Tâm sự xúc động: Cô giáo vùng cao chưa một lần đưa con đi khai giảng

Chủ nhật, 09/09/2012, 15:04
Con trai lớn của mình học lớp 9, năm nào cũng là học sinh giỏi. Có lần cháu bảo: “Cô giáo con bảo chưa thấy ba mẹ đi họp phụ huynh bao giờ? Toàn thấy bà nội đi họp cho thôi”. Con trả lời: “Ba mẹ con bận lắm vì ba mẹ con là giáo viên vùng cao mà”.
Lại một mùa khai giảng nữa mình có mặt ở vùng cao - mảnh đất Nậm Mười với biết bao khó khăn, thiếu thốn, nhọc nhằn. Mới đó mà đã 15 năm trôi qua, mình đã là cô giáo cắm bản lâu nhất ở mảnh đất này, một cô giáo vùng cao đúng nghĩa.

Ngày 5/9 cũng là ngày khai giảng đầu tiên của con trai thứ hai của mình. Năm nay, bé vào lớp 1. Giống như chín lần khai giảng của cậu con trai đầu, cả hai vợ chồng mình đều không có ở nhà để đưa con đi khai giảng. Nhìn những học trò vui vẻ, háo hức được cha mẹ dẫn tới trường, mình lại thấy thương và nhớ các con. Nhưng công việc là vậy, biết làm sao được? Nhiều lúc mình cứ nghĩ đó có phải là thiệt thòi của giáo viên vùng cao?
 
Năm học này, mình lại được phân công giảng dạy lớp 1, không hiểu đó có phải là cái duyên không mà hơn chục năm qua mình đều là cô giáo lớp 1. Vất vả lắm, bởi học sinh nơi đây không sõi tiếng Kinh, phải dạy các em từ cách đi đứng, chào hỏi đến cầm phấn, cầm bút...
 
HS biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày khai giảng .
 
Mấy ngày đầu nhận lớp mình cũng nản nhưng rồi nghĩ học trò như con mình, lại thiếu ăn, thiếu mặc... thương các em nghèo khó mà cố gắng. Học sinh của 3 khu Khe Lo, Bó Sưu và Làng Cò cùng nhau về đây học tập. Em xa nhất nhà cách trường cũng đến sáu, bảy cây số. Các em còn nhỏ, việc đi lại rất khó khăn vì phải lên dốc, xuống đèo, qua khe, qua suối. Ngày đầu tiên, cứ chiều đến là có mấy em học sinh cầm túi quần áo đòi xin về. Mình hỏi:
 
- Nhà xa thế tại sao các em lại muốn về?
 
- Cô cho em xin về tắm.

Thế rồi ngày nào cũng thế, mình tắm cho hơn hai chục học sinh, giặt hai chậu quần áo đầy. Được cô giáo tắm gội cho sạch sẽ, học sinh vui lắm, thoải mái và siêng học, tỷ lệ học sinh ra lớp và chuyên cần đạt 100%.

 
Tại đây các em được ăn cơm đổi bữa có thịt, trứng, rau nên học sinh thích tới trường, phụ huynh yên tâm gửi con. Nhiều lúc nhìn học sinh lại chạnh lòng nhớ con. Đồng nghiệp cứ trêu: "Con mình không chăm đi chăm con thiên hạ”. Nhưng mình lại nhủ lòng, mình thương con người ta thì sẽ có nhiều người khác thương con mình.
 
Có lẽ thế mà hai cậu con trai của mình đều ngoan và khỏe mạnh. Con trai lớn của mình học lớp 9, năm nào cũng là học sinh giỏi. Tuy không gần con nhưng mình luôn theo sát từng bước đi của con. Ngày con học Tiểu học, tối nào mình cũng học bài cùng con qua điện thoại bàn. Ai cũng bảo: “Nhà này dạy con học từ xa”.

Lên THCS, kiến thức cao hơn thì mình động viên con tự học và tìm tài liệu. Là con trai nhưng cháu sống rất tình cảm, hiểu được sự vất vả của cha mẹ. Có lần cháu bảo: “Cô giáo con bảo chưa thấy ba mẹ đi họp phụ huynh bao giờ? Toàn thấy bà nội đi họp cho thôi”. Con trả lời: “Ba mẹ con bận lắm vì ba mẹ con là giáo viên vùng cao mà”.

