Tâm thư về việc "trục xuất" Phật bà "hiển linh"

Thứ ba, 04/12/2012, 08:21
"Mục đích của sự việc là để kinh doanh Phật kiếm tiền, chớ đâu phải để mọi người có điều kiện đến chiêm ngưỡng lễ bái..."- kiều bào Phật tử của tỉnh Phú Yên tại hải ngoại viết trong tâm thư phản đối "trục xuất" Phật bà "hiện linh" ra khỏi chùa Thanh Lương.
Sau khi Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Yên ký quyết định khai trừ Đại đức Thích Quảng Ngộ, nguyên trụ trì chùa Thanh Lương, nhiều ý kiến cho rằng đây có phải là nguyên nhân của việc đại đức và Phật tử không đồng ý chuyển tượng “Phật bà bỗng ngoi lên đáy đại dương” ra khỏi chùa?
 
Để rộng đường dư luận, PV xin trích đăng lại tâm thư của những kiều bào Phật tử Phú Yên tại hải ngoại cách đây 4 năm.
 
Gửi thầy Thích Nguyên Đức - Phó Trưởng ban thường trực Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Phú Yên.
 
Là những người con ở phương xa, nhưng tâm hồn của chúng tôi luôn hướng về quê cha Đất Tổ.
 
Vừa qua, chúng tôi có đọc được công văn số 095 của Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên ghi ngày 21 tháng 12 năm 2007. Dưới ký tên Phó Trưởng ban thường trực: Hoà thượng Thích Nguyên Đức. Nội dung của công văn là xin phép chính quyền cho di dời pho tượng Quan Âm Bồ tát tại chùa Thanh Lương ra khu du lịch Sao Việt tại Gành Ông, xã An Chấn, thôn Mỹ Quang (Khu du lịch còn nằm trong dự án).
 
Trước tiên, chúng tôi xin được trao đổi với thầy Thích Nguyên Đức trụ trì chùa Hồ Sơn - TP. Tuy Hoà, người đã thay mặt Giáo hội Phú Yên đứng ký công văn này.
 
Pho tượng Quan Thế Âm Bồ tát bằng gỗ được Ban Hộ tự và Ngư dân Phật tử chùa Thanh Lương vớt đem về vào ngày 24 tháng 12 năm 2004
 
Thưa thầy Thích Nguyên Đức! Công văn số 095 do thầy viết và ký, hay do ai đó viết sẵn và đưa cho thầy ký, chúng tôi không cần biết. Nhưng chắc chắn rằng, thầy sẽ là người chịu trách nhiệm trước Lịch sử Phật giáo Phú Yên khi thầy đã đóng dấu và ký tên.
 
Chúng tôi xin kể về xuất xứ Pho tượng cho thầy được rõ:
 
Pho tượng Quan Thế Âm Bồ tát bằng gỗ được Ban Hộ tự và Ngư dân Phật tử chùa Thanh Lương vớt đem về vào ngày 24 tháng 12 năm 2004. Những người vớt pho tượng này gồm 5 người. Pho tượng được chuyên chở bằng thuyền và thúng.
 
Hiện nay, những người này đều còn ở thôn Mỹ Quang. Xin lưu ý là Ngư dân Phật tử, chớ không phải là Ngư dân như thầy đã viết trong công văn.
 
Pho tượng Phật Quán Thế Âm được thỉnh về chùa Thanh Lương thôn Mỹ Quang, dưới sự chứng kiến của các cấp chính quyền địa phương và toàn thể dân chúng trong làng, sau đó, Sở Văn hoá và Bảo tàng tỉnh Phú Yên có cử cán bộ ra khảo sát và cuối cùng đồng ý với thầy trụ trì Thích Quảng Ngộ cùng ban hộ tự và toàn thể đồng bào Phật tử để lại tại chùa từ đó đến nay.
 
