Qua nhiều kênh khác nhau, chúng ta liên tục được biết có những trường hợp, mà đa số là các em ở độ tuổi mẫu giáo bị đòn đau vì một số cô giáo trông trẻ quá tay hay một trường hợp cô giáo giảng nhầm về câu thành ngữ …
Tất cả mọi trường hợp dù mức độ nặng hay nhẹ về “ hành vi, cách ứng xử” của các thầy cô đều được đưa lên mạng để dư luận bàn tán. Điều này ở một mặt nào đó có những tác động không tốt.
Các thầy cô cũng là con người, cũng là nghề “ làm dâu trăm họ”, không thể lúc nào cũng đáp ứng được tất cả kì vọng của đồng thời học sinh và phụ huynh.
Bên cạnh đó việc những hành vi của số ít thầy cô giáo khi quá tay với học sinh bị dư luận đánh giá khắt khe lại phần nào ảnh hưởng đến những người còn lại trong nghề.
Cách đây vài hôm, tôi sững sờ khi hỏi chuyện cậu cháu trai về tình hình học tập của nó khi cháu thản nhiên nói với tôi rằng: “Các thầy cô sợ bị lên mạng nên giờ không dám làm gì chúng cháu cả". Bạn có tin những lời này từ một đứa bé mới học lớp ba?
Tôi thấy thái độ và cách ứng xử của học sinh bây giờ đã đi xuống rất nhiều so với thời của chúng tôi cách đây mười mấy năm. Bên cạnh đó sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận học sinh ngày càng tăng. Các vụ đánh nhau, xé áo, quay clip đồi trụy … xảy ra nhiều.
Trong khi đó, các thầy cô trước sức ép ngày càng lớn của xã hội đã không còn ở thế “chủ động” trong việc dạy dỗ học trò cả về văn hóa và đạo đức làm người nữa.
Một vấn đề khác cũng là điểm nóng được quan tâm gần đây là việc dạy và học thêm. Ở nhiều nước trên thế giới, những công việc như giáo viên, bác sĩ hay luật sư luôn nằm trong top những nghề có mức thu nhập cao trong xã hội.
Nhưng ở nước ta, nghề giáo viên với vai trò và vị trí của nó lại có mức lương cơ bản gần như thấp nhất. Nhiều thầy cô, những người công tác ở những vùng cao, biên giới hay nông thôn đành ngậm ngùi rời ngành vì không đủ sống với số tiền lương ít ỏi.
Việc học thêm của một số học sinh và phụ huynh bắt nguồn từ nhu cầu thực tế. Ngày nay, hếu hết các gia đình không có thời gian trông nom con trẻ của mình, họ đều đi làm từ sáng đến tối mới về nhà.
Một số ít gia đình có ông bà trông nom các cháu còn lại phần lớn đều phải để các em ở nhà một mình quanh quẩn xem tivi không thì cũng chẳng biết làm gì. Tôi từng chứng kiến một tai nạn thương tâm khi cháu bên hàng xóm ở nhà một mình nghịch ngợm rồi ngã từ trên tầng 2 xuống giờ vẫn đang phải điều trị chấn thương sọ não.
Chúng ta cho rằng việc hạn chế hay cấm dạy thêm học thêm có thể giải quyết được những vấn đề tồn tại trong giáo dục nhưng thực chất của vấn đề này lại đến từ rất nhiều phía.
Tôi cho rằng chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề sau trước khi nghĩ đến việc cấm hay hạn chế dạy thêm:
- Tăng lương xứng đáng cho các thầy cô giáo để họ yên tâm công tác mà không phải lo đến vấn đề kinh tế gia đình.
- Tạo nhiều sân chơi và những hoạt động ngoại khóa ở trường cũng như các khu dân cư hơn cho các em học sinh.
- Giảm tải toàn diện, triệt để, đúng chỗ, đúng lúc các chương trình học tại trường và bệnh thành tích trong giáo dục.
Nếu chúng ta không đảm bảo được đời sống cho các thầy cô giáo thì cũng không nên cấm việc dạy thêm như một sự đáp ứng nhu cầu xã hội. Nghề nào cũng có những mặt trái, cũng có một bộ phân tiêu cực làm ảnh hưởng đến nghề chứ không riêng gì nghề giáo.
Tôi hi vọng những người làm thầy sớm nhận lại những gì xứng đáng với sự hi sinh, tận tụy từ xã hội như truyền thống của dân tộc ta bao đời nay.
Theo Kienthuc