Không cứu được thị trường bất động sản
Thưa ông, liệu gói kích cầu 30.000 tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản có hứa hẹn làm ấm thị trường đang ảm đạm không?
Tất cả các loại nhà thuộc dạng phổ thông là nhà ở Hà Nội, TP.HCM trị giá khoảng 1 tỷ đồng, nhà ở các tỉnh thành có giá khoảng 500 - 600 triệu đồng. Loại nhà này là phân khúc mà thị trường đang có nhiều người tìm mua. Bây giờ có nhiều căn hộ chung cư đang ở mức giá 1,3 tỷ đồng nhưng không bán được. Nếu các doanh nghiệp hạ giá xuống 1 tỷ đồng thì người mua sẽ quay trở lại. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên hỗ trợ theo nguyên tắc, đối với những loại nhà trên, doanh nghiệp nào có nhà và có người mua thì người mua đó được vay tín dụng theo quy chế này.
Nhưng nếu như vậy, các ngân hàng thương mại sẽ không mặn mà cho vay vì lợi nhuận thấp mà rủi ro cao?
Các ngân hàng thương mại cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng sẽ được ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn lại. Gói hỗ trợ này phát huy hiệu quả như thế nào là phụ thuộc vào sức mua của người dân. Tuy nhiên, gói hỗ trợ sẽ không thể cứu được thị trường bất động sản bởi vì nhà ở xã hội không kích được thị trường.
Theo tôi, chúng ta nên có một chút thay đổi trong đối tượng của gói hỗ trợ là ở các thành phố lớn thì áp dụng cho nhà giá 1 tỷ đồng, còn ở các tỉnh thành là 500 - 600 triệu đồng. Các ngân hàng cứ theo lộ trình đó mà cho vay. Ngoài ra, công việc này cần được tiến hành đến hết năm 2015, tức là trong vòng 3 năm liên tiếp.
Thực tế, nhà ở xã hội dành cho đối tượng là người có thu nhập thấp nhưng tiêu chí phân biệt hiện nay chưa rõ ràng. Ông nghĩ sao về điều này?
Nói về tiêu chí phân biệt nhà ở cho người thu nhập thấp hay cao thì đây là một việc làm không dễ vì thị trường giá cả mỗi nơi mỗi khác. Ở các thành phố lớn, giá nhà ở xã hội có thể là 1 tỷ đồng nhưng ở các vùng quê chỉ khoảng vài trăm triệu đồng. Vì thị trường bất động sản mang đặc điểm riêng theo địa bàn cho nên chính sách cũng phải phù hợp theo từng địa bàn.
Nên có quỹ nhà cho người có thu nhập thấp thuê
Vậy chúng ta cứ quan niệm nhà ở xã hội là phân khúc nhà dành cho người thu nhập thấp liệu có hợp lý không, thưa ông?
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn cứ nghĩ nhà thu nhập thấp là nhà ở xã hội nhưng không hoàn toàn như vậy. Nhà ở xã hội do Nhà nước xây để cho những người không gia cư, những người thu nhập thấp không thể mua được nhà mới là nhà ở xã hội đúng nghĩa.
Còn các loại nhà khác mà tôi gọi là nhà ở dạng phổ thông tức là loại nhà phù hợp với sức mua của đa số những người làm công ăn lương, công chức cũng như các đối tượng khác có thể mua trả góp trong vòng 10-15 năm vẫn nên coi là nhà thương mại giá rẻ.
Nhưng gói hỗ trợ chỉ cho vay với đối tượng mua nhà xã hội có thực sự hợp lý không, thưa ông?
Thực tế cho thấy, đối với người thu nhập thấp hiện nay, họ cũng không có điều kiện để mua nhà. Theo tôi, chúng ta cần tạo điều kiện cho ai cũng có nhà ở chứ không phải ai cũng có đủ điều kiện để sở hữu nhà ở.
Như ở các nước khác thì nhà xã hội, nhà dành cho người thu nhập thấp là do Nhà nước đứng ra xây dựng để cho người có thu nhập thấp có thể thuê với giá rẻ. Nếu xây nhà để thương mại hóa thì những người thu nhập thấp khó lòng mua được, họ chỉ có thể thuê nhà thôi.
Tôi đã từng thấy một mô hình nhà ở do Nhà nước xây dựng bên Malaysia. Mỗi khu nhà như vậy được chia làm 3 loại. Loại dành cho người thu nhập thấp, giá bán bằng nửa giá xây dựng. Loại dành cho người thu nhập trung bình, giá bán tương đương với giá xây dựng. Và loại dành cho người thu nhập cao, giá bán gấp rưỡi giá xây dựng. Như vậy, cái nọ bù cái kia và Nhà nước sẽ không phải bù lỗ.
Ông có quan ngại gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ tạo ra lợi ích nhóm, có lợi cho ngân hàng sân sau của các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản?
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ thiết lập những hợp đồng quan hệ tay ba giữa ngân hàng, người vay và doanh nghiệp bán nhà. Cam kết này sẽ khẳng định số tiền do ngân hàng chuyển trả để mua căn nhà đó được thế chấp tại ngân hàng và ngân hàng cho vay sẽ theo dõi căn nhà. Nếu như ở các địa phương có những tổ chức như quỹ phát triển nhà ở thì quỹ này sẽ đóng vai trò trung gian giữa ngân hàng và người vay.
Do đó, tôi đề nghị bổ sung nội dung, những địa phương nào có quỹ phát triển nhà ở, thì địa phương đó nên gắn với các ngân hàng thương mại và phát huy vai trò trung gian trong việc thẩm định cũng như các quy trình thực hiện. Nói về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Nhà nước có chủ trương đúng nhưng quy trình, đối tượng, cách làm cần rà soát, hoàn thiện lại và lộ trình nên kéo dài đến hết 2015 chứ không nên làm thời gian ngắn.
Xin cảm ơn ông!
Theo NĐT