Đề xuất sửa cơ chế điều hành giá xăng dầu: Vẫn chưa minh bạch

Thứ năm, 03/01/2013, 08:21
Theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, đề xuất sửa đổi Nghị định 84 về cơ chế điều hành giá xăng dầu của liên bộ Tài chính - Công Thương có những điểm tiến bộ, song quy định giá cơ sở vẫn còn rối và chưa thật sự minh bạch.

Bộ Công Thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Nghị định 84/CP về cơ chế điều hành giá xăng dầu và đề xuất hướng sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Vẫn giữ nguyên quan điểm trao quyền định giá cho doanh nghiệp (DN), các nội dung chính được Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi là biên độ tăng, giảm giá bán lẻ; thời gian tính giá cơ sở; tần suất tăng, giảm giá và các vấn đề liên quan đến điều kiện kinh doanh, chất lượng xăng dầu.

Giá xăng dầu
Theo đề xuất của liên bộ Tài chính - Công Thương, doanh nghiệp được quyết định giá bán lẻ khi giá cơ sở và giá hiện hành trong nước chênh nhau 500 đồng/lít.

Doanh nghiệp toàn quyền

Theo quy định hiện hành, việc tăng giảm giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện theo biến động của giá thế giới. Cụ thể, giá cơ sở tăng 7%, 12%, DN được tự quyết định giá bán, tăng trên 12% Nhà nước sẽ can thiệp.

Bộ Công Thương cho rằng cần thu hẹp biên độ tăng giảm giá tương ứng xuống mức biến động 3%, 5% và 7% để không tăng giá sốc.

Bộ này cũng lần đầu tiên đề xuất phương án khác là quy định con số cụ thể, khi giá cơ sở và giá hiện hành trong nước chênh 500 đồng/lít, DN được tự quyết định giá bán lẻ, nếu mức chênh từ 500 - 1.000 đồng/lít thì DN được quyết định giá bán kết hợp với sử dụng quỹ bình ổn. Liên bộ Tài chính - Công Thương chỉ can thiệp khi mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở cao hơn 1.000 đồng/lít.

Công thức giá cơ sở sẽ được xác định bằng giá vốn cơ sở + lợi nhuận định mức. Trong đó, giá vốn cơ sở là một khái niệm mới do Bộ Tài chính đề xuất thực hiện, được xác định bằng giá CIF + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt x tỉ giá ngoại tệ + chi phí kinh doanh định mức + thuế bảo vệ môi trường + thuế giá trị gia tăng + quỹ bình ổn + các loại thuế và các khoản trích nộp theo luật hiện hành.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, việc thu hẹp biên độ tăng, giảm giá xăng là một tiến bộ vì có tác dụng thu hẹp quyền của DN trong bối cảnh thị trường xăng dầu chưa hoàn toàn cạnh tranh và DN cũng hết cơ hội xé nhỏ các đợt tăng giá như trước đây.

Tuy nhiên, việc quy định giá cơ sở như đề xuất của Bộ Tài chính vẫn còn rối, chưa đáp ứng được yêu cầu dư luận là minh bạch về giá xăng dầu.

“Giá cơ sở nên quy định thành 2 phần. Trong đó, phần cứng là chi phí mua hàng và vận chuyển, tất cả các khoản thu thuế, phí vào ngân sách và lợi nhuận được quy định là một phần mềm buộc DN tăng giảm theo đúng giá trung bình thế giới trong thời gian ứng với chu kỳ tính giá.

Việc tính thuế, phí cần áp dụng theo khung tùy theo mức tăng giảm của giá thế giới, không điều chỉnh liên tục như hiện hành” - TS Phong kiến nghị.

Giá xăng dầu
Theo đề xuất của liên bộ Tài chính - Công Thương, doanh nghiệp được quyết định giá bán lẻkhi giá cơ sở và giá hiện hành trong nước chênh nhau 500 đồng/lít.

Còn “điểm mù” trong cơ chế điều hành

Một vấn đề được các chuyên gia và DN quan tâm là tần suất điều chỉnh giá. Theo quy định hiện hành, chu kỳ tính giá cơ sở là 30 ngày nhưng tần suất điều chỉnh giá là 10 ngày/lần.

Tại Nghị định 84 sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất chu kỳ tính giá cơ sở trùng với tần suất tăng giảm giá theo 3 phương án: 10 ngày, 15 ngày và 30 ngày. Trong đó, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 15 ngày.

Ưu điểm của phương án này là hài hòa giữa tần suất điều chỉnh giá và số ngày dự trữ lưu thông, vẫn phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước được giữ ổn định trong thời gian dài hơn.

Tuy nhiên, nhược điểm là cần phải chuyển một phần dự trữ lưu thông sang dự trữ quốc gia hoặc các hình thức dự trữ khác. Quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh thay vì do Chính phủ quy định sẽ chuyển sang cho Thủ tướng Chính phủ quyết định để tăng tính linh hoạt.

Liên quan đến nội dung này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng vấn đề mấu chốt vẫn chưa được Bộ Công Thương giải quyết là tách dự trữ lưu thông quốc gia khỏi dự trữ kinh doanh của DN. Đây chính là một “điểm mù” trong cơ chế điều hành giá xăng dầu mà DN có thể lợi dụng để biến đổi lỗ - lãi.

Để giải quyết sự mù mờ và khó tách bạch giữa nhiệm vụ dự trữ xăng dầu quốc gia với tính chất kinh doanh của DN, cần tăng thu lãi từ kinh doanh xăng dầu nộp ngân sách Nhà nước để có nguồn vốn đủ bảo đảm trích lập dự trữ xăng dầu quốc gia, tách biệt nhiệm vụ dự trữ này khỏi dự trữ kinh doanh.

DN không được phép thuê kho, xe bồn của nhau

Để quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất giao Sở Công Thương các tỉnh, thành kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cho DN là tổng đại lý trên địa bàn.

DN có tổng đại lý tại 2 tỉnh, thành phố trở lên phải được Bộ Công Thương cấp chứng nhận. Các DN xăng dầu cũng không được phép thuê kho, xe bồn… của nhau mà phải tự đầu tư hoặc đồng sở hữu.

Theo NLĐ

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn