Cấp mã số công dân, ý tưởng hay nhưng thiếu khả thi

Thứ sáu, 22/03/2013, 09:35
Cho rằng việc cấp mã số định danh mang lại tiện ích to lớn cho người dân và cơ quan quản lý, tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngành tư pháp và công an khẳng định rất khó khả thi, lại chồng chéo với dự án của Bộ Công an.

Đánh giá rất cao ý tưởng cấp mã số định danh, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương cho rằng, nếu thực thi được sẽ mang lại tiện ích to lớn cho người dân lẫn cơ quan quản lý.

Với người dân, số lượng giấy tờ tùy thân sẽ giảm đáng kể, các giao dịch sẽ nhanh chóng, thuận lợi gấp nhiều lần hiện nay. Về phía Nhà nước, nhiều cơ quan liên quan tới việc quản lý thủ tục, giấy tờ cũng được giảm đi. Ngoài ra, nếu mã số định danh do Bộ Tư pháp quản lý sẽ dân sự hóa việc quản lý công dân ngay từ lúc sinh ra.

Tuy nhiên, với nhiều năm làm công tác hộ tịch, ông Phương băn khoăn về tính khả thi của đề án bởi có quá nhiều thứ phải bàn. "Ý tưởng này hay, nhưng liệu có khả thi? Mã số đó có thay thể tất cả giấy tờ tùy thân, đơn cử như hộ chiếu, hay không? Tôi cho là không bỏ được", ông Phương nói.

Là thành viên ban soạn thảo dự luật hộ tịch, ông Phương cho hay, đề án của Bộ Tư pháp gắn với luật này nhưng dự luật còn nhiều điểm chưa ổn. Giả sử đề án được triển khai thì bài toán kết nối cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin hay tính bảo mật thông tin cá nhân... vẫn rất khó giải.

Một lý do quan trọng khác theo Phó giám đốc Sở là khi Bộ Tư pháp xây dựng đề án thì lại "va" với hệ thống quản lý dữ liệu dân cư mà Bộ Công an đang xây dựng. "Chúng ta phải kết hợp được kho dữ liệu đăng ký khai sinh giữa Bộ Tư pháp và danh chỉ bản (chứng minh nhân dân) của Bộ Công an mới rút ngắn lộ trình được", ông Phương nhìn nhận.

Từng nhiều năm quản lý hộ khẩu, thượng tá Nguyễn Văn Thành (nguyên Phó trưởng công an quận Đống Đa) cho biết, trước đây công an quận phải có một kho để lưu trữ hồ sơ của công dân, bảo quản rất cẩn thận. Giờ nếu đề án này hoàn thành sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính không chỉ trong lĩnh vực hộ tịch mà cả nhiều lĩnh vực khác.

Thượng tá Thành cho rằng việc định danh mã số công dân có thể làm được, nhưng làm thế nào để cập nhật thông tin của mỗi cá nhân kịp thời và cơ quan chịu trách nhiệm cập nhật mới là vấn đề vì phải có đủ nhân lực, vật lực.

"Hàng ngày, mỗi quận huyện diễn ra hàng nghìn giao dịch. Không phải công dân nào khi chuyển trường học, chuyển cơ quan, vị trí công tác... cũng đến khai báo, cập nhật. Vậy làm thế nào để cho mã số định danh đó sống chứ không phải chỉ là cập nhật thông tin ban đầu?", ông Thành nêu vấn đề.

Mã số cá nhân
Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - C72. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Trong khi đó, theo đại tá Vũ Xuân Dung (Cục trưởng Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - C72), dự thảo đề án của Bộ Tư pháp vừa thiếu tính khả thi lại ít có tác dụng trong điều kiện hiện nay.

Với dự định áp dụng cho các công dân mới sinh, theo đại tá Dung, nếu tính 10 năm sau công dân đó mới phát sinh các giao dịch liên quan tới mã số định danh thì phải đến 2025 - 2030 đề án của Bộ Tư pháp mới bắt đầu phát huy tác dụng.

Theo đại tá Dung, ý tưởng của Bộ Tư pháp là trên cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành mới cập nhật, cải cách hành chính và giấy tờ công dân. Làm như thế thì phần lớn nội dung trùng lắp với dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.

"Ngoài đề án của Bộ Công an, đề án của Bộ Tư pháp còn phải chờ đề án của nhiều ngành khác, vậy thì bao giờ xong để mà cải cách? Chúng tôi tham gia góp ý nhiều và đề nghị không nên làm vì rất chồng chéo. Điều quan trọng bây giờ là phải giúp Chính phủ quản lý được cơ sở dữ liệu của 90 triệu dân chứ nếu làm theo cách này thì quá chậm trễ", ông Dung nói.

Theo phân tích của vị cục trưởng, nếu thực hiện phương án của Bộ Tư pháp thì sẽ phải thành lập đội ngũ cán bộ từ cấp xã tới trung ương để thu thập, hệ thống hóa dữ liệu cá nhân công dân. Điều này không chỉ khó triển khai mà còn tiêu tốn rất nhiều ngân sách.

Trong khi đó, việc thu thập các dữ liệu này lại trùng lặp, chồng chéo với dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an được Chính phủ quy định tại nghị định 90 (hiệu lực từ năm 2011).

"Hiện chúng tôi đã triển khai thu thập dữ liệu tại Hải Phòng. Với điều kiện con người sẵn có, nhiều năm làm công tác quản lý dân cư, nếu đủ kinh phí, chỉ 1-2 năm Bộ Công an sẽ hoàn tất bộ cơ sở dữ liệu này trên toàn quốc", ông Dung cho hay.

Nói thêm về dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục trưởng Vũ Xuân Dung cho biết, với 22 trường dữ liệu, Bộ Công an đã áp dụng với việc cấp mới chứng minh nhân dân 12 số. Dãy số này đồng thời là mã công dân để ghi vào sổ sách các cơ quan, tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo Cục trưởng Dung, việc thu thập dữ liệu là quan trọng nhất, từ đó làm cơ sở cho đầu ra (như chứng minh thư, thẻ công dân...). Vì thế, nếu thu thập được bộ dữ liệu chuẩn thì có thể tiến tới bỏ hộ khẩu. Đến lúc cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế cũng như dân trí cho phép thì sẽ triển khai làm thẻ điện tử tích hợp thông tin, chức năng như các nước phát triển áp dụng.

Theo luật sư Phạm Thanh Bình, vấn đề cần quan tâm là khi số định danh công dân được cấp cho mỗi công dân cần có sự liên thông với các giấy tờ công dân đang sử dụng, tránh việc làm khó cho công dân như việc đổi chứng minh nhân dân từ 9 số lên 12 số thời gian qua. Có như vậy thì việc cấp số định danh công dân mới không trở thành một rào cản khi đi vào cuộc sống.

Theo VNE

Các tin cũ hơn