có thể bán lại nền. Lúc đó có một phụ nữ được nhân viên môi giới giới thiệu là khách quen, nhảy vào thúc ép ông K. mua hai lô cho dễ bán. Cuối cùng ông K. ký mua hai lô đất với giá gần 350 triệu đồng/lô. Hai tuần sau, ông K. nhờ công ty bán lại một lô như hứa hẹn ban đầu, nhân viên môi giới đưa nhiều lý do khác nhau để từ chối như bán không được giá cao, khó bán, đợi công ty có đợt mở bán sẽ bán... |
Theo TTO