Tiềm năng lớn với quỹ đất dồi dào
Hiện nay, TP.HCM đang dần trở thành một “siêu đô thị” với hơn 13 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc quỹ đất, cơ sở hạ tầng đang dần trở nên quá tải.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển về hạ tầng đô thị, các nhà đầu tư bất động sản đã đổ xô về các dự án tại khu Nam và khu Đông TP, khiến cho quỹ đất tại các khu vực này ngày càng trở nên khan hiếm hơn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, cách đây mấy chục năm, khi định hướng quy hoạch phát triển, người Pháp không lựa chọn khu Đông hay khu Nam như bây giờ, mà lựa chọn phát triển TP.HCM về phía Tây Bắc theo hướng Hóc Môn, Gò Vấp, Củ Chi.
Lý do bởi đây là vùng đất cao, được cấu tạo từ đất phù sa cổ nên vô cùng vững chắc.
15 năm trước, lãnh đạo TP cũng đã xây dựng quy hoạch khu đô thị Tây Bắc thành khu đô thị vệ tinh của TP nhằm mục tiêu phát triển kinh tế và giãn dân.
Theo quy hoạch ban đầu, Khu đô thị Tây Bắc rộng khoảng 6.000ha và có thể mở rộng thêm 3.000ha nữa, nằm trên các xã Tân Thới Nhì của huyện Hóc Môn và Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội, Phước Hiệp, thị trấn Củ Chi của huyện Củ Chi.
Hàng loạt khu công nghiệp cũng được chủ trương xây dựng tại nơi đây, có thể kể đến như Khu công nghiệp Xuyên Á, Khu công nghiệp Tây Bắc... Ngoài việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, các khu công nghiệp này còn góp phần kéo dân cư về sinh sống, làm việc.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khu Tây Bắc vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ đúng như kỳ vọng. Nhiều dự án bất động sản chỉ sau một thời gian thăm dò, lên kế hoạch đều không thể triển khai, tất cả đều đến từ việc hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội vẫn chưa được phát triển mạnh các khu vực khác của TP.
Cụ thể, Quốc lộ 22 là một phần của con đường Xuyên Á, kết nối nhiều nước trong khu vực nhưng lại quá nhỏ và lại thắt cổ chai ở huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Điều này khiến cho việc đi lại, giao thương buôn bán trở nên khó khăn hơn so với nhiều khu vực khác.
Hạ tầng giao thông chưa phát triển là nguyên nhân chính khiến cho khu vực Tây Bắc TP.HCM chưa thể phát triển như kỳ vọng |
Tương tự là đường tỉnh lộ 9, con đường huyết mạch của huyện Củ Chi, nối từ đường Lê Văn Khương (quận 12) đi Củ Chi qua cầu Phú Cường đến TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương).
Dù là khu vực có nhiều xe tải đi chuyển thường xuyên, nhưng nhiều đoạn đường ở nơi đây chỉ rộng 5 – 6m. Mỗi khi 2 xe tải đi ngược chiều nhau, các phương tiện khác như xe máy, xe đạp phải né sát vào vệ đường.
Tương tự, tỉnh lộ 8 cũng là con đường huyết mạch của huyện Củ Chi nối liền Long An – TP.HCM và tỉnh Bình Dương, nhưng sau gần 10 năm thực hiện, dự án nâng cấp mở rộng đường cho đến hiện tại vẫn chưa xong.
Được biết, tỉnh lộ 8 có chiều dài 6,8km, rộng 20m, được phê duyệt từ năm 2008, thời hạn thực hiện dự án từ quý 3-2008 đến quý 4-2009.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại vẫn còn nham nhở, chắp và, mặt đường lồi lõm, nhiều ổ gà, thậm chí nhiều đoạn vẫn còn nguyên hiện trang ban đầu vì chưa giải phóng xong mặt bằng.
Hệ thống hạ tầng đang được đẩy mạnh
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, thời gian qua, TP đã và đang đầu tư nhiều dự án lớn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu Tây Bắc như mở rộng quốc lộ 22, đường Phan Văn Hớn, tỉnh lộ 9, tỉnh lộ 8...
Hiện tại, một trong những công trình trọng điểm đang được gấp rút thi công là nút giao thông An Sương (quận 12).
Khi được đi vào sử dụng, công trình này sẽ giúp trục đường huyết mạch từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông, miền Tây và ngược lại, cũng như từ trung tâm TP.HCM về huyện Củ Chi được thông thoáng.
Được biết, công trình nút giao thông An Sương là hầm chui đôi, gồm 1 hầm cho các loại xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Chinh đi quốc lộ 22 và 1 hầm lưu thông chiều ngược lại. Mỗi hầm rộng 9 - 9,5m có 2 làn xe, kể cả xe siêu trường, siêu trọng lưu thông với vận tốc 50km/giờ. Với tổng mức kinh phí đầu tư 514 tỷ đồng, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 8/2018.
Cũng theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, hiện Sở đã thẩm định xong dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 9 (đoạn từ cầu Rạch Tra đến tỉnh lộ 8) huyện Củ Chi theo hình thức PPP (hợp đồng BT) và đang chờ UBND TP.HCM phê duyệt. Theo đó, tổng chiều dài tuyến đường nâng cấp khoảng 5,76km, thuộc công trình cấp 2, tốc độ thiết kế 60km/giờ. Dự kiến thời gian thi công trong 2 năm 2017-2019 với tổng mức đầu tư 1.047 tỷ đồng.
Tại khu vực quận 12, UBND TP.HCM cũng đã đồng ý cho xây dựng 2 công trình giao thông trọng điểm kết nối với trung tâm TP.
Cụ thể, dự án dự án đường Vườn Lài, cầu Vàm Thuật ở mặt đất sẽ kết nối với phường 13, quận Bình Thạnh; dự án đường trên cao số 4 sẽ đi trên cao đường Vườn Lài kết nối với đường Thái Sơn, quận Gò Vấp.
TP cũng đã kiến nghị được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý xây dựng tuyến đường trên cao số 5 từ nút xoay An Lạc kết nối với nút giao Xa Lộ Hà Nội – Quốc lộ 1A (đoạn khu Công Nghệ Cao, quận 9).
Đặc biệt, vừa qua, Tập đoàn Tuần Châu của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển đã đề xuất dự án đại lộ ven sông Sài Gòn, được thực hiện theo hình thức BT.
Theo ông Lê Hoàng Châu, đây là một ý tưởng rất tuyệt vời, TP nên cho phép triển khai để kích thích phát triển khu Tây Bắc.
Với những hệ thống hạ tầng nói trên, có thể nói, trong tương lai không xa, khoảng cách giữa khu Tây Bắc với trung tâm thành phố sẽ thông suốt và rút ngắn thời gian. Đây chính là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực này.
Chuyên gia Trần Khánh Quang, Giám đốc công ty Việt An Hòa cũng cho rằng, chỉ cần cởi những nút thắt về hạ tầng, chắc chắn khu Tây Bắc TP.HCM sẽ có những bước phát triển vượt bậc trong tương lai.
Theo đánh giá của ông Quang, do khu vực này có một vùng đệm về nông nghiệp, đồng thời cũng là nơi cung cấp nước chính cho cả TP.HCM, nên việc phát triển về các mô hình bất động sản, đầu tư nên theo hướng xanh, thân thiện với môi trường. Đây là một điều khá khác biệt so với nhiều khu vực khác của TP.HCM trong quá trình phát triển.
Theo Đất Việt