“Khát” nước!
Anh Nguyễn Văn Thắm (xã Phú Ngọc) cho biết, anh có hơn 4ha xoài đang vào vụ thu hoạch nhưng trúng vào thời điểm thiếu nước, trái xoài héo queo và nhỏ lại chỉ bằng bàn tay đứa trẻ. “Mấy năm trước còn tích nước được trong ao sau vườn để chống hạn nhưng năm nay thì cả ao cũng khô nước!” – anh Thắm nói.
Anh Trần Anh Tuấn (xã La Ngà) cho hay, nhà anh chỉ cách sông La Ngà khoảng 300m nhưng lại phải đi mua từng can nước để sinh hoạt, do nước sông rất bẩn, mấy hôm trước nóng quá nhảy xuống tắm, người nổi mẩn đỏ, ngứa không chịu được. Cả gia đình phải chấp nhận mua nước giếng khoan để dùng, mỗi tuần mất cả trăm ngàn đồng.
Anh Đức (ấp 3, xã Phú Ngọc) mỗi tháng tiêu tốn hàng trăm ngàn đồng tiền mua nước sinh hoạt |
Anh Huỳnh Văn Đức (ấp 3, xã Phú Ngọc) cho biết, mặc dù đã khoan 3 cái giếng tiêu tốn gần 50 triệu đồng nhưng vẫn không cái nào có nước, đành phải chấp nhận đi mua nước để sử dụng hằng ngày với giá 30.000 đồng/m3 nước, mỗi tháng mất tiền trăm chỉ để mua nước cho tắm rửa, ăn uống hằng ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc - toàn xã Phú Ngọc có trên 4.000 hộ dân nhưng chỉ lác đác vài hộ may mắn tại ấp 5, ấp 6 khoan cái giếng thứ 3 - 4, khoan sâu cả 70 - 80m mới có chút nước, còn đa phần là trông chờ vào ông trời và phải đi mua nước về để dùng.
Nguyên nhân là do địa bàn xã Phú Ngọc mạch nước ngầm rất hiếm, có hộ khoan cả chục cái giếng mà cả chục cái đều khô nước vì không trúng được mạch nước ngầm nào.
Thiếu nước sạch để sinh hoạt, một vài hộ may mắn khoan được nước sạch mở dịch vụ xe cấp nước tư nhân để bán lại cho người dân với giá trung bình 30.000 đồng/1m3. Anh Bùi Đức Sỹ (xã Phú Ngọc) cho biết, mỗi ngày anh bán được từ 20 – 30 bồn nước cho người dân trong xã. Mỗi bồn nước có giá từ 80.000 – 120.000 đồng/4m3.
Chờ đợi... nhà đầu tư
Không có mạch nước ngầm, dự án khoan giếng cấp nước cho 3 xã Ngọc Định, Phú Ngọc và La Ngà phải từ bỏ, hiện UBND huyện Định Quán đang mời gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án đưa nước máy từ sông Đồng Nai về Đồi 07 để xử lý và cung cấp cho người dân.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào chịu bỏ vốn đầu tư, nguyên nhân đầu tư khó hiệu quả khi người dân vẫn còn thói quen trông chờ trời mưa để lấy nước sinh hoạt.
Nguồn nước ngầm ở xã Phú Ngọc hiếm, nếu khu vực nào có thì lại nhiễm phèn, không thể sử dụng ngay được. Người dân đã cải thiện chất lượng nước bằng cách xây dựng các bể lọc, nhưng hầu như không hiệu quả. Vào cao điểm mùa nắng nóng thì mọi giếng đều cạn kiệt, gia đình nào cũng phải mua nước, trung bình mỗi tháng tốn từ 300.000 – 500.000 đồng chỉ để sinh hoạt.
Theo Laodong