Hàng trăm tay buôn “cò con” đã giải nghệ trong vòng vài năm qua vì bị sự truy đuổi, xử lý gắt gao của lực lượng chống buôn lậu. Ở biên giới Tây Nam, chỉ có những ông trùm có số má mới có thể tồn tại.
Những bà trùm khét tiếng
Cách biên giới Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, Long An) chừng 2km là “đại bản doanh” hàng lậu của trùm Mi (người Việt Nam). Từ lâu, ngã ba Sóc Nóc (huyện Chanh Tria, tỉnh Svay Rieng, Campuchia) được con buôn gọi là “ngã ba vùng vịnh” để nói về độ nóng của hàng lậu. Gần trưa 17/1, trước kho hàng bà Mi (nằm cách ngã ba Sóc Nóc khoảng 100m), chúng tôi thấy hàng chục nài thuốc lá lậu chờ người đến lấy.
Ghe chở thuốc lá lậu trên kênh Tân Thái (Đức Hòa, Long An) - cách TP.HCM khoảng 10km. |
Các nài dưới trướng bà Mi mỗi ngày có nhiệm vụ dùng xe máy chở hàng lậu lách qua cột mốc 183 về Việt Nam. Thời điểm giáp tết, mỗi ngày bà Mi xuất sang biên giới hàng triệu bao thuốc lá, chủ yếu là Hero và Jet – 2 nhãn hàng gần như thống trị phân khúc thuốc lá ngoại tại thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Bà Mi nổi danh “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, được cho là đã “bao đường” trên toàn tuyến biên giới giáp Tây Ninh và Long An. Hàng lậu qua biên giới được giao cho bà Kim Anh (nhà ở xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ), điều phối.
Trong thế giới buôn lậu, Kim Anh là bà trùm mới nổi, thuộc thế hệ 8X và là một trong những trùm buôn lậu trẻ nhất khu vực biên giới Tây Nam. Do ở phía Việt Nam thường xuyên bị lực lượng chống buôn lậu kiểm tra, xử lý nên bà trùm Kim Anh không xây kho. Cứ khi hàng vừa qua Việt Nam, bà sẽ điều phối cho đàn em sang xe và vỏ lãi đi giao cho các đầu nậu khác.
Ngoài trùm Kim Anh, khu vực biên giới còn có trùm Hai Đương và cặp vợ chồng khét tiếng Lưu – Hiệp chuyên phân phối thuốc lá lậu với số lượng lớn. Nếu đầu phía Campuchia được trùm Mi “bao đường”, qua địa phận huyện Đức Hòa, Long An (giáp TP. Hồ Chí Minh) hàng được trùm Huynh “bảo kê” thì địa bàn giáp ranh với Campuchia là huyện Đức Huệ, hàng lậu ai bị bắt thì ráng chịu, các ông trùm sẽ không đứng ra lo.
Khu vực này, các “giặc lái” được trả công vận chuyển rất cao, đến 450.000 đồng/vỏ lãi. Tuy nhiên, nếu bị truy đuổi làm mất hàng, nài phải đền cho chủ. “Do địa bàn Đức Hòa được ông Huynh đứng ra “lo” hết, hàng mất không phải đền nên tiền công mỗi chuyến hàng chỉ có 260.000 đồng/lượt vỏ lãi, 50.000 đồng/lượt xe máy. Ai có gan thì làm nài biên giới, ai nhát thì về dưới trướng ông Huynh” – một “giặc lái” cho biết.
Hoạt động quy củ
Từ huyện Chanh Tria của nước bạn có 2 con rạch nhỏ chạy về phía biên giới. Tại đây, những tay buôn lậu thường tập kết hàng để vận chuyển về phía huyện Đức Huệ (Long An). Một nhánh khác chở bằng xe máy chạy về hướng xã Phước Chỉ (Trảng Bàng, Tây Ninh) để chở ra khu vực bến phà Lộc Giang. Dù xuất phát từ đâu thì hàng lậu cũng phải tập trung về “đại bản doanh” của trùm Huynh ở bến đò Lộc Giang.
Ngoài lực lượng cửu vạn cả trăm người, trùm Huynh còn có cả lực lượng “đề lô” làm nhiệm vụ canh đường hàng chục người. Nhất cử nhất động của những người lạ mặt khi xuất hiện tại địa bàn Lộc Giang đều được đám “đề lô” đưa vào tầm ngắm. Bên kia bến đò Lộc Giang là địa bàn xã Mỹ Quý Đông (huyện Đức Huệ), trùm Huynh có cả cơ sở chuyên “độ” vỏ lãi (bằng cách bọc nhôm bên ngoài) để chạy nhanh hơn.
Ngoài lực lượng “đề lô” hùng hậu, trùm Huynh còn nổi tiếng bởi chịu chơi và rất “biết điều”. Đây chính là lý do khiến ông trùm này dám “bao đường” cho toàn bộ hàng hóa trên địa bàn mà mình phụ trách. Tại bến đò Lộc Giang, sau khi hàng hóa được tập kết bằng vỏ lãi, trùm này sẽ cho đám đàn em đưa hàng lên xe gắn máy chẻ nhỏ ra các điểm khác rồi đi thẳng qua địa bàn TP.Hồ Chí Minh.
Đối với đường bộ, người dân địa phương hết sức bức xúc vì các nài hàng lậu luôn chọn con đường liên ấp Lộc Thạnh – Lộc Bình để đi, mỗi ngày chạy cả trăm chuyến hàng qua nhà một phó công an xã Lộc Giang mà không thấy ông này có ý kiến gì. “Mỗi lần nhà ông công an có đám tiệc, đám nài buôn lậu tụ tập rất đông, cụng ly côm cốp với gia chủ...” – một cán bộ về hưu kể.
Theo Danviet