Sau khi bài viết về ông lão 80 tuổi lầm lũi xin ăn nuôi cháu qua ngày cùng với hình ảnh lưng còng đẩy chiếc xe đạp đi hết đường làng này, ngõ xóm và những vết thương ở bụng do bị bom đạn của những năm tháng chiến tranh in hằn được đăng tải trên một trang mạng, đã có không ít nhà hảo tâm tìm đến để chia sẻ những khó khăn cùng ông lão ăn xin. Nhưng sự thật về cuộc đời ông thì…
Có 5 đời vợ
Mới đi tới đầu thôn Đức Diễn, xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội hỏi thăm ông Bùi Văn Chử (sinh năm 1933), từ trẻ nhỏ cho tới người trung tuổi rồi người già đều chỉ cho chúng tôi ngôi nhà 2 tầng có nhiều ván gỗ dựng ngoài sân, ngoài ngõ kèm theo cái cười chua chát: “Ông ấy có đi ăn xin đâu. Tự ông ấy đẩy xe đi tìm ván gỗ về đun ấy chứ. Con cái nhiều lần giấu xe đạp không cho ông ấy đi nhưng ông ấy lại làm um lên. Giờ mà vào nhà hỏi thăm ông Chử chắc chắn sẽ bị vợ con ông ấy đuổi ra ngoài đấy. Nhà ông ấy được đền bù đất nên cũng có của ăn của để”.
Hình ảnh ông lão "cực khổ" khiến nhiều người thương cảm |
Mang theo những thắc mắc về một số phận gần như bị đẩy xuống “đáy” của xã hội và đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của mọi người, tới gặp Bí thư Đảng bộ kiêm Trưởng thôn Đức Diễn, ông Nguyễn Văn Hậu, chúng tôi nhận được câu trả lời về sự thật cuộc đời ông Chử. Sự thật nào cũng khiến chúng tôi ngỡ ngàng.
Ông Hậu cho biết, ở địa phương của ông có người tên Chử nhưng là Vũ Văn Chử và vợ là Phạm Thị Tâm. Ông Chử chưa từng đi bộ đội mà chỉ tham gia dân quân tại địa phương nên không thể có chuyện bom nổ đã hất văng ông Chử đi xa, cả quả bom nặng đè lên người mà vẫn sống sót.
“Bản thân tôi trước là bộ đội pháo binh và tham gia gỡ bom nên tôi rất hiểu sức tàn phá của bom như thế nào” – ông Hậu chia sẻ.
Ông Hậu cho biết thêm: “Tính ông Chử hay nhặt nhạnh nhưng ông chỉ đi nhặt củi về chất đầy nhà để đun nấu. Chuyện bới rác kiếm ăn không có vì các con ông không bao giờ để ông phải đói khát như thế”.
Thôn Đức Diễn là làng văn hóa đầu tiên của xã Phú Diễn nên việc một công dân của làng phải đi ăn xin khiến không ít người phẫn nộ. Với họ đó là một điều đáng xấu hổ vì chính quyền không lo được cho dân. Nhưng trên thực tế, hiện nay thôn có 7 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo, 4 hộ có thu nhập 150% so với hộ nghèo nhưng gia đình ông Chử đều không nằm trong danh sách này.
Ngôi nhà nơi ông Chử cùng vợ và con cháu sinh sống giữa lòng Thủ đô |
Cũng theo ông Hậu, ông Chử có 5 đời vợ đều qua cưới xin chứ không phải “trong quãng thời gian bế cháu đi lang thang kiếm ăn, ông Chử có quen với bà Nguyễn Thị Tâm (77 tuổi) cùng trong cảnh nghèo khó không nơi nương tựa.
Hai thân già cực khổ đã cùng nhau dựng tạm một túp lều ở qua ngày. Hằng ngày bà Tâm bế đứa cháu đi ăn xin khắp nơi còn ông Chử đẩy xe đạp đi đến các bãi rác nhặt nhạnh xem thứ đồ gì còn dùng được, ăn được thì đem về” như một tờ báo đã thông tin. Gia đình ông cũng có 4 con trai, 1 con gái. Các con ông đều đã trưởng thành và có thu nhập. Vợ chồng ông Chử ở cùng gia đình người con út.
Chúng tôi tới thăm nhà thì đó là ngôi nhà 2 tầng, bên ngoài còn treo biển: “Cho thuê phòng”. Một người hàng xóm kéo tay tôi nói nhỏ: “Thu nhập của gia đình ông ấy còn gấp mấy lần thu nhập gia đình tôi thì sao nói là nghèo khó được. Em gái ông ấy còn nghèo khó hơn ông ấy nhiều”.
Phía bên ngoài ngôi nhà chất đầy củi do ông đi nhặt nhạnh về làm mất vệ sinh làng xóm |
"Mọi người thông cảm"
Lý giải về những vết mổ ở bụng mà theo như một bài báo đưa tin là ông Chử cho biết đó là do vết thương năm xưa khi bom phát nổ bị sức ép làm nát một phần ruột và chấn thương một bên chân, phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần, ông Hậu chỉ lắc đầu: “Cách đây 10 năm ông ấy bị tai nạn giao thông, ô tô đâm vào nên phải đi mổ chứ có phải do bom đạn gì đâu…”.
Ông Chử cũng thanh minh: “Gặp người này, người kia, mỗi người nói một câu chứ tôi có nói thế đâu. Mọi người thông cảm?”.
Ông Chử kể thêm về câu chuyện “từ thiện” mà những tấm lòng hảo tâm đã chia sẻ cùng ông. Có người từ quận Ba Đình (Hà Nội) qua địa phương gặp ông để cho tiền. Nhưng khi biết sự thật về gia cảnh ông, họ cũng chỉ biết ngồi lại nói chuyện rồi cho 300 nghìn đồng. Nhưng tự bản thân ông thấy xấu hổ nên từ chối. Ông chỉ nhận 1 chai mật ong mà người khác biếu để bồi bổ sức khỏe.
Chia tay làng văn hóa Đức Diễn khi bóng tối bắt đầu phủ khắp các đường làng, ngõ xóm nhưng trong lòng chúng tôi thấy nặng trĩu. Trong xã hội còn nhiều lắm những mảnh đời nghèo khổ, họ thực sự cần cộng đồng dang tay giúp đỡ. Nhưng đâu đó, vẫn có những người vì lợi ích trước mắt mà lợi dụng lòng tốt của người khác…
Theo Giaoduc