Thưa ông, một người Việt Nam làm Tổng thư ký ASEAN có thể tác động thế nào đến thúc đẩy các ưu tiên đối ngoại của Việt Nam?
Nếu chỉ nói sự kiện vị lãnh đạo cao nhất của ASEAN lần đầu tiên đến từ Việt Nam thúc đẩy tích cực thế nào đối với các ưu tiên đối ngoại của Việt Nam thì sẽ rơi vào tình thế cục bộ mất rồi, mặc dù chúng ta mong muốn có tác dụng như vậy, bởi vì xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các thành viên ASEAN đã trở thành ưu tiên đối ngoại hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Ảnh: Reuters |
Nay có một vị Tổng thư ký thấu hiểu tường tận ưu tiên đối ngoại của ta thì tốt quá đi chứ. Cũng là dân cả đời làm ngoại giao, tôi có thể nói rằng nay đã xuất hiện thêm điều kiện để kết hợp hài hòa truyền thống ngoại giao hòa hiếu láng giềng của Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN, vì hòa bình và ổn định phát triển chung sẽ có tác dụng hết sức tích cực cho sự nghiệp chung, lợi ích chung của các nước thành viên.
Dung hòa các lợi ích quốc gia
Làm ngoại giao đa phương là phải dung hòa các lợi ích quốc gia nhiều khi trái ngược. Ông có kinh nghiệm cụ thể nào từng trải qua khi đại diện Việt Nam tại LHQ?
Ở đây có hai góc độ cách nhìn. Sứ mệnh nhà ngoại giao, đại diện nước mình trên các lĩnh vực ngoại giao đa phương, ví dụ tại LHQ hay WTO chẳng hạn, khác với sứ mệnh của chính nhà ngoại giao giao đó khi đảm trách cương vị lãnh đạo hay đại diện cho các thể chế đa phương đó, nếu chẳng may gặp phải lợi ích trái ngược thì cũng cần phải bình tĩnh và mưu lược tìm cách hòa giải.
Khi được cử làm quyền Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 52, tôi đã thay mặt LHQ tiếp một số nguyên thủ quốc gia các nước tới thăm làm việc, tôi đã đặc biệt chú ý tới các đoàn cấp cao đến từ những khu vực hết sức nhạy cảm, nhất là từ nơi vừa mới xảy ra xung đột.
Lúc đó tôi đã được cả Ban thư ký đồ sộ của LHQ cung cấp nhiều thông tin chi tiết và cần thiết, nhưng tôi vẫn nghĩ là mình phải chuẩn bị thêm một cách nghiêm túc, mặc dù có lúc phải tìm tòi "toát mồ hôi", vì thành công hay không ăn thua ở chỗ mình thực hiện nhiệm vụ đó chuẩn mực tới mức nào với tư cách một "nhà lãnh đạo của LHQ".
Bản lĩnh trước sức ép
Ông có ấn tượng gì đáng nhớ nhất về những nhà ngoại giao quốc tế từng đứng đầu các tổ chức đa phương?
Khi làm việc tại LHQ ở New York, sau này 6 năm làm Đại sứ tại LHQ và WTO ở Geneva, tôi may mắn được làm việc với nhiều đời lãnh đạo của các tổ chức quốc tế lớn. Họ đều là những con người xuất chúng, là những nhà hoạt động chính trị, ngoại giao xuất sắc trên trường quốc tế.
Các cơ chế đa phương này, dưới sự lãnh đạo của nhiều vị, đã có nhiều đóng góp mang tính lịch sử vào quá trình bảo vệ hòa bình thế giới và phát triển hợp tác giữa các quốc gia.
Nhưng chúng ta cũng đã được chứng kiến ở một số giai đoạn nhất định trong lịch sử trước đây, có thể vì sức ép của một hoặc vài nước lớn khi họ còn thế và lực để thao túng, cũng có thể vì lợi ích nào đó, và cũng có thể vì bản lĩnh cá nhân... nên có những quyết định hoặc hành động của một vài cơ chế đa phương làm phương hại uy tín của bản thân cơ chế đó, làm phương hại đến cả lợi ích của hòa bình và phát triển chung.
Việt Nam đã từng có những thành công nào từ việc phát huy tiếng nói của các tổ chức đa phương, và cả những bài học không thành công, thưa ông?
Ngoại giao đa phương của Việt Nam ngày càng trưởng thành, đã có những bước tiến dài. Chúng ta đã hòa chung vào tiếng nói, khát vọng của các dân tộc tiến bộ trên thế giới vì hòa bình, bình đẳng, tôn trọng, hợp tác phát triển.
Những kết quả đạt được chứng tỏ sự cố gắng luôn vươn lên của nền ngoại giao Việt Nam nói chung, của ngoại giao đa phương nói riêng.
Bài học lớn về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại luôn mang tính thời sự nóng hổi đối với các nhà ngoại giao tại các cơ chế đa phương, nhất là khi họ đang hoạt động trong môi trường khu vực và thế giới ngày càng đa dạng và phức tạp không hề thuyên giảm.
Khi đạt được đồng thuận hoặc đa số áp đảo về một vấn đề liên quan đến lợi ích của nhiều nước thành viên, thì đương nhiên cơ chế đa phương đó tạo được thanh thế và uy tín. Ngược lại, cũng có những kết quả đi ngược lại mong muốn của chung, của đa số thành viên làm suy yếu hình ảnh và vị thế của cơ chế đa phương.
Vấn đề chúng ta đã gặp phải là tiếng nói chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông chẳng hạn. Tôi đã cảm thấy rất buồn và xấu hổ khi đọc tin tức bình luận phê phán của thế giới về một số diễn biến về vấn đề này tại diễn đàn của ASEAN, kể cả tại phiên họp cấp cao ở Phnom Penh năm ngoái.
Cũng may là trong trường hợp này, nguyên tắc đồng thuận của ASEAN đã phát huy được tác dụng, kịp thời làm rõ và cản trở được một số ý đồ không khách quan.
"Hướng tới trở thành một "Cộng đồng chung vào năm 2015", ASEAN đang đứng trước nhiều vận hội, nhưng cũng không ít thách thức mới. Nhưng tôi tin rằng là một nhà ngoại giao từng trải nhiều kinh nghiêm, có trí tuệ và bản lĩnh vững vàng, luôn đam mê tâm huyết với công việc, Đại sứ Lê Lương Minh sẽ thực thi thành công sứ mệnh Tổng thư ký của ASEAN.
Theo VNN