Vấn đề được đẩy lên cao khi tại nhiều nơi, người dân căng băng rôn phản đối chủ đầu tư.
Vào cuối năm 2014, nhiều cư dân tại chung cư Skylight (đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết ban quản lý tòa nhà đã thu tiền nước sinh hoạt với giá 8.435 đồng/m3. Trong khi đó, mức giá theo quyết định của UBND TP.Hà Nội thời điểm đó chỉ 4.172 đồng/m3.
Theo người dân, sau khi chủ đầu tư giải thích phải chịu giá nước kinh doanh do chưa hoàn chỉnh hồ sơ, nhiều người đã làm và nộp theo yêu cầu để được ký hợp đồng với công ty kinh doanh nước sạch. Tuy nhiên, ban quản lý vẫn trì hoãn việc ký hợp đồng khiến cư dân chịu thiệt.
Không riêng nước, giá điện mà ban quản lý áp cho cư dân từ khi mới đến ở cũng bằng giá kinh doanh với mức 2.495 đồng/kWh. Đặc biệt ban quản lý không xuất hóa đơn cho cư dân. Tại thời điểm đó, giá điện sinh hoạt cho các hộ thông thường theo quy định của Bộ Công Thương được tính theo bậc thang, dao động 1.418-2.420/kWh.
Mâu thuẫn về giá điện, nước xảy ra tại không ít chung cư ở Hà Nội. Ảnh minh hoạ: Lê Hiếu. |
Tại một chung cư khác là Westa (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông), vào tháng 9/2015, nhiều hộ dân phản ánh vẫn chưa được kí hợp đồng trực tiếp với ngành điện dù chuyển về ở được gần một năm. Theo đó, người dân phải mua điện với giá 2.250 đồng/kWh (mức giá cao nhất của điện sinh hoạt) từ ban quản lý chung cư này.
Năm 2014, cư dân tại khu đô thị Dream Town (quận Nam Từ Liêm) cũng cho biết phải trả tiền điện với mức 2.044 đồng/kWh, tương đương với bậc 3 trong số 6 bậc tính giá điện của Nhà nước. Không chỉ tiền điện, những hộ dân tại chung cư này còn được chủ đầu tư thông báo về việc tính phí hao mòn và bảo trì hệ thống ống nước vào giá bán nước sinh hoạt.
Đầu năm 2017, một số người dân tại dự an The Golden An Khánh (huyện Hoài Đức) phản ánh vấn đề chủ đầu tư đang thu giá nước sinh hoạt ngang bằng với giá sản xuất. Theo đó, người dân phải trả giá nước là 8.110 đồng cho 10m3 nước đầu tiên, từ m3 thứ 11 là 9.969 đồng.
Ngoài ra, chủ đầu tư thu thêm khoản 8% bao gồm 3% phí hao hụt và 5% phí sửa chữa đường ống. Như vậy, nếu cộng thêm khoản 8% phí thu thêm, tiền nước sẽ là 8.759 đồng cho 10m3 đầu tiên và 10.767 đồng cho m3 thứ 11 trở lên. Trong khi đó, giá nước sinh hoạt của thành phố Hà Nội là khoảng 6.000 đồng cho 10m3 đầu tiên và khoảng 7.000 đồng cho 10m3 tiếp theo.
Vào năm 2010, nhiều người dân tại chung cư Kinh Đô Building (93 Lò Đúc) phải kêu cứu vì chủ đầu tư cắt điện của người dân. Nguyên nhân là một số hộ dân nợ đọng không chịu trả tiền sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt cho ban quản lý toà nhà.
Người dân lại phản ánh phải mua điện với giá cao hơn quy định của Nhà nước. Vì vậy, để phản đối, nhiều người đã không đồng ý đóng tiền điện, yêu cầu được mua điện với giá sinh hoạt. Sự việc kéo dài dẫn tới chủ đầu tư cắt điện của cư dân. Ngay sau khi tạm ngừng cung cấp điện cho 3 hộ nợ đọng đầu tiên, thì một người dân nợ đọng tiền sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt đã cùng nhau tổ chức căng băng rôn trước sân nhà chung cư 93 Lò Đúc.
Gần đây nhất, cũng tại một dự án của Kinh Đô TCI vào đêm 14/7, hàng trăm cư dân sinh sống tại chung cư The Capital Garden đồng loạt căng bạt, băng rôn phản đối sai phạm của chủ đầu tư vì việc tự ý cắt điện. Chủ đầu tư cắt điện với lý do yêu cầu nhiều hộ dân hoàn thành các khoản phí điện, nước, dịch vụ với ban quản lý.
Người dân tại chung cư C14 Bắc Hà tập trung phản đối chủ đầu tư. Ảnh: Hiếu Công. |
Người dân cho rằng chủ đầu tư chưa bàn giao hồ sơ để họ có thể mua điện trực tiếp từ Điện lực Đống Đa, thay vì Kinh Đô TCI. Do đó, một số người dân phải đóng mới mức giá Kinh Đô đưa ra, không có hóa đơn. Do đó, nhiều hộ dân đã phản đối bằng việc không đóng tiền điện, nước.
Trước đó, đầu năm 2017, hàng trăm hộ dân tại chung cư C14 Bắc Hà (Trung Văn, Nam Từ Liêm) cũng tập trung căng băng rôn, phản đối chủ đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư tiến hành cắt nước của một số hộ dân để dòi tiền nước, điện và phí dịch vụ.
Người dân cho rằng không thể mua điện, nước từ trung gian là chủ đầu tư. Ngoài ra, họ cũng phản đối ban quản lý (thành lập bởi chủ đầu tư) lúc bấy giờ nên cương quyết không đóng các khoản phí dịch vụ.
Theo Luật Nhà ở, nhà chung cư khi bàn giao cho người sử dụng phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ngoài ra, chủ đầu tư phải có trách nhiệm ký kết hợp đồng cung cấp điện và nước sạch đối với các đơn vị như công ty điện lực và công ty nước sạch tại địa phương.
Như vậy, việc người dân phải chịu mức giá kinh doanh đối với điện và nước sạch có trách nhiệm không nhỏ của chủ đầu tư dự án.
Người dân tại chung cư Capital Garden bị chủ đầu tư cắt điện vào đêm 14/7. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng cho rằng việc đầu tư điện nước và ban giao lại cho điện nước, công ty nước sạch là nghĩa vụ của chủ đầu tư. Hệ thống điện, nước phải được làm và bàn giao giống như hệ thống giao thông, thoát nước, vỉa hè, chiếu sáng…
Ông Châu nhấn mạnh nếu chủ đầu tư chậm trễ trong việc hỗ trợ người dân làm hợp đồng cung cấp điện, nước sạch với công ty điện nước, công ty nước sạch thì phải tự chịu khoản chênh lệch về giá bán. “Chủ đầu tư không thể bắt người dân chịu khoản chênh lệch như vậy”, ông Châu nhấn mạnh.
Theo Zing