Pho tượng gỗ cao 2,2 m, ngang 0,6 m, hình thể đứng trên con Rồng. Hai tay Ngài vì ngâm dưới nước lâu nên bị hầu biển ăn mất hình dạng, nhưng vẫn còn tưởng tượng ra được. Pho tượng nặng 74kg.
 
Thưa thầy Thích Nguyên Đức! 
 
Thầy đứng trên cương vị Lãnh đạo Phật giáo Phú Yên mà thầy lại viết: "Nhân dân đã đưa tạm vào chùa Thanh Lương của thôn để thờ cúng".
 
Phật phát hiện ở đâu thì thỉnh về chùa gần đó. Xưa - nay đều làm vậy hợp lý vô cùng, đưa vào chùa chớ có phải đưa vào chợ, vào tiệm, vào quán đâu mà thầy bảo đưa ’tạm’.
 
Chùa Thanh Lương trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nằm trong đơn vị Phật giáo tỉnh Phú Yên, huyện Tuy An mà thầy lại bảo Chùa của thôn Mỹ Quang...??? Hay là thầy viết như vậy để mọi người đồng tình với thầy là đưa tượng Phật đi. Bởi vì chùa của thôn thì Ngài không xứng đáng ở lại?
 
Kế tiếp, trong công văn có viết: Đây là hiện tượng tâm linh đặc biệt, Quán Thế Âm hiện linh về đất Phú Yên. Theo quan niệm của Giáo hội: Phật hiện vào đâu thì thờ cúng tại nơi linh nghiệm nhất của vùng đất đó và sẽ tạo được sự yên ổn cho chúng sanh và quê hương.
 
"Theo Quan niệm của Giáo hội" - Giáo hội nào, thưa thầy? Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay là Giáo hội Phật giáo Phú Yên? Hay là một Giáo hội nào khác?
 
Nếu thầy đứng trong một Giáo hội nào khác thì chúng tôi không bàn cãi. Còn Giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Yên thì trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đâu có quan niệm này.
 
 
Thầy có thực tu thực chứng để biết được rằng nơi linh nghiệm nhất của một vùng đất là ở đâu không? Mà nếu đã là nơi linh nghiệm nhất thì còn thờ thêm làm gì cho dư hả Thầy??????
 
Hiện tượng Phật bà đang được thờ tại Chùa Thanh Lương (Phú Yên)
 
Tượng Phật đang thờ tự ở chùa Thanh Lương được mọi người gần xa quy ngưỡng. Những bậc Hoà thượng Trung ương Giáo hội cũng đã về chiêm bái. Nhiều Tăng Ni khắp nơi, trong và ngoài nước cũng đã về quan chiêm và ghi nhận.
 
Vậy mà Thầy còn làm một công việc: "Qua thời gian trao đổi xem xét, chọn lựa địa điểm " - chọn lựa địa điểm để di dời Ngài. Di dời ở đâu không dời, lại dời ngay vào khu dự án Du lịch, để biến tượng Phật thành nơi "trang điểm  cho khu du lịch Sao Việt. Thầy còn bảo rằng: "để cho tất cả  bá tánh thập phương đến chiêm ngưỡng".

Không lẽ .... Phật ở chùa thì bá tánh thập phương không đến chiêm ngưỡng??? Cửa Từ Bi luôn mở rộng mà Thầy. Tất cả các ngôi chùa trên toàn quốc đều mở rộng cửa để đón khách thập phương vào lễ bái.
 
Tượng Phật nếu được đặt trong khu du lịch, thì sự Tồn - Vong , Hưng - Thịnh của Thánh Tượng đều phụ thuộc vào Công ty. Thầy tính toán sao mà lạ vậy?
 
Một ngôi Chùa dù lớn dù nhỏ thì ngàn năm vẫn không dời đổi. Còn một Công ty thì sự tồn tại được bao lâu? Nếu Công ty đó kinh doanh không hiệu quả thì không lẽ chúng ta lại di dời pho tượng Phật đi một lần nữa. Chưa kể rằng Công ty đó mua bán thay tên đổi chủ.

