Các báo dẫn số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy cả nước đã có 47 dự án đăng ký xin chuyển qua nhà ở xã hội tính đến cuối tháng 5 vừa qua. Hầu hết các dự án tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội với 21 dự án và TP.HCM với 23 dự án.
Chưa dừng lại ở đó, liên tiếp 2-3 dự án quy mô cả ngàn căn hộ tại khu vực phía Bắc được khởi công xây dựng hồi cuối tháng 5 và đầu tháng 6 như củng cố thêm niềm tin cho người thu nhập thấp rằng chưa lúc nào họ được quan tâm như lúc này.
Song liệu người thu nhập thấp có mua nổi nhà giá thấp hay không là một câu chuyện khác. Ở đây chỉ nhìn vấn đề ở góc cạnh giá bán và những thủ tục tiếp cận căn hộ loại này.
Được biết để tham gia vào gói tín dụng hỗ trợ, doanh nghiệp đia ốc phải tính toán làm sao đưa giá bán căn hộ về mức 12 triệu đồng/mét vuông (như yêu cầu của Sở Xây dựng TP.HCM). Những dự án nhà ở thương mại phải có giá bán dưới 15 triệu đồng/mét vuông và diện tích dưới 70 mét vuông.
Một dự án căn hộ thuộc phấn khúc trung bình tại quận 12, TP.HCM. |
Vấn đề hiện nay là làm thế nào để người dân có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ để mua nhà. Gần một tháng trôi qua kể từ khi được phép giải ngân gói 30.000 tỉ đồng, người đi vay và cả người cho vay vẫn còn đang lúng túng trong mớ thủ tục xét duyệt đối tượng cho vay. Mặc dù đã có hướng dẫn, Bộ Xây dựng chuẩn bị ban hành “hướng dẫn của hướng dẫn” nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, giúp sớm giải ngân gói 30.000 tỉ đồng.
Mấu chốt vấn đề vẫn nằm ở giá bán căn hộ. Các chủ đầu tư chuyển phân khúc đã xác định giảm bớt lợi nhuận kỳ vọng để bán được hàng, giải quyết hàng tồn kho. Chỉ có điều đường nào cũng phải giảm giá căn hộ, tại sao các doanh nghiệp lại không chọn phương án giảm giá bán trực tiếp, thay vì chuyển sang nhà ở xã hội cho lằng nhằng thủ tục.
Thực tế cho thấy nhiều dự án có giá bán xoay quanh mức 12 triệu đồng/mét vuông vẫn bán tốt mặc dù người mua không có hỗ trợ lãi suất 6%. Với phương án giảm giá trực tiếp, người mua dễ dàng tiếp cận căn hộ mình muốn, mà người bán cũng không bị ràng buộc về thủ tục. Bởi một khi đã tham gia nhà ở xã hội, việc mua bán phải thông qua một hội đồng xét duyệt, chứ không phải mua bán sao cũng được, mà đã có xét duyệt là có rắc rối.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng không thể giảm giá hơn được nữa vì đã sát giá thành xây dựng căn hộ. Hơn nữa việc giảm giá sẽ làm mất mặt, ảnh hưởng tới hình ảnh của dự án. Nếu đã xác định trong kinh doanh, chuyện lãi lỗ là bình thường, vậy tại sao họ không giảm giá, thậm chí chấp nhận cắt lỗ để nhanh chóng giải quyết hàng tồn kho, thay vì cố gằng bấu víu vào điều gì đó.
Điều gì sẽ xảy ra nếu người mua nhà không hào hứng với nhà ở xã hội bởi thủ tục xét duyệt rắc rối? Các doanh nghiệp sẽ bán hàng ra sao khi lượng khách hàng phải trông chờ vào danh sách xét duyệt của cơ quan chức năng?
Sở Xây dựng TP.HCM đã khẳng định không có chuyện dùng ngân sách để mua nhà, nghĩa là không có chuyện bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, các doanh nghiệp phải tự ký hợp đồng với người mua.
Lấy gì đảm bảo doanh nghiệp địa ốc sẽ không tồn kho nhà ở xã hội? Việc chạy từ phân khúc này sang phân khúc kia chưa hẳn sẽ giải quyết được vấn đề hiện nay.
Theo TBKTSG