Sinh viên chia sẻ phương pháp học trong buổi giao lưu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. |
“Học sinh” trên giảng đường
Nguyễn Thế Đức Tâm - SV năm 2, Trường ĐH Luật TPHCM, kể: “Sách dày, chữ nhỏ, nhiều trang” là câu cửa miệng của nhiều sinh viên khối khoa học xã hội bọn mình. Học vẹt, thuộc lòng vốn tưởng chỉ có ở cấp 1, cấp 2 nhưng hiện tại chuyện sinh viên ê a học thuộc lòng các kiến thức trước mỗi kỳ thi không phải là hiếm. Cách tiếp thu kiến thức cũng không khác thời kỳ còn là học sinh mấy. Nghe thầy cô đọc chép hoặc nhìn (giáo án điện tử) chép…”.
Bản thân Tâm, với thành tích nhiều năm đạt học sinh giỏi, đạt cả danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương năm 2011. Tuy nhiên, ít ai biết rằng thời còn phổ thông, Tâm lại là cậu học sinh chuyên Toán của Trường THPT Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM và khá “ngán” các môn xã hội. Tâm chia sẻ: “Con người có khả năng ghi nhớ và tích trữ thông tin tốt hơn khi họ thật sự hứng thú với những thông tin muốn tìm hiểu hơn là khi bị bắt buộc tiếp thu.
Trước khi bước chân vào giảng đường mình đã xác định môi trường ĐH, thầy cô chỉ hướng dẫn, định hướng cho sinh viên cách tìm kiến thức. Mình phải chủ động, chứ không thể “ngồi chờ sẵn như lúc còn học sinh. Bên cạnh thời gian học tập nên dành thời gian cho các hoạt động giải trí và tình nguyện. Qua các hoạt động này, vừa giải phóng sức ỳ của bản thân, vừa học thêm các kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp sau này”.
Xây nền vững chắc
Nguyễn Hoàng Thảo Vi (SV ngành Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng), đạt điểm thi TOEIC 905 điểm. Theo Vi, điểm số này là kết quả của cả một quá trình đầu tư cho việc học từ phổ thông đến bây giờ. Tuy nhiên, với những bạn mới đầu tư cho Anh văn, đừng đặt quá nhiều mục tiêu mà bản thân thực hiện được trong thời gian ngắn.
“Thay vì ngồi nghe băng đĩa hoặc luyện đọc, mình lại chọn cách nghe nhạc nước ngoài và xem các bộ phim có phụ đề tiếng Anh để tập phản ứng của tai. Cách làm đó giúp mình học mà chơi, chơi mà lại học. Tìm thấy sự thú vị trong việc học giúp bạn tạo dựng được niềm đam mê. Đến khi lên phổ thông rồi năm đầu đại học, mình chọn cách kết bạn và tạo nhóm nhỏ với một số bạn có cùng sở thích học ngoại ngữ. Qua trao đổi và học hỏi lẫn nhau, kiến thức sẽ được bổ sung nhiều hơn và nhớ lâu hơn” - Vi chia sẻ.
Còn thủ khoa đầu ra Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP, Nguyễn Quang Huy - SV năm 4 khoa Toán - Tin học, có phương pháp khác để “trị” môn Toán mà nhiều sinh viên cho là khô khan: “Môn Toán không hàn lâm như nhiều bạn nghĩ. Học Toán cũng như những môn xã hội khác vẫn có kiến thức thuộc lòng. Đó chính là các định nghĩa. Hãy tìm những ví dụ đơn giản để liên tưởng đến các khái niệm, định nghĩa. Đây được xem là chìa khóa để mở ra lời giải của các bài toán sau này”.
Huy cho biết thêm: “Đọc nhiều sách giáo khoa về Toán học ở nước ngoài, thấy cách dạy Toán khác với mình. Thay vì giải những bài toán có phần đơn điệu, họ lại hướng người học thấy được cảm hứng thông qua việc ứng dụng Toán vào từng công việc của cuộc sống hàng ngày”.
Ngoài đam mê, để học giỏi cũng cần có phương pháp học hiệu quả. Nhiều bạn có thói quen hay bỏ qua những bài tập đơn giản, mở đầu mà đi thẳng vào giải quyết những bài tập khó hơn. Đây là thói quen không hề tốt chút nào. Phải xây dựng kiến thức nền tốt, để khi gặp bài toán lớn hơn, ta có sự nối ghép và suy luận dễ hơn.
Bên cạnh đó các bạn sinh viên nên có tư duy phản biện. Đôi khi phải đặt những câu hỏi nghi ngờ kết quả của thầy cô. Có thể đúng hoặc sai nhưng bạn sẽ nhớ vấn đề lâu hơn, Huy cho biết thêm
221 đại biểu là giáo viên, giảng viên, sinh viên, học sinh có nhiều thành tích tiêu biểu vừa được tuyên dương tại Liên hoan “Thanh niên thi đua dạy tốt - học tốt lần 1-2012” do Thành đoàn TPHCM tổ chức lần đầu tiên.
Anh Nguyễn Thanh Đoàn, Trưởng ban Thanh niên trường học Thành đoàn TP, cho biết: "Trong thời gian tới, liên hoan cũng sẽ được duy trì, nhân rộng các điển hình dạy tốt, học tốt, giới thiệu cho xã hội những nhân tố tích cực trong học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập ngày càng thực chất hơn, hiệu quả hơn".
Theo SGGP