Người Chủ sau không còn thích pho tượng đặt ở đó thì sao hoặc là Công ty đó kinh doanh đa ngành nghề: -  một khu Điện thờ Quan Âm mà xung quanh đó là Casino, trò chơi, giải trí, cảm giác mạnh, tụ điểm nhạc sống, khu ăn nhậu ầm ĩ thì không biết rằng đức Phật ở trong khu Điện thờ đó có cảm giác như thế nào ??? Nơi đó có còn là nơi tôn nghiêm không? Hay là... để cho du khách thoả mãn tính hiếu kỳ...?

 
Cho dù Công ty Sao Việt có dành bao nhiêu đất để xây khu Điện thờ đi nữa thì đây cũng coi như là "một dự án thành phần trong tổng thể quy hoạch của dự án du lịch" mà thôi. Chớ đây đâu phải là phần đất của Giáo hội. Người ta cũng có thể thu hồi lại nếu Công ty kinh doanh không hiệu quả, nếu Công ty tuyên bố phá sản, hoặc thay đổi mục đích sử dụng.
 
Chắc chắn đây là một sự việc có vấn đề mà bất kỳ ai nhìn vào cũng có thể thấy rõ được.
 
Trong Công văn có viết:" Nhà đầu tư và Tỉnh hội nhất trí dành một phần kinh phí để hoàn tất chùa Tổ tại trụ sở Tỉnh hội và trùng tu chùa Thanh Lương".
 
Theo tinh thần Công văn nêu rõ: "Khu Điện thờ Quan Âm kinh phí xây dựng khoảng 10 tỷ đồng do công ty New City và Công ty TNHH Sao Việt ủng hộ". Mà sao ở đây còn có Nhà Đầu Tư nào nữa? Đã là Nhà Đầu Tư thì đây rõ ràng là mục đích kinh doanh.

Nếu không muốn nói rõ hơn là chuyện: "Buôn Thần Bán Thánh". Kinh phí xây dựng điện thờ là 10 tỷ đồng, còn kinh phí nào "dành một phần" để hoàn tất chùa Tổ và trùng tu chùa Thanh Lương, và "một phần" đó là bao nhiêu???? Điều này thật sự mơ hồ.
 
Chúng tôi quyết liệt phản đối chuyện này, mà chắc chắn toàn thể Phật tử khắp nơi cũng vậy. Không lẽ Phật tử không đủ sức đóng góp để hoàn tất chùa Tổ, hay trùng tu chùa Thanh Lương, để Thầy Nguyên Đức phải ký văn bản đem tượng Phật ra khu du lịch đổi lại là "Nhà Đầu Tư" dành chút ít tiền sửa chữa chùa Tổ và chùa Thanh Lương.
 
Sự đóng góp của những nhà hảo tâm để xây dựng Tam Bảo điều đó đáng trân trọng. Nhưng với mục đích kinh doanh hoặc trao đổi thì không ai có thể đồng tình được.
 
Giả sử không có chuyện tượng Phật di dời ra khu du lịch thì "Nhà Đầu Tư" có phát tâm đóng góp để hoàn tất chùa Tổ và trùng tu chùa Thanh Lương hay không?
 
Kính thưa Thầy Phó trưởng ban thường trực Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên!
 
Thầy lại làm thêm một cái bánh vẽ cho chùa Thanh Lương là "chùa Thanh Lương sẽ được uỷ quyền quản lý khu Điện thờ này". Nhưng "riêng tiền cúng dường của bá tánh sẽ được mở kiểm kê hằng tháng có sự chứng kiến của Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên, Tỉnh hội sẽ dành phần lớn tiền thu được để đảm bảo việc bảo quản, duy tu và hoạt động của Điện thờ, một phần xung vào công quỹ của Giáo hội".
 
Thầy giao cho chùa Thanh Lương giữ Điện thờ như một ông Từ giữ Đền. Đây là công việc "Tăng Sai" sao?
 
Việc xây chùa xây tháp mà tính đến chuỵên "để bá tánh thập phương cúng dường tiền" rồi đem chia nhau làm việc này, việc nọ... Mục đích của sự việc là để kinh doanh Phật kiếm tiền chớ đâu phải để mọi người có điều kiện đến chiêm ngưỡng lễ bái...
 
Xin ngưỡng nguyện mười phương chư Phật gia hộ cho Thầy được chuyển Tâm.
 
Chúng tôi cũng có đôi lời đến với Công ty TNHH du lịch Sao Việt.
 
Chúng tôi rất hoan nghênh ý tưởng kinh doanh về việc làm góp phần làm giàu đẹp cho quê hương và đất nước của công ty. Nhưng chúng ta không nên kinh doanh Thần thánh cho dù dưới bất kỳ hình thức nào.

Nếu quý vị muốn xây dựng một khu du lịch Tâm linh thì còn rất nhiều cách (nhiều Công ty khác đã làm như: Phan Trần - Định An - Đà Lạt; Đại Nam - Bình Dương... ). Hãy tạo nên từ cái Không thành cái Có, chứ đừng lấy từ chỗ khác đắp lại chỗ mình (chỗ mình thì đẹp lên còn chỗ của người khác thì xấu đi). Nếu kinh doanh như vậy chắc chắn sẽ không hiệu quả và đặc biệt là về vấn đề sự nhạy cảm của tôn giáo, tâm linh.
 
Các vị có thể góp phần xây dựng chùa Tổ hay là chùa Thanh Lương cũng như các ngôi chùa khác với một sự thành kính hảo tâm. Điều đó vô tình sẽ gây được tiếng tốt giúp ích rất nhiều đến việc kinh doanh của các vị...
 
Chúng tôi cũng xin gửi lời chúc sức khoẻ đến các cấp chính quyền và đề nghị dưới sự lãnh đạo sáng suốt của quý cấp hãy công tâm trong vấn đề nhạy cảm này.
 
Chúng tôi rất mong chư Tăng Ni và Phật tử toàn tỉnh Phú Yên cất lên tiếng nói của mình trong vấn đề này.
 
"Rút một sợi dây thì động cả cánh rừng" - Pho tượng Phật của chùa Thanh Lương mà đem đi được, thì kế tiếp những Pháp bảo của các nơi khác cũng có thể đựơc đem đi, nếu như một khi ai đó có quyền lực và tiền bạc trong tay muốn làm vấn đề này.
 
Chúng tôi tin rằng chư Tăng Ni và Phật tử toàn tỉnh Phú Yên có khả năng trí tuệ dư thừa để nhìn ra và giải quyết vấn đề này mà chưa cần đến sự can thiệp của Trung ương Giáo hội.

Việc làm này của chúng tôi chỉ thuần tuý là sự bảo vệ Phật Pháp, mà không nhằm một mục đích nào khác. Rất mong quê hương đất nước được Thịnh Vượng; Phật Pháp được Bình An.
 
Nam Mô Cầu An Lạc Bồ tát ma ha tát
 
Pinkerton, Dr.Sankjose CA ngày 25 tháng 02 năm 2008
 
Những kiều bào Phật tử của tỉnh Phú Yên tại hải ngoại: CS. Tâm Tịnh - Hải Như - Đức Trí- Tâm Tuệ - Nguyên Hảo cùng một số Phật tử khác.
 
 
Nơi nhận: - UBND tỉnh Phú Yên - MTTQ tỉnh Phú Yên - Ban Tôn giáo tỉnh Phú Yên - UBND huyện Tuy An - UBND xã An Chấn - Công ty TNHH du lịch Sao Việt - BTS Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên - chùa Hồ Sơn - các chùa trong toàn tỉnh Phú Yên.
 
Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn