Học sinh sử dụng facebook cần có kỷ luật
Trao đổi với PV , thầy giáo Văn Như Cương cho biết: "Tình trạng học sinh sử dụng facebook một cách lan tràn không kiềm chế hiện nay là rất đáng báo động. Trong thực tế, qua facebook và các diễn đàn khác như blog, yahoo… chúng ta thấy ngôn ngữ, thái độ mà giới trẻ thể hiện không ổn.
Trong thế giới ảo, các em thoải mái chửi bậy, nói tục… Thậm chí có những facebook con nói về bố mẹ, học sinh nói về thầy cô, về bạn bè, về người lớn, nói về chủ trương của nhà trường mang ý nghĩa tiêu cực".
Thầy Văn Như Cương cũng nhấn mạnh thêm: "Cần phải có biện pháp để chấn chỉnh hiện tượng này. Tại nước Anh, đã có những trường học nghiêm cấm sử dụng facebook, nếu trái luật sẽ bị đuổi học. Tại Việt Nam, chưa đến mức phải cấm facebook như nước Anh. Thế nhưng, cần phải giáo dục học sinh sao cho tốt để trở thành kỷ luật, nếu học sinh sử dụng facebook thì phải chịu trách nhiệm với phát ngôn, hành động của mình".
PGS Văn Như Cương: "Tình trạng học sinh sử dụng facebook một cách lan tràn không kiềm chế hiện nay là rất đáng báo động". |
Khi đọc văn bản lời tuyên ngôn của học sinh trên facebook, PGS Văn Như Cương đồng tình với quan điểm của nhà trường là đình chỉ học một năm đối với học sinh Vy. Ông cho rằng, những phát ngôn của em không tục tĩu nhưng thể hiện thái độ quá hỗn láo với thầy cô.
Thầy Văn Như Cương cho biết thêm, bản thân Trường THPT Lương Thế Vinh đã từng đình chỉ 1 năm học đối với 2 học sinh vì những hành vi tương tự học sinh Vy tại Quảng Nam. Hai học sinh này sau khi có những phát ngôn không hay trên facebook đã nhận được sự phản đối kịch liệt của các bạn trong lớp, trong trường.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu cụ thể đối với trường hợp của em Vy, thầy Văn Như Cương chia sẻ: Nhà trường có thể xem những tình tiết cụ thể để giảm nhẹ hình phạt cho em. Bởi được biết em Vy 7 năm trước đã là học sinh tiên tiến, phát ngôn trên facebook của em cũng là do đã copy lại của người khác.
Bản thân thầy Văn Như Cương cũng sử dụng facebook để hiểu tâm tư tình cảm của học sinh hơn. Thế nhưng, thầy vẫn rất lo ngại, bởi nếu không được giáo dục cẩn thận, các em sẽ bị những mặt trái của công nghệ thông tin làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách. Khi học sinh phát ngôn bừa bãi, những thông tin không kiểm chứng được lan truyền sẽ gây tác hại rất lớn.
Cần chú trọng đến giáo dục con người
PGS Văn Như Cương cho biết, ông luôn nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm quan tâm đến học sinh hơn, làm thế nào để các em hiểu rằng bản thân facebook là tốt, nhưng quan trọng còn do mục đích sử dụng.
Học sinh nên dùng facebook để hỗ trợ viêc học tập, giao lưu tích cực trong mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa trò và nhà trường. Các em hãy biết tiết kiệm thời gian, đừng gọi điện thoại quá nhiều, nhắn tin vô bổ, không đàn đúm bê tha, không bàn luận những điều nhảm nhí…
Ảnh chụp từ Facebook của em Vy. |
Bên cạnh đó, PGS Văn Như Cương nhìn nhận một thực tế: Trong đời sống hiện đại, đa số bố me chiều con cái, sắm sửa cho con những chiếc điện thoại tốn tiền. Phụ huynh không quản lý được con, không biết được các mối quan hệ của con.
Tại Trường THPT Lương Thế Vinh, có trường hợp nhà trường mời phụ huynh lên gặp BGH vì con đã phát ngôn không hay trên facebook, phụ huynh không hề biết chuyện xảy ra, rất bất ngờ. Thầy Cương cho biết, đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ để nói lên vấn đề lớn.