Mở tiệc cưới phải có giấy kết hôn: Khó và phiền!

Thứ ba, 04/12/2012, 10:08
Để tránh đám cưới giả: Lý lẽ không vững. Nếu đám cưới phải có giấy chứng nhận kết hôn thì tiệc sinh nhật cũng phải trình giấy khai sinh?
Vừa qua, Sở VH-TT&DL TP HCM họp lấy ý kiến đóng góp của hơn 60 doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng tổ chức tiệc cưới tại các quận nội thành về cách tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn công nhận cơ sở, nhà hàng tiệc cưới văn hóa 2012-2015. Trong tiêu chuẩn về văn minh - lành mạnh - tiết kiệm có nội dung: cơ sở, nhà hàng chỉ tiến hành tổ chức tiệc cưới khi có giấy chứng nhận kết hôn (CNKH).
 
Sau cuộc họp trên, phóng viên đã lấy ý kiến của người dân và các nhà hàng. Phần lớn các ý kiến được hỏi đều cho rằng nội dung này không phù hợp với thực tế.
 
Đòi giấy CNKH là vô lý
 
Anh Phạm Đức Hạnh (huyện Hóc Môn) rất ngạc nhiên với tiêu chí trên. Anh phân tích, pháp luật hiện hành không có quy định nào là phải có giấy CNKH rồi mới được tổ chức đám cưới. Nếu công dân tổ chức tiệc cưới không vi phạm điều cấm thì không hề vi phạm pháp luật.

Nghĩa là người dân có quyền tổ chức đám cưới, sống chung với nhau, miễn là không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Đám cưới chỉ là một thủ tục mang tính truyền thống chứ không phải là một thủ tục pháp lý.

Nhiều người cưới nhau, sống chung nhưng vì nhiều lý do không muốn đăng ký kết hôn hoặc chờ khi có con mới đăng ký kết hôn… “Pháp luật không cấm thì việc một đơn vị, tổ chức nào yêu cầu phải có giấy CNKH rồi mới được tổ chức đám cưới là rất vô lý, không chấp nhận được” - anh Hạnh nói.

 
Còn anh Nguyễn Văn Hậu (quận 9) thì cho rằng việc nhà hàng đòi xuất trình giấy CNKH sẽ khiến khách hàng có cảm giác đang bị kiểm tra hành chính, tạo tâm lý không thoải mái. Nhà hàng là một đơn vị kinh doanh chứ không phải đơn vị quản lý nhà nước để có quyền kiểm tra giấy tờ của khách hàng.

Hơn nữa, không phải khách hàng nào cũng muốn công khai thông tin cá nhân khi tổ chức tiệc cưới. (Ví dụ trường hợp hai vợ chồng quá chênh lệch tuổi tác nên họ không muốn nhiều người biết…). “Để đỡ khoản thủ tục, giấy tờ rắc rối, tôi nhất định sẽ chọn nhà hàng nào không đòi hỏi giấy CNKH để tổ chức tiệc cưới” - anh Hậu cho biết.

 
cuoi.jpg - 38.82 KB

Khó cho doanh nghiệp
 
Tại buổi góp ý của đại diện các nhà hàng kinh doanh tiệc cưới, nhiều doanh nghiệp đều cho rằng nên thực hiện. Tuy nhiên, khảo sát trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp đều phản ứng và không mấy thiện cảm đối với vấn đề trên.

Bà Phạm Ngọc Bích Vân (Trưởng phòng nhận tiệc nhà hàng Đông Phương 2, quận Tân Bình) cho biết nhà hàng chỉ là nơi để tổ chức tiệc cưới, không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên không có quyền yêu cầu khách hàng phải trình giấy CNKH. “Nếu đám cưới phải có giấy CNKH thì tiệc sinh nhật cũng phải trình giấy khai sinh?” - bà Vân đặt vấn đề. Bà Vân cho rằng nếu hỏi đến các giấy tờ này, chắc chắn khách hàng sẽ khó chịu.

 
Về giả thuyết nhằm tránh đám cưới giả, bà Vân cho biết đám cưới thường có hàng chục bàn tiệc, cô dâu, chú rể phải tốn hàng trăm triệu đồng nên không ai dại gì tốn từng ấy tiền để làm đám cưới giả.

