Từ đỉnh Everest tới những chiếc đồng hồ đắt nhất thế giới

Thứ bảy, 02/06/2012, 10:23
Trong một phân xưởng lộng gió tại trung tâm mua sắm Kathmandu, nơi lui tới của những người giàu có và nổi tiếng ở Nepal, hai người thợ thủ công lành nghề đang lắp ráp những chiếc đồng hồ đắt đỏ nhất thế giới.


>> Nathan Lee diện đồng hồ kim cương 2 tỷ đồng
>> Đồng hồ hình rắn của Thủy Tiên: 3.529.800.000 đồng 
>> Sốc nặng với đồng hồ "khủng" giá 104,1 tỷ VNĐ

 


Ang Namgel và Lakpa Thundu tại phân xưởng của mình.

 

Đối với Namgel và Thundu, thế giới phức tạp của việc làm ra những chiếc đồng hồ chính xác là cách để tránh xa khỏi cuộc sống trước đây của họ khi những người Himalaya chỉ đường này luôn làm việc trong tình trạng đe dọa tính mạng.

Công việc bấp bênh của họ đã thay đổi sau khi hướng dẫn hết mình cho hai nhà thám hiểm người Anh Ranulph Fiennes và Michael Kobold, người sáng lập ra công ty sản xuất đồng hồ Kobold có trụ sở tại Anh và từng chinh phục đỉnh Everest với vợ mình vào năm 2010.

"Namgel đã cứu tôi hai lần" - Kobold nhớ lại việc hai người đàn ông Himalaya này đã cứu họ tiến gần đỉnh Everest như thế nào.

Cảm động trước sự giúp đỡ của Namgel và Thundu, Kobold đã quyết định mang tới một việc làm an toàn hơn cho họ theo đề nghị của Fiennes.

Năm 2008, Fiennes đã quan sát hai người đàn ông Himalaya nhìn Kobold, người mang theo đồ nghề và các linh kiện để lắp ráp một chiếc đồng hồ tại trại Everest.

"Họ đã rất tò mò và thích thú trước chiếc đồng hồ" - Fiennes nói. "Lúc đó ý nghĩ Mike có thể dạy họ cách làm đồng hồ đã lóe lên trong đầu tôi".

Kobold đưa Namgel và Thundu tới Mỹ - nơi họ cùng gia đình ở lại trong một năm tại Pittsburgh và được tập huấn với mức trợ cấp hơn 300.000 USD để làm ra những chiếc đồng hồ cao cấp "Made in Nepal" (Sản xuất tại Nepal).

Một phiên bản với 25 chiếc đồng hồ Nepal sẽ bao gồm những viên đá nhỏ được nhặt từ đỉnh Everest và được bán với giá 16.500 USD.

Namgel và Thundu nhớ lại một năm "thay đổi" tại Mỹ, khi họ nhớ nhà và phải học đủ những kiến thức của khóa học 2 năm chỉ trong vòng 10 tháng.

"Ban đầu học làm đồng hồ tại Mỹ rất khó bởi vì với một chiếc đồng hồ cơ học như vậy mọi thứ cần phải hoàn hảo" - Namgel nói.

"Tuy nhiên làm nghề dẫn đường như trước kia còn khó khăn hơn nhiều lần. Chúng tôi phải mang theo nhiều thứ và không sử dụng bình oxy cho tới khi leo lên độ cao 8.000m. Mọi người đều nói chúng tôi có những chiếc phổi lớn và một trái tim lớn hơn người bình thường. Vì thế so sánh với việc đó, làm đồng hồ không quá khó khăn."

Namgel, 27 tuổi và Thundu, 38 tuổi đã lần lượt leo lên đỉnh Everest 7 và 9 lần.

Tuy nhiên những kinh nghiệm mà họ có được vẫn không làm người bớt lo lắng mỗi lần họ bắt đầu một hành trình mới.

"Tôi có một cháu gái và Thundu có hai cháu trai và gia đình chúng tôi rất lo lắng về công việc chúng tôi từng làm bởi vì nó quá nguy hiểm," Namgel nói.

"Chúng tôi cảm thấy may mắn vì chúng tôi không phải trèo lên đỉnh núi nào nữa. Chúng tôi thích leo núi nhưng tôi không muốn làm gia đình lo lắng thêm."

Những linh kiện để làm đồng hồ sẽ được chuyển từ xưởng của Kobold ở Mỹ tới và việc lắp ráp sẽ được hoàn thành tại Nepal.

Namgel và Thundu sẽ sử dụng thương hiệu của Kobold nhưng việc kinh doanh hoàn toàn độc lập, họ không phải trả phí chuyển nhượng bản quyền và giữ lại toàn bộ lợi nhuận.

Kobold ước tính họ sẽ phải bán được 2 chiếc đồng hồ trong một tháng để đủ sống và dành chút tiền để phát triển công việc kinh doanh.

Kobold tin rằng cuộc sống đầy mạo hiểm và áp lực của những người dẫn đường trước kia sẽ giúp ích cho Namgel và Thundu trong công việc mới của họ.

"Họ là những người thợ làm đồng hồ giỏi...đôi tay họ không bị run và rất vững vàng...Đó chính là lợi thế khi lắp ráp những chiếc đồng hồ cơ học với hàng trăm chi tiết nhỏ," Kobold nói.


Theo vietnamnet

Các tin cũ hơn