Mỗi tháng 1 tấn gạo
Đó là tên chương trình do Ủy ban MTTQ quận 1 phát động từ đầu năm 2012. Theo ông Vân Trọng Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 1, chính sách hỗ trợ chung cho người nghèo đã có nhưng kinh tế khó khăn, giá cả tăng nhanh, thì người nghèo, nhất là những hộ quá nghèo, không có khả năng tự tổ chức sản xuất nhưng sống ở quận 1 lại càng… khổ.
Trên tinh thần không để người nghèo thiếu ăn, bỏ học và thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu, quận đã nghĩ thêm cách… “xin” gạo để tặng hộ quá nghèo - người già neo đơn, bệnh tật, không còn sức lao động...
Tặng gạo người quá nghèo ở quận 1. |
Không dừng lại ở một số đợt tặng gạo hiếm hoi và quy mô nhỏ, gạo đã đến với người quá nghèo một cách thường xuyên, hộ đặc biệt khó khăn mỗi tháng một lần được tặng 10kg gạo, các hộ khó khăn khác sẽ luân phiên được nhận gạo.
Một trong những người được nhiều lần tặng gạo, ông Huỳnh Văn Đức (64 tuổi, ngụ 17/3 Nguyễn Thái Học) xúc động cho biết, ông bị liệt ở tay và dị tật ở chân nên mất sức lao động. Mọi sinh hoạt trông chờ vào khoản hỗ trợ 250.000 đồng/tháng của Nhà nước và thu nhập ít ỏi từ việc bán vé số mỗi ngày.
Những tháng gần đây được lãnh gạo, ông có thể đổi gạo lấy cơm (không tự nấu được - PV), nên cuộc sống cũng… dễ thở hơn. Và tết này cũng không còn phải quá lo lắng nữa.
“Qua 12 tháng thực hiện, 12 tấn gạo do các mạnh thường quân, cơ sở nghĩa tình ủng hộ đã đến với 1.200 lượt hộ nghèo (10kg/lượt). Dịp Tết Quý Tỵ 2013, quận cũng đã có riêng 5 tấn gạo giúp người nghèo ấm bụng rồi!” - ông Vân Trọng Dũng chia sẻ.
Tết đến với người bán hàng rong
70 hộ nghèo ở phường Cô Giang (quận 1) vừa được trang bị kỹ năng buôn bán, kinh doanh từ đồng vốn nhỏ. Các hộ trên đều đang vay vốn giảm nghèo với số tiền 1 - 10 triệu đồng để mua bán đồ ăn, nước giải khát, tạp hóa, nước mía… Song, hoạt động buôn bán chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân và thị trường nên yếu tố rủi ro cao, dễ bị mất vốn.
Lớp học chuyên đề đã định hướng các học viên (dựa trên từng yếu tố như: kỹ năng của bản thân, vốn, mặt bằng, sức mua…) lựa chọn mặt hàng buôn bán; chọn loại hình, quy mô buôn bán phù hợp để bảo toàn vốn và sinh lời… Nhờ đó, các hộ nghèo có thể xác định khả năng kinh doanh tốt hơn, nhất là ở cao điểm cuối năm.
Đặc biệt, ngoài các hộ thuộc diện chăm lo theo kế hoạch, trong dịp Tết Quý Tỵ, UBND quận 1 giao 10 phường căn cứ vào tình hình thực tế có kế hoạch chăm lo phù hợp và lưu ý chăm lo thêm đối với các hộ dân nghèo mua bán trên vỉa hè, kết hợp vận động chấm dứt lấn chiếm lòng lề đường.
Nối tiếp việc đưa cán bộ gần gũi với dân, chan hòa với người nghèo, tết này, 300 đoàn lãnh đạo quận, các phòng ban và phường đến từng gia đình chính sách, hộ nghèo thăm hỏi, cùng trang trí nhà cửa giúp bà con.
Bên cạnh đó, đoàn cũng sẽ thăm, tặng quà cho 150 người sau cai nghiện quản lý tại địa phương, 200 bệnh nhân AIDS tại cộng đồng, 800 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em tại các lớp học tình thương, mái ấm, nhà mở và tổ chức họp mặt tết cho 100 sinh viên nghèo khó khăn không có điều kiện về quê ăn tết ở 2 ký túc xá 135A - 135B Trần Hưng Đạo.
Bếp ăn từ thiện trên đường Rạch Bùng Binh (quận 3) mỗi ngày cung cấp 200 suất ăn cho 100 người (2 bữa/ngày), là những cụ già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo thuê nhà ở quận 3… Trong đó, hàng chục hộ quá khó khăn ở quận 3 và các quận huyện khác đến quận 3 mưu sinh nhưng không có điều kiện ghé bếp ăn hàng ngày đều được lãnh hoặc được gửi gạo đến tận nhà (10 kg/tháng), mắm, muối để tự nấu. Chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1967, tạm trú quận Gò Vấp), bị khuyết tật ở chân, hàng ngày rong ruổi trên xe lắc tay đi bán vé số dạo. Quá khó khăn, chị ghé bếp ăn từ thiện quận 3 đăng ký suất ăn từ thiện. Từ 2 năm qua, chị được nhận gạo, gia vị về nhà nấu. Gánh nặng “cơm áo gạo tiền” của chị được san sẻ phần nào. |
Theo SGGP