Trong khi đó, nhiều cặp vợ chồng đã lớn tuổi có con cái đề huề cũng muốn tổ chức lễ cưới để kỷ niệm (vì lúc trẻ gia đình kinh tế khó khăn nên chưa có đám cưới). “Một gia đình hạnh phúc như vậy đến tổ chức đám cưới thì việc đòi hỏi phải có giấy CNKH có ý nghĩa gì? Và thật vô lý nếu phải hỏi họ về điều đó” - bà Vân nhận xét.

 
Đồng quan điểm, chị Uyên (Trưởng phòng Kinh doanh khách sạn Park Royal, quận 3) cho biết khách sạn này tiếp nhận khá nhiều cặp vợ chồng mà vợ hoặc chồng là người nước ngoài nên họ thường tổ chức lễ gặp mặt ở Việt Nam, sau đó mới sang nước ngoài tổ chức đám cưới.

Theo chị Uyên, giấy CNKH chỉ là căn cứ pháp luật để xác thực hai người là vợ chồng trước pháp luật để khi xảy ra tranh chấp thì có thể căn cứ vào tờ giấy đó để xử lý. Còn khách đến dự tiệc chẳng ai quan tâm cô dâu và chú rể đã đăng ký kết hôn chưa. Nhiều khách hàng thích chọn ngày tốt để cưới nhưng nhiều khi chọn được ngày cưới sớm hơn ngày lấy giấy CNKH. “Chẳng có ai vì những lý do đó mà không nhận tổ chức đám cưới cho họ cả” - chị Uyên nói.


Tiêu chuẩn văn minh, lành mạnh, tiết kiệm:
 
- Cơ sở, nhà hàng chỉ tiến hành tổ chức tiệc cưới khi có giấy CNKH (10 điểm).
 
- Có sổ sách ghi nhận việc thực hiện văn minh tiết kiệm trong đặt tiệc cưới của cán bộ, công chức và người dân (5 điểm).
 
- Tổ chức tiệc cưới phải đảm bảo đúng giờ, trang trọng, lành mạnh, không lãng phí thời gian của khách dự tiệc. Có biên tập chương trình cho người dẫn chương trình (10 điểm).
 
- Khuyến khích tổ chức các hoạt động nghệ thuật phục vụ nghi thức tiệc cưới mang tính dân tộc; âm thanh vừa đủ nghe, không mở quá lớn (5 điểm)…
 
(Trích Tiêu chuẩn cơ sở, nhà hàng tổ chức tiệc cưới văn hóa giai đoạn 2012-2015 - UBND TP.HCM, ban hành ngày 25-9-2012)
 
Chỉ vận động, không bắt buộc!
 
Việc tổ chức một đám cưới đúng pháp luật là cần thiết. Trong quá trình vận động người dân sống và làm việc theo pháp luật cần có sự tham gia của các chủ nhà hàng trong vấn đề cưới hỏi. Các nhà hàng cần có những cách thực hiện sáng tạo để không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh cũng như khách hàng.
 
Theo tôi, nhiều khách hàng sẵn sàng chấp nhận một vài điều kiện để được tổ chức tại các nhà hàng có đầy đủ các yếu tố văn minh, lịch sự, tiết kiệm, có văn hóa. Mỗi năm ban chỉ đạo của cuộc vận động sẽ tổ chức đi kiểm tra hai lần, nhà hàng nào đạt tiêu chuẩn thì sẽ được trao bằng chứng nhận.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn đặt ra là mang tính tự nguyện, không bắt buộc các nhà hàng đăng ký tham gia. Việc thực hiện có giấy CNKH chỉ là một trong bảy nội dung của tiêu chí văn minh - lành mạnh - tiết kiệm. Nếu doanh nghiệp không thực hiện được nội dung về giấy CNKH mà vẫn hoàn thành đầy đủ các nội dung còn lại thì vẫn đủ điểm để công nhận nhà hàng văn hóa…

 
Ông LÊ QUANG VINH, Trưởng phòng Văn hóa - Gia đình

Theo GDVN

Các tin cũ hơn