200 cảnh sát giành giật mạng sống từ "Thần chết"

Thứ hai, 25/02/2013, 20:28
“Chúng tôi cứu sống bà Rép khi đã bị chôn vùi ở độ sâu 3m. Nhờ tranh thủ từng giây, từng phút nên nhiều nạn nhân khác cũng được cứu sống".

Chiều 25/2, Thượng tá Đinh Văn Ngàn – Chánh văn phòng Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.HCM (CSPCCC) chia sẻ như trên với PV về vụ nổ sập thương tâm xảy ra tại hẻm 384  đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Q.3 vào rạng sáng ngày 24/2.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở CSPCCC TP. HCM, đây là một trong những vụ cháy nổ thương tâm nhất xảy ra trên địa bàn TP.HCM trong vài năm gần đây.

 cuu nguoi

Thượng tá Đinh Văn Ngàn – Chánh văn phòng Sở CSPCCC TP.HCM, một trong những chỉ huy của đêm cứu nạn vụ nhà nổ sập.

“Khi chúng tôi nhận được tin báo, chỉ chưa đầy 10 phút sau, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp của Q.3 đã có mặt tại hiện trường. Khoảng 30 phút sau đó, một loạt xe cứu hộ - cứu nạn và hướng dẫn, chỉ đạo chữa cháy của Sở CSPCCC TP.HCM có mặt tiếp ứng.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến 1h, chúng tôi đã phải huy động đến gần 200 cán bộ chữa cháy và 12 xe đến để làm nhiệm vụ” – Thượng tá Ngàn thuật lại.

Đích thân Thiếu tướng – GĐ Sở CSPCC TP.HCM Trần Triều Dương cũng có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ huy công tác chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn. Hàng trăm chiến sĩ đã không quản khó khăn, thức thâu đêm, suốt sáng, dốc sức đưa toàn bộ các nạn nhân ra khỏi khu vực tai nạn thương tâm.

Vào lúc 7h40 sáng ngày 24/2, những người làm công tác cứu hộ - cứu nạn đã đưa được 2 thi thể nạn nhân đầu tiên từ đống đổ nát tại căn nhà 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (nhà ông Phương). Đến 12h7 trưa 24/2, đã có 10 thi thể nạn nhân của vụ sập nhà được tìm thấy.

chay no

Sở CSPCCC TP.HCM đánh giá: Đây là một trong những tai nạn cháy nổ thương tâm nhất xảy ra tại địa bàn TP.HCM trong vài năm trở lại đây.

Cũng theo Thượng tá Ngàn, chính nhờ sự tranh thủ từng giây, từng phút một, chạy đua với thời gian với mục tiêu là “càng cứu sống được nhiều người càng tốt”, Sở CSPCC TP.HCM đã đưa 4 người dân từ trên mái nhà xuống khu vực an toàn, đồng thời cứu sống 3 nạn nhân khác thoát chết trong gang tấc.

Đặc biệt, bà Lương Thị Rép (SN 1943) đã được tìm thấy, cứu sống trong đồng gạch vụn, khi mà bà đã bị chôn vùi dưới độ sâu đến 3m. “Đúng là một thành quả tuyệt vời” – Thượng tá Ngàn nhớ lại.

Do hẻm 384 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa không to, cả 3 ngôi nhà bị sập hoàn toàn nên công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

 “Tuy nhiên nhờ kinh nghiệm lâu năm của những người làm công tác cứu hộ - cứu nạn, cùng thông tin của người dân cung cấp, chúng tôi đã nhận định, phán đoán chính xác những vị trí cần tìm kiếm", đại diện lãnh đạo Sở CSPCCC TP.HCM kết luận.

Trong một diễn biến khác có liên quan, sáng 25/2, lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự XH, Công an TP.HCM khẳng định: Việc ông Lê Minh Phương để chất cháy nổ trong khu dân cư là sai. Bởi lẽ, Công ty Lạc Việt đã không có giấy phép sử dụng vật liệu nổ.

Công an TP.HCM thông tin: Hành vi của ông Phương đã có biểu hiện vi phạm pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

“Còn vi phạm tới đâu, cần phải chờ kết luận cuối cùng của Công an TP.HCM về vụ tai nạn này thì mới có thể có thể xác định được” – Đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng Công an TP.HCM cho hay.

Theo đúng quy định, muốn xin giấy phép sử dụng các loại vật liệu nổ, các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu cần phải xin phép Bộ Quốc phòng cấp, tùy theo mục đích, thời gian sử dụng.

Theo VTC

Các tin cũ hơn