 
Thương các con bao nhiêu, mình lại thương học trò nghèo khó của mình bấy nhiêu. Ngày hôm qua giữa trời nắng chang chang có một học sinh mặc áo len, khi hỏi ra mới biết rằng em chỉ có hai bộ quần áo mà giặt chưa khô. Mình về tìm được một bộ quần áo của con mang sang cho em mặc.
 
Giáo viên ở đây rất tâm huyết với nghề, nhưng con đường lên trường sao còn quá gian nan. Năm trước, có giáo viên trẻ mới nhận công tác trên này. Lần nào lên trường đi xe máy cũng bị ngã nhưng ngã rồi lại dậy, lại tiếp tục cuộc hành trình.

Em bảo: "Chị ơi, lần nào lên trường xe máy của em cũng bị rơi mất một bộ phận, không biết rơi ở đâu nữa". Nghe em nói thật mà như đùa, trong lòng mình dâng lên nỗi xót xa, thương đấy, cảm thông đấy mà không biết làm thế nào?
 
  Máy xúc đưa giáo viên qua suối lũ - Ảnh: Internet
 
Tuần trước, cơn bão số 5 ập tới. Gió lốc, gió giật ầm ầm trên mái nhà, cây cối đổ ngổn ngang. Một số nhà dân bị tốc mái, nhà bị sập... Tấm lợp bên trường học bay loảng xoảng xuống sân trường.

Tiếng chuông điện thoại reo: "Thầy cô ơi, nhà thầy cô có làm sao không? Nhà em tốc hết mái rồi, phải sang trú tạm nhà bác”. Mình thấy giọng em nghẹn lại, chưa kịp nói gì thêm thì điện thoại mất sóng. Trong cơn mưa bão đầy sợ hãi lại cảm thấy ấm lòng vì được sự quan tâm của học sinh, mặc dù chính trong lúc này gia đình các em đang gặp nạn làm mình rất xúc động.

 
Mưa bão ầm ầm một lúc rồi tạnh hẳn. Tại sân trường, cột cờ gãy đổ, mái phòng ở của học sinh bị tốc gần hết, chăn màn học sinh ướt sạch. Đầu tuần, khi các đồng nghiệp đi tới bờ suối thì gặp lũ ống, cây cầu tạm của người dân bản Mười bị cuốn đi.

Ngày thường, muốn lên được trường khi đi qua địa phận xã Sơn Lương, giáo viên phải qua bản Mười, ở đó có hai chiếc cầu tạm bắc qua hai con suối, với mỗi lượt đi về là 5.000 đồng. Những ngày mưa lũ, cầu bị cuốn, dân làm cầu mới thì mỗi lượt đi về là 20.000 - 30.000 đồng. Nếu không có cầu, phải thuê người dân ở đó xỏ đòn vào khiêng là 50.000 - 80.000 đồng một xe máy. 
 
       Khiêng xe qua suối lên trường .   

Hôm ấy, mưa bão không có cầu mà nước không rút, các giáo viên không biết làm thế nào để về được nhà, chờ ba tiếng đồng hồ thì có một máy xúc. Thế là một phương án mới táo bạo và liều lĩnh mở ra.

Cho người ngồi vào gàu máy xúc, xe máy thì lấy dây chằng thật chặt xuống bên dưới, máy xúc đưa cả người và xe từ bờ bên này sang bờ bên kia, một lượt là 20.000 đồng.

Có lẽ trên dải đất này, các giáo viên trường mình đi dạy học kiểu có một không hai. Thương các đồng nghiệp hàng ngày phải đi về vất vả, nhất là trong những ngày mưa bão, con đường đất nhiều vũng bùn đặc quánh đi lại gặp muôn vàn khó khăn. 

Một năm học mới lại về, nhận được sự quan tâm của các cấp, sự đóng góp trong sự nghiệp trồng người của vợ chồng mình cũng đã được ghi nhận trong mình dâng lên nhiều cảm xúc, tin tưởng và hy vọng vào năm học mới nhiều thành công.

 
Theo GDVN

Các tin cũ hơn